Anh: Nghiên cứu sinh sống trong lều vì giá thuê nhà tăng vọt

Giáo dục đại học là một trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế Vương quốc Anh. Nghiên cứu sinh không đủ tiền thuê nhà trong khi giảng viên, nhân viên chỉ được ký hợp đồng làm việc thời vụ.

Aimeé Lê dựng lều để sống vì không thể trả tiền thuê nhà.

Aimeé Lê dựng lều để sống vì không thể trả tiền thuê nhà.

Giống như nhiều nghiên cứu sinh, Aimeé Lê, người Mỹ hiện đang học tại Anh, đăng ký làm giảng viên tiếng Anh để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng học sinh của Lê không hề biết rằng cô giáo mình phải sống trong lều suốt hai năm.

Khi đang học năm thứ 3 chương trình đào tạo tiến sĩ tại Trường Royal Holloway, ĐH London, Lê phải chuyển ra ngoài do chi phí thuê nhà ở nước này tăng cao. Không thể trang trải sinh hoạt phí chỉ từ công việc nghiên cứu và dạy thêm, Lê quyết định dựng một căn lều nhỏ.

Nữ nghiên cứu sinh chia sẻ: “Căn lều chỉ đủ cho một người nằm và lạnh lẽo. Nhiều hôm, khi tôi thức dậy, căn lều đã bị tuyết phủ kín. Lúc rảnh rỗi, tôi học cách chặt củi hoặc nhóm lửa để giữ ấm”.

Ban đầu, Lê rất sợ hãi khi phải ở một mình. Suốt 2 năm sau đó, cô hy vọng rằng cuộc sống sẽ ổn định hơn nếu hoàn thành chương trình tiến sĩ. Nhưng hiện tại, cô cảm thấy sự lạc quan của mình đã đặt nhầm chỗ do vẫn chỉ được ký hợp đồng làm việc ngắn hạn.

Lê cất sách trong phòng nghiên cứu ở trường để chúng không bị hỏng và tắm trong trường. Cô nói dối bố mẹ rằng sống trong trang trại sinh thái để họ không lo lắng, cũng không trình bày hoàn cảnh khó khăn với nhà trường.

Tương tự Lê, học viên cao học Sian Jones phải ngủ nhờ trên sàn nhà của một người bạn suốt 6 tháng học tiến sĩ. Cô giảng dạy Lịch sử với mức lương 15 bảng/giờ tại trường đại học thuộc nhóm cơ sở giáo dục Đại học Russell.

Trong năm thứ 3 của chương trình tiến sĩ, Jones phải nghỉ một tháng do phẫu thuật nên học bổng của cô bị đóng băng. Không đủ tiền thuê nhà, cô đành sống nhờ vào bạn bè xung quanh.

Jones nhớ lại: “Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Tôi vừa đi dạy, vừa làm nghiên cứu tiến sĩ trong khi không có nơi nào để ở. Tinh thần tôi đã suy sụp nghiêm trọng”.

Đến nay, cô gái trẻ đã hoàn thành chương trình tiến sĩ và làm hai công việc giảng dạy tại hai trường đại học. “Hiện, tôi là một trong những người may mắn vì có hợp đồng 3 năm. Rốt cuộc, tôi có thể thư giãn một chút. Nhưng cứ nghĩ đến 2,5 năm nữa lại lâm vào cảnh thất nghiệp là điều rất đáng sợ”, cô nói.

Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Anh (UCU) cho biết, rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh trẻ đang rơi vào tình cảnh khó khăn. Không chỉ người học, giáo viên, nhân viên các nhà trường cũng đối mặt với thách thức.

Bà Vicky Blake, Chủ tịch UCU, nhận định: “Nhiều người không tin rằng giáo dục đại học là một trong những lĩnh vực bấp bênh nhất trong nền kinh tế Anh. Ít nhất 75.000 nhân viên các trường đại học làm việc theo hợp đồng thời vụ. Họ là những người lao động bị bóc lột, trả lương thấp và bị chèn ép bởi đội ngũ quản lý cao cấp”.

Nhân viên gần 150 cơ sở giáo dục đại học tại Anh đang cân nhắc tiếp tục đình công trước Giáng sinh để phản đối chính sách trả lương thiếu công bằng so với khối lượng công việc nặng nề tại các nhà trường.

Ước tính chỉ 1/3 số học giả tại Anh được ký hợp đồng làm việc có thời hạn trong khi 41% được trả lương theo giờ. Những nhóm yếu thế như phụ nữ, người da màu, người dân tộc thiểu số ít có khả năng được tuyển dụng chính thức.

Ông Raj Jethwa, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà tuyển dụng các trường đại học và cao đẳng (UCEA), cho biết: “Trong 5 năm qua, các cơ hội việc làm dài hạn đã giảm. Phần lớn các trường đại học tuyển giảng viên, nhân viên có hợp đồng mang tính thời vụ, ngắn hạn. Điều này khiến người lao động rơi vào thế bí”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/anh-nghien-cuu-sinh-song-trong-leu-vi-gia-thue-nha-tang-vot-Q472SbF7R.html