Anh không công nhận chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của châu Phi

Tuần trước, Anh thông báo sẽ mở rộng danh sách các quốc gia được Anh công nhận chứng nhận tiêm chủng ngừa COVID-19, tuy nhiên, danh sách mới không bao gồm bất kỳ quốc gia nào của châu Phi.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Rabat, Maroc, ngày 2/9. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Rabat, Maroc, ngày 2/9. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, ông John Nkengasong cho biết việc Vương quốc Anh không công nhận chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của châu Phi là điều đáng tiếc và gửi đi một thông điệp y tế công cộng khó hiểu.

Phát biểu tại họp báo ngày 23/9, ông Nkengasong cho biết AU đang kêu gọi Anh xem xét lại quan điểm trên bởi điều đó không phản ánh tinh thần đoàn kết và hợp tác thực sự.

Giám đốc CDC châu Phi lập luận: “Nếu bạn gửi cho chúng tôi vaccine và bạn nói rằng bạn không thừa nhận những người đã được tiêm bằng chính những loại vaccine đã gửi... điều đó sẽ phát đi một thông điệp đầy thách thức với chúng tôi."

Tuần trước, Anh thông báo sẽ mở rộng danh sách các quốc gia được Anh công nhận chứng nhận tiêm chủng ngừa COVID-19, bổ sung 17 nước vào danh sách ban đầu gồm Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, danh sách mới không bao gồm bất kỳ quốc gia nào của châu Phi.

Chính phủ Anh quy định chính sách tiêm chủng riêng cho England, trong khi Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland chịu trách nhiệm về các quy tắc riêng.

Ngày 21/9, Đại sứ quán Anh tại Kenya cho biết Anh cần có thời gian để thiết lập một hệ thống công nhận chứng nhận vaccine cho các du khách quốc tế.

Ông Richard Mihigo, điều phối viên Chương trình Phát triển vaccine và tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở châu Phi, cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng vấn đề cơ bản là về chứng nhận.

Ông cho biết cần xem một số chứng nhận tiêm vaccine được các quốc gia khác nhau công nhận như thế nào.

Theo Giám đốc CDC châu Phi, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi vẫn rất thấp, với chỉ 4% người dân lục địa đã được tiêm phòng và phần lớn các nước vẫn đang ở giữa làn sóng lây nhiễm thứ 3.

WHO tại châu Phi nhận định các lô vaccine đến châu lục này hằng tháng sẽ phải tăng gấp 7 lần để đạt được mục tiêu của Liên hợp quốc là 70% dân số thế giới được tiêm chủng vào tháng 9/2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/anh-khong-cong-nhan-chung-nhan-tiem-chung-covid19-cua-chau-phi/742762.vnp