Liệu ông Donald Trump có ủng hộ sáp nhập Bờ Tây vào Israel như đồn đoán?
Đang có đồn đoán ông Donald Trump một khi nhậm chức tổng thống Mỹ sẽ ủng hộ sáp nhập Bờ Tây vào Israel, khi có thành viên trong chính quyền mới của ông ủng hộ ý tưởng này, song chuyên gia nhận định ông khả năng sẽ không đánh đổi những mục tiêu chiến lược của Mỹ tại Trung Đông để ủng hộ việc này.
Trả lời phỏng vấn vào ngày 13-11, ông Mike Huckabee – người được Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chọn làm đại sứ Mỹ tại Israel – cho biết "tất nhiên" việc sáp nhập Bờ Tây vào Israel là điều có thể xảy ra tương lai. Tuy nhiên, theo ông Huckabee, chính sách này vẫn chưa được vạch ra cụ thể.
Theo tờ The Wall Street Journal phát biểu của ông Huckabee là tín hiệu đầu tiên cho thấy nhiều người trong chính quyền mới của ông Trump có thể ủng hộ ý tưởng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc sáp nhập Bờ Tây.
Quan điểm cứng rắn từ nhiều bên
Ông Huckabee là một trong số những người trong chính quyền mới do ông Trump chọn có quan điểm ủng hộ Israel. Ngoài ông Huckabee, đến thời điểm này, những người có quan điểm ủng hộ Israel trong chính quyền mới của ông Trump còn có bà Elise Stefanik – người được ông Trump đề cử cho vị trí đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc và ông Steve Witkoff – người được đề cử cho vị trí đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông.
Trong nhiều năm qua, ông Huckabee đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Israel lập các khu định cư của ở Bờ Tây. Năm 2017, ông Huckabee nói rằng không có khái niệm Bờ Tây và thuật ngữ thực sự chỉ vùng lãnh thổ này là Judea và Samaria (thuật ngữ Israel dùng để chỉ Bờ Tây).
Theo ông Heckabee, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã chứng minh thiện chí ủng hộ Israel bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ đến đó và công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan – vùng đất Israel đã chiếm được từ Syria trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967.
"Ông Trump đã chứng minh trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình rằng chưa từng có một tổng thống Mỹ nào quan tâm về việc đảm bảo chủ quyền của Israel hơn ông ấy. Tôi hoàn toàn mong đợi điều đó sẽ tiếp tục" – ông Heckabee nói.
Theo The Wall Street Journal, phần lớn thế giới coi Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Trong khi đó, Israel cho rằng đây là vùng lãnh thổ tranh chấp và phải đàm phán về tình trạng cuối cùng của vùng này.
Kể từ khi ông Trump đắc cử, các bộ trưởng cực hữu và lãnh đạo các hội đồng định cư ở Bờ Tây nói rằng đã đến lúc phải tiếp tục thúc đẩy việc sáp nhập vùng này vào Israel.
"Chiến thắng của ông Trump mang đến một cơ hội quan trọng cho nhà nước Israel” - Bộ trưởng Tài chính Israel, ông Bezalel Smotrich nói vào ngày 11-11.
Ông Smotrich cho biết ông đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị cho việc áp dụng chủ quyền của Israel ở Bờ Tây. Trong 2 năm qua, ông đã lãnh đạo một cuộc tái thiết âm thầm Bờ Tây theo hướng có lợi cho việc xây dựng các khu định cư người Israel.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel – ông Gideon Saar cho rằng khả năng sáp nhập Bờ Tây sẽ cần phải được thảo luận với phía Mỹ.
Ông Trump sẽ ủng hộ ý tưởng sáp nhập Bờ Tây?
Ông Trump chưa chắc sẽ ủng hộ lập trường của ông Huckabee. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump phản đối việc Israel sáp nhập Bờ Tây. Thay vào đó, ông thúc đẩy các bên đạt thỏa thuận hòa bình, nhưng đề xuất này đã bị giới lãnh đạo Palestine bác bỏ vì nội dung thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của họ.
Tháng 9-2020, khi ông Trump còn trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, Hiệp định Abraham được ký kết giữa Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain, dưới sự bảo trợ của chính phủ Mỹ. Morocco và Sudan cũng tham gia vào hiệp định này, lần lượt vào tháng 12-2020 và tháng 1-2021.
Theo hiệp định, các quốc gia đồng ý “theo đuổi tầm nhìn về hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Trung Đông và trên toàn thế giới”. Ngoài ra, các nước còn nhất trí về việc hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, y học, thương mại.
Ông Mark Dubowitz – giám đốc điều hành nhóm nghiên cứu Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Mỹ) cho rằng chính quyền ông Trump sẽ không muốn mạo hiểm hy sinh những nỗ lực đã thực hiện để ủng hộ việc sáp nhập Bờ Tây.
"Tôi vẫn chưa nghe ai nói rằng ưu tiên [của ông Trump] là ủng hộ việc sáp nhập Bờ Tây. Đối với Mỹ, đề xuất của ông Smotrich đối với Bờ Tây có thể chỉ là vấn đề thứ yếu so với việc bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia – Israel và tìm cách xử lý trong quan hệ với Iran” – ông nói.
Trung Đông thêm nóng?
Trong thông cáo chiều 12-11, phía Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) lên án những bình luận gần đây của ông Smotrich, gọi chúng là khiêu khích và là trở ngại đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Các quốc gia Ả Rập và các nước châu Âu cho biết động thái đơn phương sáp nhập Bờ Tây sẽ vĩnh viễn dập tắt hy vọng về nền hòa bình giữa Israel và Palestine.
Trước đó, tại sự kiện đánh dấu kỷ niệm 3 năm ký kết Hiệp định Abraham vào năm 2023, đại sứ UAE tại Mỹ Yousef Al Otaiba cho biết các chính sách của Israel ở Bờ Tây đang khiến giải pháp hai nhà nước trở nên khó đạt được hơn.
"Thỏa thuận của chúng tôi dựa trên một khoảng thời gian nhất định và khoảng thời gian đó sắp kết thúc. Vì vậy, chúng tôi không có khả năng thúc đẩy các đề xuất được đưa ra ngoài khoảng thời gian mà Hiệp định Abraham quy định" – ông nói.
Việc sáp nhập Bờ Tây cũng có thể ảnh hưởng tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.
Ngoài ra, nhiều người ở Israel phản đối việc sáp nhập Bờ Tây. Họ lập luận rằng việc sáp nhập sẽ không có lợi cho giải pháp hai nhà nước hoặc có thể khiến Palestine tại Bờ Tây bị phân biệt đối xử và bị tước quyền công dân.