Anh Nguyễn Ngọc Thanh làm nông nghiệp sạch

Anh Nguyễn Ngọc Thanh chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình. Ảnh: NGÔ XUÂN

Với niềm đam mê trồng cây ăn trái, anh Nguyễn Ngọc Thanh ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa đã gầy dựng vườn cây theo hướng sản xuất hữu cơ. Đến nay, vườn cây này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh.

Lấy ngắn nuôi dài

Sau thời gian thử sức với nhiều ngành nghề kinh doanh, năm 2016 anh Nguyễn Ngọc Thanh mua hơn 6ha đất trồng mía, cải tạo để xây dựng vườn cây ăn trái chất lượng cao theo hướng chuyên canh. Thông qua các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, anh Thanh trồng khoảng 600 gốc xoài xanh Đài Loan, hơn 1.200 gốc mít Thái và một số loại cây ăn trái khác. Trong đó, anh Thanh được địa phương hỗ trợ hơn 630 cây mít Thái giống từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện.

Để có vườn trái cây sạch, an toàn, anh Nguyễn Ngọc Thanh đầu tư hơn 150 triệu đồng làm hệ thống nước tưới nhỏ giọt trên toàn diện tích hơn 5ha đất trồng cây. Anh Thanh cũng nuôi heo và bò, vừa để tăng gia sản xuất, vừa lấy nguồn phân chuồng bón cây. Anh tự mày mò, nghiên cứu cách ủ, trộn phân, bơm dẫn theo đường nước cấp tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Anh còn tự tìm hiểu cách phòng bệnh, trừ sâu hại cho cây bằng các biện pháp sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Để lấy ngắn nuôi dài, anh Thanh trồng xen một số loại cây ngắn ngày như đu đủ, chanh dây tạo thêm nguồn thu nhập. Đầu năm 2021, anh Thanh trồng 2 sào đu đủ “2 mũi tên đỏ”, thu hoạch được 70 tấn, bán hơn 200 triệu đồng. Anh cũng trồng khoảng 1 sào chanh dây, thu về hơn 100 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, anh tiếp tục tái đầu tư cho vườn trái cây. Hiện nay, hơn 600 gốc xoài của anh Thanh đã bắt đầu cho lứa trái đầu tiên. Diện tích mít Thái cũng đang phát triển rất tốt, bắt đầu cho trái bói; anh sẽ thu hoạch trái vào năm tới.

“Dự kiến, khi vườn xoài vào chính vụ, mỗi cây xoài sẽ cho thu hoạch từ 10-15 triệu đồng/cây. Với diện tích mít Thái, sau 3 năm, trữ lượng bình quân thu hoạch được khoảng 20 tấn/ha. Với giá bán hiện nay 20 triệu đồng/tấn, tổng doanh thu khoảng 400 triệu đồng/ha; trừ các chi phí sẽ thu được lợi nhuận tầm 220 triệu đồng/ha”, anh Thanh kỳ vọng.

Trăn trở tìm đầu ra

Hiện nay, vườn cây ăn trái của gia đình anh Thanh đang phát triển tốt; nhưng việc tìm đầu ra lại khiến anh lo lắng, trăn trở. Anh Thanh cho hay: Đầu năm nay, tôi trồng 2 sào đu đủ và mấy sào chanh dây. Mặc dù năng suất rất cao, nhưng vì không được giá nên thu nhập hạn chế. Tôi phải liên hệ nhiều thương lái, đồng thời chủ động thuê xe chở trái cây đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận mới bán hết, nhưng giá cả cũng rất bấp bênh. Đầu vụ, tôi bán đu đủ với giá 3.000 đồng/kg, nhưng cuối vụ chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg; chanh dây cũng tương tự. Với xoài mới bói lứa đầu, khi đến vụ thu hoạch thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên việc tiêu thụ cũng rất khó khăn.

Theo anh Thanh, việc tiêu thụ cây ăn trái phụ thuộc nhiều vào thương lái, nếu thị trường không ổn định thì dễ bị tư thương ép giá. Do vậy, anh Thanh mong muốn được hỗ trợ, kết nối với các kênh tiêu thụ ổn định để yên tâm đầu tư, nâng cao giá trị nông sản.

Ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, cho biết: Sơn Hà là xã miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của huyện. Trong cơ cấu phát triển kinh tế của xã, ngành Nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao, chủ yếu vẫn là cây mía. Dù điều kiện thổ nhưỡng của xã còn thích hợp phát triển rất nhiều loại cây trồng khác, nhưng chưa được nông dân quan tâm đúng mức.

“Vài năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư thử nghiệm các dòng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, vườn cây ăn trái của hộ anh Nguyễn Ngọc Thanh có sự đầu tư, chăm sóc tốt, bước đầu mang lại hiệu quả. Dự kiến, sau khi các hộ sản xuất cho ra sản phẩm ổn định, xã Sơn Hà sẽ lựa chọn một số sản phẩm tiêu biểu để xây dựng OCOP theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm; qua đó sẽ tìm kiếm các kênh tiêu thụ ổn định cho người dân”, ông Sơn nói.

Việc chuyển đổi cây trồng góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, giúp người dân xóa bỏ dần tập quán canh tác cũ, nâng cao kỹ thuật sản xuất, phát triển kinh tế bền vững. Về lâu dài, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/262744/anh-nguyen-ngoc-thanh-lam-nong-nghiep-sach.html