Ánh mắt hai bé song Nhi giúp bác sĩ chỉnh hình xương vượt qua nỗi lo
Đã có hơn 30 năm kinh nghiệm chỉnh hình xương cho người bệnh nhưng đây là lần đầu mổ tách xương cho hai bé song sinh dính liền, bác sĩ Tiếp và ê-kíp rất lo lắng.
Bác sĩ Phan Văn Tiếp có hơn 30 năm trong nghề chỉnh hình xương cho bệnh nhân ở các bệnh viện khác nhau. Hiện, ông phụ trách chỉnh hình nhi tại Bệnh viện Xuyên Á (TP.HCM). Trong ca mổ tách cặp song sinh dính liền bụng chậu Trúc Nhi - Diệu Nhi vừa qua, ông là trưởng ê-kíp chỉnh hình xương cho ca mổ.
Nhóm chỉnh hình xương nhi của bác sĩ Tiếp có sáu người. Ngoài bác sĩ Tiếp là trưởng nhóm còn có TS.BS Võ Quang Đình Nam, Phó khoa Nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM; ThS.BS Huỳnh Mạnh Nhi, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM; bác sĩ Lê Phước Tân, Trưởng khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng 2; bác sĩ Nguyễn Dương Phi, Trưởng nhóm Chỉnh hình nhi Bệnh viện Nhi đồng thành phố; bác sĩ Đỗ Đức Duy, Khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Ấn tượng với lần khám đầu tiên của Trúc Nhi - Diệu Nhi
Bác sĩ Tiếp cho biết, nhóm của ông làm việc chung với nhau đã nhiều năm, thực hiện thành công không ít ca mổ xương khó, phức tạp. Tuy nhiên, ca mổ của Trúc Nhi - Diệu Nhi là trường hợp tách khung chậu cho cặp song sinh dính liền đầu tiên của cả nhóm.
Bác sĩ Tiếp kể, khi mới nhận lời mời tham gia chỉnh hình xương cho hai bé song Nhi từ BV Nhi đồng Thành phố, ban đầu, ông và cả nhóm vừa tự tin vừa lo. Ông tự tin vì cả sáu bác sĩ đều có kinh nghiệm chẻ khung chậu. Nhưng đây là lần đầu họ mổ tách khung chậu cho cặp song sinh dính nhau.
“Nếu tách xương xong mà không ghép lại được sẽ dẫn đến mất da, phải đắp da nhân tạo cho hai bé. Đắp da nhân tạo sẽ khiến ê-kíp khác rất vất vả, hai bé dễ nhiễm trùng. Chưa kể, nếu khung chậu không khép được mà cứ dạng 180 độ thì da không ghép được, các cơ quan không được nâng đỡ sẽ tràn xuống tầng sinh môn. Ngoài phẫu thuật tách dính, chúng tôi còn phải tính đến việc làm sao sau khi hồi phục, hai bé có thể đứng, đi, chạy, nhảy”, bác sĩ Tiếp nói về những lo lắng của mình và các đồng nghiệp trước khi mổ.
Mọi lo lắng của các bác sĩ chỉnh hình nhi vơi đi khi họ thăm khám cho hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi để chuẩn bị cho ca mổ. Bác sĩ Tiếp kể, lần đầu gặp ông, cả Trúc Nhi và Diệu Nhi đều không khóc, không sợ mà tỏ ra rất thân thiện, cười đùa với bác sĩ.
“Hai bé dễ thương lắm. Mặt tròn vo. Mắt đen láy. Nhìn hai bé, bất cứ ai cũng thương. Tôi làm trong ngành y, là một bác sĩ lâu năm mà không thể giúp hai bé được sống trong hình hài mới trọn vẹn thì đau khổ, thấy mình bất tài vô cùng”, bác sĩ Tiếp nói, giọng dứt khoát. Ông cũng quyết tâm, phải thực hiện ca mổ thành công bằng mọi giá.
Với cương vị là trưởng kíp mổ, bác sĩ Tiếp liên tục tổ chức các cuộc họp bàn, chuẩn bị kỹ càng, hội chẩn 5-6 lần trong nhiều tháng liền và đưa ra các phương án dự phòng cho ca mổ. “Sáu anh em chúng tôi làm việc chung với nhau lâu nên bàn cái gì là thuận cái đó”, bác sĩ Tiếp nói.
Để thuận tiện hơn trong việc cắt xương, bác sĩ Tiếp cùng cả nhóm lên mạng tìm đọc các ca mổ tương tự, xem cách họ cắt ghép ra sao rồi tìm ra cách làm cho mình. Riêng bác sĩ Tiếp tự chế một dụng cụ mổ khung xương chuyên biệt để áp dụng với trường hợp của hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi.
