Anh Nguyễn Chánh, một con người, một cuộc đời mãi mãi sáng trong

LTS: Đồng chí Nguyễn Chánh sinh ngày 1-8-1914 tại thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí là nhà lãnh đạo xuất sắc, một tướng quân mưu lược của Quân đội ta. Tuy quãng đời ngắn ngủi 43 năm nhưng đồng chí có gần 30 năm hoạt động cách mạng, đã cống hiến cho Đảng, cho Quân đội nhiều kinh nghiệm thực tiễn và lý luận quý báu, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến trường Liên khu 5.

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chánh, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) trích đăng bài viết của Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam về đồng chí Nguyễn Chánh.

Vào cuối năm 1946, sau khi Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam giải thể, anh Chánh làm Ủy viên Chính trị kiêm Bí thư Quân khu ủy 5, tôi tham gia Quân khu ủy, được cử làm phái viên ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng.

 Đồng chí Nguyễn Chánh (thứ tư, từ trái sang) cùng các đồng chí Đảng ủy, Bộ chỉ huy Chiến dịch Trần Hưng Đạo (tháng 12-1950).

Đồng chí Nguyễn Chánh (thứ tư, từ trái sang) cùng các đồng chí Đảng ủy, Bộ chỉ huy Chiến dịch Trần Hưng Đạo (tháng 12-1950).

Trước khi lên đường, anh Chánh đã trao đổi với tôi về âm mưu địch, tình hình và nhiệm vụ của ta, về vị trí, nhiệm vụ của mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, những công việc cụ thể của phái viên và những vấn đề cần chú ý. Anh nhấn mạnh: Quảng Nam-Đà Nẵng là mặt trận chính của Quân khu 5. Trong trường hợp kháng chiến nổ ra, đây là bàn đạp chủ yếu của Pháp để tiến công vùng Nam Trung Bộ từ phía Bắc. Quân Pháp ở đây được trang bị hiện đại, là một lực lượng chiến lược quan trọng của đội quân xâm lược nhà nghề đang rất hung hăng, chủ quan, hết sức coi thường ta.

Vì vậy, nhiệm vụ cơ bản của quân và dân Quảng Nam-Đà Nẵng ngay từ đầu cuộc kháng chiến là phải tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, ghìm chân địch, bao vây không cho chúng phối hợp với các hướng từ Tây Nguyên xuống, từ Khánh Hòa ra, tiến công lấn chiếm vùng đất còn lại, hậu phương của cuộc kháng chiến ở Nam Trung Bộ. Để hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề này, ta phải khẩn trương củng cố các Trung đoàn 96 và 93, đồng thời phải gấp rút xây dựng dân quân tự vệ rộng khắp.

Cần chú ý xây dựng cho được lực lượng chính trị và LLVT địa phương có đủ khả năng bám trụ trong khi bị địch đánh chiếm, đặc biệt là ở nội thành Đà Nẵng. Có lực lượng chặn đánh địch ở phía trước, lại có lực lượng đánh địch ở sau lưng chúng, buộc chúng phải ở vào thế luôn luôn bị uy hiếp. Anh đã có kinh nghiệm tổ chức lực lượng chính trị, LLVT trong nội thành Hà Nội, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Đó là một kinh nghiệm quý, cần vận dụng và phát huy ở đây.

Một vấn đề quan trọng bậc nhất là phải dựa vào dân, phát động toàn quân, đứng lên kháng chiến. Muốn vậy, phải tổ chức cho được cơ sở chính trị, tổ chức lực lượng tự vệ. Đội du kích Ba Tơ sở dĩ phát triển vững mạnh và chiến thắng trong khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, một phần chủ yếu là do đã biết dựa vào dân, xây dựng căn cứ trong nhân dân và nhờ có đưa Đội du kích xuống đồng bằng, dựa vào dân nên mới nhanh chóng xây dựng được hàng vạn dân quân, du kích ở các thôn, xóm. Đó cũng là những kinh nghiệm có giá trị.

Cuộc kháng chiến sẽ còn dài. Vì vậy cần phải xây dựng căn cứ của tỉnh và cả cho từng huyện.

Việc trang bị cho dân và quân ta đánh giặc hiện nay là vấn đề khó khăn, nhưng ta phải hết sức chú trọng giải quyết, phải coi trọng cả vũ khí thô sơ. Một mặt, cần chuẩn bị máy móc, phương tiện để xây dựng các xưởng sản xuất vũ khí, chuẩn bị đưa máy móc từ nội thành ra căn cứ của tỉnh để làm việc này. Mặt khác, phải phát động phong trào "lấy súng địch để đánh địch". Có thế mới khắc phục được khó khăn hiện nay của ta để có thể tiến hành kháng chiến trong nhiều năm.

