Anh lo ngại biến thể mới ở Nam Phi làm tổn hại nỗ lực chống dịch

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Ngày 25/11, Anh bày tỏ lo ngại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan ở Nam Phi có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19 và làm tổn hại các nỗ lực chống đại dịch.

Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cho biết biến thể được gọi là B.1.1.529 này có protein gai khác hẳn protein ở chủng gốc, trong khi các loại vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay đều được bào chế dựa trên protein ở chủng virus gốc.

Theo Giám đốc điều hành UKHSA Jenny Harries, đây là biến thể đáng lưu ý nhất được phát hiện cho đến nay và các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu khẩn cấp để tìm hiểu về khả năng lây lan, tính nghiêm trọng và phản ứng của biến thể này đối với vắc xin.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho rằng biến thể mới này có số lượng đột biến rất cao, thậm chí cao gấp đôi so với biến thể Delta. Theo đó, biến thể mới này có khả năng lây lan mạnh hơn và những loại vắc xin đang được lưu hành có thể ít hiệu quả hơn đối với biến thể này.

Biến thể B.1.1.529 vừa được phát hiện trong tuần này, nhưng Anh đã nhanh chóng áp đặt lệnh hạn chế đi lại đối với Nam Phi cùng 5 quốc gia láng giềng của nước này.

Động thái này của Anh nhanh hơn nhiều so với thời điểm phát hiện biến thể Delta hiện đang là chủng lây lan chính.

Kể từ 12 giờ theo giờ GMT ngày 26/11, Anh tạm đình chỉ các chuyến bay đến từ 6 quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini, đồng thời những du khách Anh trở về từ 6 quốc gia này sẽ phải cách ly.

Bộ trưởng Javid cho rằng vẫn cần nghiên cứu thêm về biến thể mới này, nhưng cũng cần áp dụng các quy định hạn chế đi lại để đề phòng.

Cùng ngày, Chính phủ Israel ra thông báo đưa một loạt quốc gia ở miền Nam châu Phi vào diện “cảnh báo đỏ” liên quan đến dịch bệnh COVID-19, bao gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini. Theo đó, những người nước ngoài đến từ 7 quốc gia này sẽ không được phép nhập cảnh vào Israel.

Cũng theo thông báo, người dân Israel trở về từ 7 quốc gia châu Phi trên sẽ phải trú tại cơ sở cách ly được chỉ định trong vòng 7 ngày, ngay cả khi đã được tiêm đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19.

Những người này sẽ được về nhà sau khi có kết quả 2 lần xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2. Những người từ chối xét nghiệm sẽ phải cách ly trong vòng 12 ngày.

Thông báo trên được đưa ra sau cuộc họp giữa Thủ tướng Naftali Bennett với các quan chức y tế và quốc phòng Israel. Trong thời gian tới, ông Bennett sẽ thường xuyên tham dự những cuộc thảo luận với các cơ quan chuyên môn nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 lây lan tại Israel.

Biến thể B.1.1.529 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi. Nhiều chuyên gia Israel lo ngại biến thể này sẽ có khả năng lây nhiễm mạnh và kháng vắc xin cao hơn cả biến thể Delta. Giáo sư Cyrille Cohen-Trưởng phòng thí nghiệm miễn dịch thuộc Đại học Bar-Ilan cho hay biến thể B.1.1.529 mang trong mình nhiều đột biến nhất từ trước tới nay.

Các nhà khoa học cho rằng cần tiến hành các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để đánh giá khả năng các đột biến của biến thể trên làm giảm mạnh hiệu quả của vắc xin.

Trước đó cùng ngày, các nhà khoa học ở Nam Phi thông báo đã phát hiện biến thể B.1.1.529 với nhiều đột biến, cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tăng mạnh.

Biến thể này hiện đã xuất hiện tại Botswana và Hongkong (Trung Quốc), tuy nhiên UKHSA cho biết hiện Anh chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể này.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/267876/anh-lo-ngai-bien-the-moi-o-nam-phi-lam-ton-hai-no-luc-chong-dich.html