“Khi mổ cắt khung chậu đòi hỏi người bệnh phải nằm nghiêng mới có thể nhìn thấy rõ xương để cắt. Nhưng hai bé lại có tư thế nằm ngửa nên khung chậu dang ra, sát với mặt bàn thì tạo đường rạch rất khó”, bác sĩ Tiến giải thích về lý do chế tạo dụng cụ mổ riêng.
Tách được khung chậu là quên hết mệt mỏi
Ngày 15/7, hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi được mổ tách sau 13 tháng sống trong hình hài song sinh dính liền. Bá sĩ Tiếp cho biết, quá trình chỉnh hình khung chậu cho hai bé kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút. Sau khi nhóm niệu tách dính và phân chia các cơ quan, giai đoạn bước ngoặt chia đôi hai bé được tiến hành.
Ban đầu, bác sĩ Tiếp cùng năm cộng sự phải tách hai xương mu ra để biết mức độ dính liền. Khớp dính nhau cần được xác định chính xác để tránh phạm phải xương khi cắt. Đồng thời, ê-kíp phải tìm ra điểm giữa nơi dính để cắt cho đồng đều.
Bước tách này khó khăn vì hai bé đã 13 tháng tuổi, phần sụn rất cứng, xương lại dễ chảy máu nên bóc tách phải cẩn thận. “Chỉ cần không nắm đúng vị trí, các cơ quan nâng đỡ khác sẽ tổn thương”, bác sị Tiếp nói.
Khó khăn tiếp theo là hai bé phải nằm ngửa lâu nên khung chậu biến dạng. Do đó, nhóm chỉnh hình xương gặp khó khăn khi thực hiện các đường rạch tìm điểm dính xương.
May mắn, bác sĩ Tiếp đã chế một dụng cụ mổ khung xương chậu chuyên biệt cho hai bé nên dễ hơn. Các bác sĩ rạch một đường da phía sau khung chậu với đường mổ đi dọc theo mào chậu để phù hợp với tư thế nằm của hai bệnh nhi. Xong bước này, việc cắt khung chậu tách xương mới được tiến hành.
Bác sĩ Tiếp kể, sau khi nhóm của ông tách rời xương thành công, Trúc Nhi - Diệu Nhi được chuyển sang phòng mổ khác để ê-kíp Ngoại tổng quát, Niệu đạo tham gia làm hậu môn nhân tạo và may niệu đạo. Lúc này, sáu bác sĩ trong ê-kíp chỉnh hình được chia đôi để tiếp tục tiến hành khép hai khung xương chậu của các bé.
“Tách được khung chậu cho hai bé thành công, mọi lo lắng của sáu anh em chúng tôi tan biến hết. Dù sau đó, các ca mổ vào ra liên tục, rồi phải chờ đến lượt mình, nhưng ai cũng vui, khỏe khoắn, quên đi mệt mỏi”, bác sĩ Tiếp tự hào nhắc lại.
Khâu cuối cùng là bó bột cho hai bé. Bác sĩ Tiếp cho biết, giai đoạn này mất khoảng 20 phút. Nhóm chỉnh hình xương sáu người chia làm hai đội để bó bột cho hai bé.
Để chân hai bé khép lại, bác sĩ Tiếp quyết định bó bột cả hai chân. “Nhiều người hỏi, sao chẻ khung chậu mà đi bó bột cả hai chân cho hai bé. Tôi làm vậy là để khép chân cho hai bé, vừa giúp bộ phận hậu phẫu chăm sóc tầng sinh môn cho các con dễ hơn”, Trưởng nhóm chỉnh hình xương nhi giải thích.
Bác sĩ Tiếp kể, sau ca mổ, bác sĩ Nguyễn Dương Phi, Trưởng nhóm Chỉnh hình nhi Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, được phân theo dõi bột cho 2 bé, tránh các biến chứng chèn ép bột, nhiễm trùng, loét da non do nằm lâu. Việc bó bột sẽ được kéo dài từ 6 tới 8 tuần.
Ngày 20/7, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến thăm, chúc mừng toàn kíp mổ, tặng quà cho bệnh viện, cha mẹ hai bé.
Bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chia sẻ, để có được sự thành công bước đầu trong ca mổ tách Trúc Nhi - Diệu Nhi phải nhờ đến một ê-kíp hiểu nhau, từng làm việc cùng nhau, thẳng thắn, dân chủ và nhất quán khi đưa ra những quyết định quan trọng cho ca mổ. Ông cũng cho biết, thành công của ca mổ không phải do cá nhân nào, mà toàn bộ ê-kíp cùng chung sức.