Ánh lửa lò rèn

Bếp lò rèn được đặt ở đầu làng, dưới vòm cây gạo cổ thụ. Căn nhà của bác thợ rèn được chia thành hai gian bằng nhau; gian trong dùng để nghỉ ngơi, còn gian ngoài thông thoáng ba mặt, là nơi bác làm việc hằng ngày.

Đồ nghề của bác thợ rèn khá nhiều và chủ yếu đều làm bằng sắt, thép. Ảnh Giang Nam

Tất cả đồ nghề nằm ngổn ngang, bề bộn trên một gian nhà rộng chừng mươi mét vuông. Quan trọng nhất trong số đó là cái bếp lò.

Bếp lò bao gồm một chiếc vành bánh xe, bằng sắt hoặc bằng gỗ có tay quay, đường kính rộng gần một mét. Vành bánh xe này truyền lực với ống bễ bằng một sợi dây chuyển động vòng tròn kiểu ròng rọc. Ống bễ thổi hơi ra ngoài bếp than được đặt hơi thấp một chút giữa nền nhà. Đặt bên cạnh bếp lò là bộ đe, bộ búa, bộ ve, bộ giũa và cái chậu sắt han gỉ đựng đầy nước cùng hòn đá mài.

Lửa lò rèn luôn đỏ trong mùa gặt hái. Ảnh Giang Nam

Bộ đe gồm có hai cái; một cái hình trụ, được chôn sâu dưới đất dùng để rèn những khối sắt to, còn nhỏ hơn là cái đe hình chữ nhật, được đặt trên nền nhà, dùng để rèn những thanh sắt mỏng.

Bộ búa thì có khoảng dăm cái lớn nhỏ khác nhau, chuyên dùng cho từng công đoạn của việc rèn một thanh sắt. Bộ ve dùng để chặt sắt cũng bằng chừng ấy cái, mỗi cái đều được kẹp giữa một đoạn tre để tiện cầm nắm khi làm…

Bác thợ rèn tuổi trạc ngũ tuần, thân hình rắn rỏi và trên khuôn mặt sạm đen của bác luôn nở nụ cười chào đón mọi người đến nhờ việc. Giúp việc cho bác thợ rèn là hai anh con trai to cao lực lưỡng.

Bếp lò rèn của bác đỏ lửa quanh năm suốt tháng, làm ra không biết bao nhiêu là đồ gia dụng và nông cụ phục vụ cho bà con trong làng. Bận rộn nhất vẫn là thời gian sắp đến vụ gặt, khi mà trong làng có bao nhiêu chiếc liềm đều được đưa ra cắt lại chấu.

Nhiều gia đình vẫn giữ lửa lò rèn như lưu giữ một nét văn hóa truyền thống... Ảnh Giang Nam

Những chiếc liềm đã được khắc tên chủ sở hữu, nằm chất thành đống lớn. Bác thợ rèn ngồi bên bếp lò, tay phải quay vành bánh xe thổi ống bễ, còn tay trái dùng kìm kẹp chiếc liềm vùi vào bếp than đang đỏ rực.

Chỉ một phút sau, khi chiếc liềm đã rực hồng, bác lại nhanh chóng gắp chiếc liềm ra nhúng vào chậu nước cho già thép rồi đặt lên đe và hai cha con bác dùng búa thay nhau nện xuống. Sau mấy lần như thế, chiếc liềm đã mỏng hơn một chút nhưng ánh thép lại sáng hơn rất nhiều. Cuối cùng là công đoạn cắt chấu liềm bằng những chiếc giũa sắc.

Bác thợ rèn bây giờ tay không còn vững nữa nhưng con cháu bác vẫn ngày ngày thổi bễ, quai búa bên cái bếp lò già nua, cũ kỹ ấy. Ngọn lửa bếp lò rèn của làng tôi vẫn được gìn giữ từ ngày này sang ngày khác, từ đời trước đến đời sau…

TRẦN VĂN LỢI

(Khu 7, Rạng Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định)

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xa-que/anh-lua-lo-ren/201222.htm