Ảnh hưởng đáng sợ của Squid Game đến trẻ nhỏ

Dù là bộ phim dành cho khán giả trên 18 tuổi, Squid Game (Trò chơi con mực) vẫn bị lên án vì quá bạo lực ở một số nước. Những trường hợp các em nhỏ thể bắt chước và tái hiện những trò chơi trong phim.

Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng vừa qua, người dân phải ở nhà giãn cách, dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng chiếu phim trực tuyến, điển hình là Netflix. Gần đây, bộ phim truyền hình Squid Game của nền tảng này đang trở thành cơn sốt trên toàn thế giới. Thế nhưng sự nổi tiếng của bộ phim cũng làm dấy lên mối lo ngại đối với trẻ nhỏ khi các em ở nhà và có nguy cơ tiếp xúc với tác phẩm hàng ngày.

Squid Game kể về 456 người tham gia một số các thử thách và nếu thắng cuộc sẽ có được món tiền thưởng 45,6 tỷ won, còn nếu thua cuộc sẽ phải trả giá bằng mạng sống. Họ đều có điểm chung là những người nghèo, nợ nần chồng chất.

Các thử thách họ phải vượt qua đều được lấy cảm hứng từ các trò chơi của trẻ em. Bộ phim ghi điểm trong mắt người xem nhờ ý tưởng độc đáo và các tình tiết máu me bạo lực. Song, đó cũng là vấn đề nếu trẻ em tiếp xúc với tác phẩm này.

Đầu tháng 10, có báo cáo từ trường Erquelinnes Bégunating Hainaut ở Bỉ, các giáo viên đã phát hiện học sinh chơi trò “đèn xanh, đèn đỏ” từ trong bộ phim. Thay vì bị xử tử như trong phim, người thua cuộc sẽ bị đánh dẫn tới nảy sinh tâm lý sợ hãi ở các em sau khi bị đánh.

Búp bê trong phim cố gắng tìm ra người thua cuộc và xử tử. Nguồn: Screen Rant.

Búp bê trong phim cố gắng tìm ra người thua cuộc và xử tử. Nguồn: Screen Rant.

Một cô bé 8 tuổi ở Quebec, Canada luôn trong trạng thái bất an, sợ hãi và không muốn đến trường. Sau khi gặng hỏi, cha cô bé mới biết, ở trường các bạn học của cô bé đã tổ chức trò “đèn xanh, đèn đỏ” giống như trong phim. Một người đóng vai con búp bê sẽ cố gắng phát hiện ra người thua và người đó sau khi bị phát hiện sẽ phải nằm úp mặt xuống đất.

Búp bê trong trò chơi "Đèn xanh, đèn đỏ". Nguồn: Netflix.

Búp bê trong trò chơi "Đèn xanh, đèn đỏ". Nguồn: Netflix.

Vì những trò chơi trong phim đều lấy cảm hứng từ các trò chơi trẻ em nên trẻ dễ có xu hướng bắt chước theo nó hơn.

Những trường hợp trên đã làm dấy lên mối lo ngại về việc trẻ con có thể bắt chước và tái hiện những trò chơi trong phim, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của trẻ. Cảnh sát Thái Lan đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại khi trẻ dành nhiều thời gian ở nhà xem bộ phim quá bạo lực và máu me. Giới chức cảnh báo phụ huynh phải quan tâm đến những nội dung mà trẻ xem hàng ngày.

Không chỉ Thái Lan, các trường học ở châu Âu cũng lên tiếng cảnh báo phụ huynh, có thể kể đến Trường Tiểu học John Bramston tại Ilford, Anh đã gửi thư cho phụ huynh cảnh báo về việc các con tái hiện lại cảnh bắn nhau trong phim.

Khi cả thế giới bàn tán về bộ phim đó, việc các con tò mò và tìm tới bộ phim này là điều không thể tránh khỏi. Khi đó cần sự vào cuộc của phụ huynh các em.

Theo nhà tâm lý học Nadia Gagnier, không chỉ cấm các con xem bộ phim đó, cha mẹ phải thảo luận về hiện tượng này với con như một cách trấn an và xây dựng lòng tin ở con.

Với sự phát triển mạnh của công nghệ số, việc tiếp xúc với các tác phẩm giải trí thông qua các nền tảng trực tuyến trở nên dễ dàng hơn, dẫn đến việc trẻ có thể tiếp cận với các nội dung không phù hợp. Trong khi nhiều quốc gia vẫn đang thực hiện giãn cách, phụ huynh là người gần gũi với trẻ nhất nên đó là trách nhiệm của phụ huynh trong việc quản lý các nội dung mà con tiếp nhận.

Trương Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/anh-huong-dang-so-cua-squid-game-den-tre-nho-5670167.html