Đồng chí Nguyễn Chánh (thứ hai, từ trái sang) cùng Đảng ủy Chiến dịch Thu-Đông 1949 họp bàn lãnh đạo tác chiến. Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Chánh (thứ hai, từ trái sang) cùng Đảng ủy Chiến dịch Thu-Đông 1949 họp bàn lãnh đạo tác chiến. Ảnh tư liệu

Về cách đánh, cần phải ngăn chặn địch từng bước bằng việc xây dựng công sự, chiến hào, hình thành các tuyến chiến đấu. Không nên dàn "mành mành" như những ngày đầu kháng chiến ở một số nơi mà nên rút kinh nghiệm tác chiến ở Nha Trang; đồng thời đặc biệt coi trọng cách đánh phía sau lưng địch, vận dụng kết hợp chiến thuật phục kích, tập kích, đánh phá giao thông, bắn tỉa... kết hợp đánh địch ở phía sau với ngăn chặn địch ở chính diện. Phải linh hoạt không cứng nhắc...

Tiếng súng toàn quốc kháng chiến đã vang dậy. Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, ngày đầu nổ súng chậm, Ủy ban Quân sự mặt trận đề nghị với Quân khu ủy cách chức đồng chí Trung đoàn trưởng và đề nghị đồng chí Nguyễn Bá Phát, Phó chỉ huy Ủy ban Quân sự thay. Anh Chánh hoan nghênh và đồng ý. Anh Chánh thương cán bộ nhưng rất nghiêm khắc trong khi thi hành nhiệm vụ. Nhờ đó mà kỷ luật chiến trường được giữ nghiêm, tinh thần chấp hành mệnh lệnh được triệt để hơn... Qua 6 tháng chiến đấu, Quảng Nam-Đà Nẵng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cuối tháng 6-1947, tôi về báo cáo tình hình mặt trận. Anh Chánh đã theo dõi sát tình hình nên buổi làm việc diễn ra nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Anh biểu dương và phấn khởi trước những thắng lợi của mặt trận chủ yếu, đồng thời anh cho tôi biết hướng Bình Định và Phú Yên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, chặn được cuộc tiến công của địch ra vùng tự do. Như vậy, qua 6 tháng chiến đấu, ta đã phá được kế hoạch của địch hòng mở rộng phạm vi chiếm đóng ra các tỉnh. Kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" của địch đã bị phá sản một bước cơ bản ở miền Nam Trung Bộ...

Dừng lại một lát, với thái độ cởi mở, thông cảm, anh hỏi: Đồng chí có đề nghị gì không?

Tôi trình bày kiến nghị mà tập thể đã thống nhất trước khi tôi về gặp anh. Tôi nói: Trong tình hình thế này, chắc cuộc kháng chiến của ta không thể kết thúc nhanh được. Vấn đề đặt ra là muốn tiến hành kháng chiến thắng lợi phải duy trì và phát triển lực lượng. Muốn vậy, cần phải có lực lượng để thay phiên nhau chiến đấu và xây dựng. Các đơn vị ở mặt trận đã qua nửa năm chiến đấu gian khổ đầy ác liệt, hy sinh, cần được củng cố...

Đến đây hình như đã có giải pháp từ trước, anh nói ngay: Sẽ tăng cường cho Quảng Nam-Đà Nẵng, Trung đoàn 68 hiện đang làm nhiệm vụ phòng thủ Quảng Ngãi. Tôi nghe, vừa mừng, vừa cảm động muốn ứa nước mắt.

Việc đưa Trung đoàn 68 chủ lực của Quân khu ra tăng cường cho mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, không chỉ là tăng số lượng, mà điều quan trọng hơn là tăng cường và củng cố ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta ở chiến trường, tăng thêm niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo và chỉ huy của cấp trên. Nhờ đó, mặt trận ngày càng được giữ vững, cuộc chiến đấu càng giành được thắng lợi hơn. Chính vì vậy, sau đó Trung đoàn 96 rút đi, mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng vẫn duy trì và phát triển vững chắc.

Từ tháng 4-1948, hai Trung đoàn 93 và 68 sáp nhập thành Trung đoàn 108, tôi làm Chính ủy, anh Nguyễn Bá Phát làm Trung đoàn trưởng. Anh Chánh thường trao đổi, cần hết sức quan tâm đến việc xây dựng các trung đoàn chủ lực cơ động mạnh thành quả đấm thép, có thế mới có thể làm thay đổi cục diện chiến trường, mới giành được thắng lợi quyết định trong chiến tranh. Muốn làm được việc đó, trung đoàn phải hết sức giúp đỡ địa phương xây dựng lực lượng đủ sức đảm đương nhiệm vụ tác chiến để trung đoàn có thể rút về làm lực lượng chủ lực cơ động của Liên khu.

