Anh - Iran giảm nhiệt căng thẳng
London đã cử một nhà hòa giải đến Iran để thảo luận việc phóng thích tàu chở dầu treo cờ Anh bị nước Cộng hòa Hồi giáo bắt giữ hồi tuần trước.
London đã cử một nhà hòa giải đến Iran để thảo luận việc phóng thích tàu chở dầu treo cờ Anh bị nước Cộng hòa Hồi giáo bắt giữ hồi tuần trước.
Căng thẳng giữa London và Tehran dường như đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong bối cảnh nước Anh đã chính thức có tân Thủ tướng Boris Johnson, một nhân vật được ví như “Donald Trump của nước Anh”.
Trong sáng 24-7, các tờ báo Iran đồng loạt đưa tin về việc ông Vladimir Johnson được bầu chọn là thủ tướng mới của nước Anh, trong đó nhiều tờ báo so sánh ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vị cựu ngoại trưởng lên nắm quyền trong bối cảnh căng thẳng với Tehran gia tăng liên quan việc hai nước bắt giữ tàu chở dầu của nhau.
Hôm 19-7, giới chức Iran thông báo đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh có hành trình tới một hải cảng ở Saudi Arabia nhưng bất ngờ đổi lộ trình sau khi đi qua eo biển tại Vùng Vịnh. Phía Iran cho biết, tàu này bị bắt giữ do vi phạm luật hàng hải quốc tế. Bất chấp những phản đối của London và các quốc gia phương Tây, Tehran tuyên bố, việc bắt giữ tàu lần này là nhằm đáp trả vai trò của London trong vụ bắt giữ một tàu chở dầu của Iran ở Gibralta với cáo buộc “vi phạm các lệnh trừng phạt của EU” đối với Syria.
Với chủ trương giảm căng thẳng, London đã cử một nhà hòa giải đến nước này để thảo luận việc phóng thích tàu chở dầu treo cờ Anh bị nước Cộng hòa Hồi giáo bắt giữ. Người đứng đầu văn phòng Lãnh tụ Tối cao Iran, ông Mohammad Mohammadi -Golpayegani ngày 24-7 đã xác nhận việc này. Theo hãng tin bán chính thức Tasnim, ông Golpayegani không cung cấp chi tiết về lịch trình của nhà hòa giải Anh, nhưng có ý mỉa mai việc London can dự vào vấn đề nội bộ của Tehran trong thời thuộc địa. Ông nói: “Một đất nước từng bổ nhiệm các vị bộ trưởng và luật sư tại Iran nay lại đến mức phải cử người hòa giải đến và cầu xin phóng thích tàu của họ”.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 24-7 cho biết, Tehran “chỉ” sẵn sàng cho các cuộc đàm phán chứ không có nghĩa là nước này nhượng bộ. Trên trang mạng chính thức của mình, nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh: “Chừng nào mà tôi còn có trách nhiệm với các nhiệm vụ điều hành đất nước, chúng ta hoàn toàn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán công bằng, hợp pháp và vô tư để giải quyết các vấn đề. Nhưng không đồng nghĩa là chúng ta sẵn sàng ngồi vào bàn để nhượng bộ dưới danh nghĩa đàm phán”. Ông không đề cập cụ thể đến cuộc đàm phán nào, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nhà lãnh đạo này dường như đang đề cập đến các cuộc đàm phán có thể với Mỹ và Anh.
Tuy nhiên, khả năng đàm phán thành công cũng không cao khi trước đó, một tòa án của vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh thông báo sẽ gia hạn giữ siêu tàu chở dầu của Iran thêm 30 ngày, một động thái khiến Tehran tức giận. Hiện tại, Iran cũng chưa có động thái gì về khả năng thả tàu Stena Impero của Anh. Trong ngày 24-7, Cty Thụy Điển Stena Bulk, chủ sở hữu tàu chở dầu mang quốc kỳ Anh Stena Impero, cho biết vẫn đang đợi câu trả lời từ các nhà chức trách Iran với yêu cầu chính thức thăm thủy thủ đoàn của tàu bị bắt giữ hôm 19-7 này.
Cty này lưu ý đã gửi tất cả thông tin cần thiết cho các nhà chức trách liên quan để hướng dẫn tàu di chuyển qua Eo biển Hormuz, đồng thời cho biết Cty không có bằng chứng cho thấy tàu Stena Impero tham gia bất cứ vụ đụng độ nào. Theo Stena Bulk, Cty đang tiếp tục hỗ trợ thân nhân của các thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có các công dân Ấn Độ, Nga, Latvia và Philippines.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_209906_anh-iran-giam-nhiet-cang-thang.aspx