Ảnh hưởng từ chính sách 'Zero Covid' đến người dân Trung Quốc
Một số động thái trên truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là loạt bài bình luận của tờ báo chính thống Nhân Dân Nhật báo những ngày gần đây, đánh đi tín hiệu cho thấy nước này sẽ tiếp tục duy trì chính sách Zero-Covid. Điều đó có nghĩa là vẫn kiểm soát dịch Covid-19 bằng những biện pháp nghiêm ngặt, bất chấp phần còn lại của thế giới đang dần mở cửa và chấp nhận sống chung với dịch.
Không thể phủ nhận sự hiệu quả của chính sách zero covid, khi từ năm 2020 tới nay Trung Quốc mới chỉ ghi nhận hơn 5200 ca tử vong. Nhưng mặt khác, chính sách này lại đang ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động kinh doanh.
Chị Zheng Mili hiện đang sinh sống tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Chị đang trên đường tới một cuộc phỏng vấn xin việc làm. Giống với nhiều người trẻ Trung Quốc, chị Zheng Mili khó có thể tìm được một công việc đề trang trải cuộc sống sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Chị ZHENG MILI, Người dân: “Tôi đã nộp đơn cho hàng trăm công việc, nhưng chỉ có hơn chục công ty hẹn gặp tôi để phỏng vấn.”
Mặc dù chị Zheng Mili đã tham khảo thêm rất nhiều kinh nghiệm trên các nền tảng mạng xã hội, niềm hy vọng tìm được việc làm với mức lương cao vẫn khá xa vời với chị.
Chị ZHENG MILI, Người dân: “Mọi người đều khó tìm việc làm hơn, và nếu có một tin tuyển dụng thì có rất nhiều người nói về nó. Đối với một công việc với mức lương 10.000 nhân dân tệ (33 triệu VND) mỗi tháng sẽ nhận được hàng nghìn đơn đăng ký trong một ngày - tôi nghĩ thị trường việc làm hiện nay rất khó khăn.”
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị của Trung Quốc đạt mức cao nhất là 6% vào đầu năm 2022. Nhưng số liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ lao động trẻ từ 16 đến 24 tuổi thất nghiệp vào giữa năm đã lên một mức cao kỷ lục khi năm người trẻ lại có một người không kiếm được việc làm.
Ông CARLOS CASANOVA, Chuyên Gia Kinh Tế Châu Á Tại Ubp Bank:“Các biện pháp kiểm soát Covid-19 với việc hiện có ở hơn 70 thành phố bao gồm 300 triệu dân sẽ có một số rủi ro bất lợi đối với hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ. Theo quan điểm của chúng tôi, nó sẽ gây ra một số rủi ro bất lợi đối với tăng trưởng quý 3.”
Không chỉ ảnh hưởng đến thị trường việc làm, các lĩnh vực kính doanh như ngành dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Anh CAI XU, Chủ quán bar: “Sau khi dịch bệnh xảy ra, tôi cảm thấy lo lắng, bối rối và mất mát, sau đó những quán bar lần lượt đóng cửa.”
Để bù đắp cho sự sụt giảm lượng khách, anh Cai đã bắt đầu livestream các buổi biểu diễn âm nhạc tại quán bar của mình, để những ai đang phải cách ly tại nhà có thể xem được. Ngoài ra, anh cũng hợp tác với một phòng trưng bày nghệ thuật để đưa cả âm nhạc và đồ uống vào một số buổi trình diễn nhất định.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc có được nới lỏng hay không, nhưng các nhà kinh tế và nhà đầu tư dự đoán bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, cũng sẽ kéo theo các kế hoạch để sớm mở cửa trở lại thị trường.
Thực hiện : QT