Thực hiện ý định của anh, Quảng Nam-Đà Nẵng đã xây dựng được tiểu đoàn ở tỉnh, đại đội ở các huyện và đến tháng 5-1950, Trung đoàn chủ lực 108 đã rút về Liên khu. Như thế là ý định của anh đã được thực hiện, phong trào chiến tranh nhân dân ở Quảng Nam-Đà Nẵng ngày càng phát triển, và Trung đoàn chủ lực 108 và các đơn vị chủ lực khác của Liên khu cũng được phát triển lên một bước mới.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 5 cuối năm 1951, anh Chánh được bầu làm Bí thư Liên khu ủy và anh được bổ nhiệm làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5. Trọng trách của anh thật to lớn và nặng nề. Là người vốn có lòng tin sâu sắc ở nhân dân, tin Đảng, tin tập thể đội ngũ cán bộ và tin ở bản thân, anh bình tĩnh tháo gỡ các khó khăn. Anh đặt vấn đề phải tìm nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại và thiếu sót, trước hết là ở chủ quan, ở cấp lãnh đạo, ở người lãnh đạo. Người lãnh đạo phải tự kiểm điểm và tự nhận trách nhiệm trước nhất.

Trong chiến cục Đông-Xuân 1953-1954 ở Nam Trung Bộ, anh đã nắm vững và chỉ đạo thực hiện ý định chiến lược của Trung ương Đảng, của Bộ Tổng tư lệnh vào điều kiện chiến trường Liên khu một cách kiên định, sáng tạo, linh hoạt và quyết đoán.

Tôi nhớ, vào giữa năm 1953, trong cán bộ lãnh đạo và chỉ huy Liên khu 5, vấn đề đưa khối chủ lực tiến công lên Tây Nguyên đã được đặt ra trao đổi. Có nhiều ý kiến khác nhau. Từ khi có chỉ thị của Bộ thì vấn đề này đã trở thành thắc mắc chủ yếu trong Đảng, trong Quân đội, nhất là trong cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo. Điều này không phải không có căn cứ, vì lúc đó, thực dân Pháp đang tập trung một lực lượng lớn hòng đánh chiếm vùng tự do theo kế hoạch Atlante của tướng Navarre, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương.

Anh Chánh quán triệt ý định của trên, thấy rõ tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Tây Nguyên nên trước sau hết sức kiên định quyết tâm tiến công lên Tây Nguyên, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, giành chủ động chiến lược trên toàn bộ chiến trường. Đồng thời với việc đưa khối chủ lực tiến công lên Tây Nguyên, Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 5 đã động viên quân và dân vùng tự do kiên quyết chặn đứng cuộc tiến công lấn chiếm của địch, bảo vệ vùng tự do. Nếu địch đánh ra vùng tự do, ta ghìm lại rồi sẽ tiêu diệt.

Thực hiện phương châm "tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu" về mặt chiến lược, ta tập trung khối chủ lực tiến công lên Tây Nguyên là chiến trường đã được chuẩn bị, quân địch có nhiều sơ hở, là nơi yếu của địch. Đồng thời ta sử dụng lực lượng địa phương chặn đánh tập đoàn tiến công ra vùng tự do là lực lượng chiến lược mạnh của địch. Khi đã chiếm được Tây Nguyên, giành chủ động, thế ta đã vững, thì chỗ nào và quân địch nào ta cũng sẽ đánh được. Nhưng khi cần, ta cũng kiên quyết tập trung lực lượng tiêu diệt một số cứ điểm mạnh để phá thế địch, phát triển thế ta... Trong cuộc quyết đấu đó, ta đã toàn thắng rực rỡ.

Đây rõ ràng không chỉ là đấu lực mà chủ yếu là đấu trí giữa hai bộ óc của ta và địch. Là Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch Tây Nguyên, anh đã cùng tập thể Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên hướng chiến lược quan trọng này, và đã góp phần quyết định vào thắng lợi đó...

Ngày 24-9-1957, ngày anh Chánh (bấy giờ là Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ) hẹn xuống làm việc với tôi (lúc ấy tôi làm Chính ủy Quân khu Tả Ngạn) lại chính là ngày anh ra đi, đi mãi!

Anh ra đi, giữa tuổi 43, đang sung sức và đầy hứa hẹn, giữa lòng tiếc thương vô hạn của nhân dân, của đồng chí, đồng đội và cả của bạn bè quốc tế.

Anh Chánh, một con người, một cuộc đời mãi mãi sáng trong, người anh hùng đã một thời oanh liệt của khúc ruột miền Trung kiên cường và bất khuất.

Đồng chí Nguyễn Chánh, nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, khóa II. Đồng chí Nguyễn Chánh từng đảm nhận các chức vụ: Chính trị viên Đội Du kích Ba Tơ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Liên tỉnh ủy Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên; Bí thư Liên khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5; Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ (Bộ Quốc phòng). Đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Đại tướng NGUYỄN QUYẾT (Lược trích theo “Nguyễn Chánh - con người và sự nghiệp”)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/anh-nguyen-chanh-mot-con-nguoi-mot-cuoc-doi-mai-mai-sang-trong-787690