Anh 'khuyên' Ukraine chưa kí thỏa thuận, tiếp tục chiến đấu với Nga
Anh được cho là đã khuyến nghị Ukraine chưa vội kí thỏa thuận hòa bình với Nga mà tiếp tục chiến đấu để đạt được ưu thế tối đa trên bàn đàm phán.
Tờ The Times ngày 1/4 dẫn nguồn tin quan chức cấp cao Chính phủ Anh cho biết, London có lập trường khá khác biệt so với các đồng minh chủ chốt như Mỹ, Pháp và Đức trong tình hình ở Ukraine, khi nước này cho rằng Kiev chưa nên kí kết thỏa thuận với Nga ở thời điểm hiện tại.
Anh dường như lo ngại lãnh đạo các nước Mỹ, Pháp và Đức "quá nóng lòng" thúc đẩy Kiev tiến đến một thỏa thuận với Moscow, vốn đòi hỏi phía Ukraine phải nhượng bộ đáng kể.
Chính phủ Anh theo đó tin rằng, Ukraine nên tiếp tục chiến đấu để tìm kiếm một "vị thế mạnh nhất có thể" trên bàn đàm phán. London cam kết hỗ trợ Kiev thông qua tăng cường biện pháp trừng phạt chống Nga và viện trợ vũ khí.
Theo tờ Interfax, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nêu quan điểm của London với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc điện đàm gần đây.
Thông tin về quan điểm khác biệt của Anh xuất hiện vài hôm sau vòng đối thoại trực tiếp Nga-Ukraine tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó, Kiev đã đưa ra đề xuất rõ ràng về tình trạng trung lập, vốn được phía Nga mô tả là đã đáp ứng cơ bản yêu cầu mà Moscow từng nêu.
Ông Oleksandr Chaly, thành viên phái đoàn đàm phán Ukraine, nói với báo giới rằng, Kiev cũng đồng ý phi hạt nhân hóa, đổi lại việc được bảo lãnh an ninh bởi một số cường quốc, gồm cả Nga và Anh, với "nội dung và hình thức" thỏa thuận tương tự Điều 5 Hiệp ước NATO, tức bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Ukraine sẽ bị coi là một cuộc tấn công chống lại các nước bảo lãnh.
Anh từng là một bên tham gia kí kết Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 cùng Ukraine, Nga và Mỹ, trong đó Kiev đồng ý từ bỏ 1.900 đầu đạn hạt nhân khỏi lãnh thổ của mình theo khung thời gian quy định. Đổi lại, Nga, Mỹ và Anh cam kết "tôn trọng độc lập, chủ quyền và hiện trạng biên giới của Ukraine".
Tuy nhiên, do không phải một hiệp ước chính thức, Bản ghi nhớ Budapest không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, không được quốc hội các nước kí kết thông qua và không có cơ chế thực thi.