Anh lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh an ninh lương thực toàn cầu
Trang Independent hôm nay dẫn lời Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Vương quốc Anh đang có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh an ninh lương thực cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng cao do những tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Sự kiện này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/11 tới, quy tụ các đại diện chính phủ, tổ chức từ thiện và doanh nghiệp “để giúp đỡ những nền kinh tế và những người dễ bị tổn thương” bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng giá lương thực trong thời gian qua.
Được biết, hội nghị sẽ diễn ra với sự hợp tác của Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ đầu tư cho trẻ em, chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Somalia.
Thông tin trên được Văn phòng Thủ tướng Anh công bố vào cuối ngày 7/9 khi Thủ tướng Sunak tới Ấn Độ tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G20).
Đề xuất này được đưa ra vài ngày sau khi Nga tuyên bố sẽ không khôi phục Sáng kiến ngũ cốc Biển đen – một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen. Quyết định này làm dấy lên mối lo ngại về tương lai nguồn cung từ Ukraine - một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, và góp phần khiến giá lúa mì toàn cầu biến động trong nhiều tuần.
Trước khi xảy ra xung đột vào tháng 2/2022, Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 thế giới, nước xuất khẩu ngô lớn thứ 4 và xuất khẩu hạt cải dầu lớn thứ 3 toàn cầu.
Theo Liên Hiệp Quốc, thỏa thuận này được ký lần đầu tiên vào tháng 7/2022 và được gia hạn 3 lần, bao gồm vào tháng 11/2022 (thêm 120 ngày), vào tháng 3/2023 (thêm 60 ngày), và một lần vào ngày 18/5. Thỏa thuận đã hết hiệu lực vào ngày 17/7 vừa qua.
Kể từ khi thỏa thuận được ký kết, dữ liệu của LHQ cho thấy khoảng 32,9 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm đã rời khỏi Ukraine qua các tuyến vận chuyển trên Biển Đen đến 45 quốc gia ở 3 châu lục, trong đó phần lớn được chuyển đến các khu vực đang gặp khó khăn về nguồn cung dinh dưỡng trên thế giới.