Ánh nhật nguyệt - tấm lòng của những lương y

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai vừa công diễn suất đầu tiên vở cải lương Ánh nhật nguyệt. Vở diễn đã phần nào nêu lên những vấn đề thời sự của ngành Y tế, đồng thời khẳng định giá trị của những lương y dù trong hoàn cảnh nào thì tấm lòng của những y, bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân vẫn sáng tựa nhật nguyệt.

Cảnh trong vở cải lương Ánh nhật nguyệt do NSƯT Quế Anh là tác giả kịch bản và đạo diễn

Cảnh trong vở cải lương Ánh nhật nguyệt do NSƯT Quế Anh là tác giả kịch bản và đạo diễn

Vở diễn do NSƯT Quế Anh viết kịch bản, làm đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật.

* Câu chuyện thời sự của ngành Y tế

Lấy bối cảnh xoay quanh khoa nội thần kinh của một bệnh viện với những câu chuyện, tình tiết xảy ra sau đại dịch Covid-19. Lượng bệnh nhân bị trầm cảm - rối loạn lo âu tăng nhiều, một số y bác sĩ nghỉ việc khiến cho bệnh viện trở nên quá tải.

Những bác sĩ còn ở lại gắn bó với bệnh viện phải gồng mình để hoàn thành công việc. Trải qua đau thương, mất mát do đại dịch và chịu nhiều áp lực trong công việc, thậm chí, có bác sĩ cũng rơi vào tình trạng rối loạn lo âu…

Vở cải lương Ánh nhật nguyệt được NSƯT Quế Anh ấp ủ từ năm 2022 và chính thức bắt tay viết kịch bản từ đầu năm 2023. Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã luyện tập gần 2 tháng trước khi công diễn.

Dù vậy, đội ngũ y, bác sĩ vẫn ngày đêm tận tình cứu chữa cho người bệnh; nỗ lực vượt mọi khó khăn, áp lực để hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, một số lãnh đạo ở bệnh viện, Bộ Y tế lại bắt tay với doanh nghiệp tạo thành các nhóm lợi ích gây cản trở cho hoạt động chuyên môn. Chính những nhóm lợi ích này đã tuồn thuốc giả, thực phẩm kém chức năng vào bệnh viện… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế… phục vụ công tác khám, chữa bệnh cũng được đề cập.

Không làm ngơ trước số phận của bệnh nhân, những y bác sĩ chân chính đã không màng nguy hiểm, bất chấp bị trả thù, trù dập để đấu tranh, trả lại môi trường trong sạch cho bệnh viện.

Gói gọn trong chưa đầy 120 phút, vở cải lương Ánh nhật nguyệt đã phần nào phản ánh được vấn đề thời sự được dư luận xã hội quan tâm. Đây là một đề tài gai góc, khó khai thác nhưng ê-kíp vở diễn đã làm khá tròn vai. Càng xem, khán giả càng bị cuốn hút bởi các tình huống đặt ra.

Vở diễn được Hội đồng Nghệ thuật đánh giá cao nội dung tư tưởng, mang tính thời sự; kịch bản chặt chẽ; mỹ thuật đẹp, văn minh; âm nhạc hay, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nhuần nhuyễn.

* Những thông điệp nhân văn

Không chỉ nêu lên vấn đề thời sự của xã hội, vở diễn Ánh nhật nguyệt còn lồng ghép nhiều thông điệp nhân văn. Như lời của nhân vật bác sĩ Giang nói ở đoạn kết: “Hành trình cuộc đời mỗi chúng ta dù dài hay ngắn, là chuỗi đan xen buồn và vui, nước mắt và nụ cười, khổ đau và hạnh phúc. Hãy trân quý từng phút giây trong cuộc hành trình ấy, sẽ cảm nhận được niềm vui không còn là của riêng ta mà chính là niềm vui và hạnh phúc cho mọi người, đó chính là lẽ sống”.

Mỗi thông điệp nhân văn của vở diễn được truyền tải rõ nét qua từng nhân vật. Đó là nữ trưởng khoa Phương, dù có đời sống hôn nhân không hạnh phúc, thậm chí bị chồng bạo hành nhưng vẫn hết lòng với công việc. Biết lắng nghe, chia sẻ và đồng hành với cấp dưới, chị đã nỗ lực hết mình để ngăn làn sóng bác sĩ nghỉ việc. Có thể nói, chị chính là sợi dây liên kết, là người đã níu giữ đội ngũ bác sĩ ở lại với bệnh viện, với bệnh nhân.

Cảnh trong vở cải lương Ánh nhật nguyệt do NSƯT Quế Anh là tác giả kịch bản và đạo diễn

Cảnh trong vở cải lương Ánh nhật nguyệt do NSƯT Quế Anh là tác giả kịch bản và đạo diễn

Đó là bác sĩ Khôi, người từng rơi vào tình trạng trầm cảm khi vợ mất, để lại đứa con còn đang khát sữa mẹ. Cú sốc tâm lý cộng với những áp lực trong công việc, cuộc sống đã khiến anh phải “dứt áo ra đi” nhưng sau đó anh đã quay lại, chung vai sát cánh cùng đồng nghiệp trong cuộc chiến chống lại cái xấu, chống lại “quyền lực đen”.

Đó là nhạc sĩ Khánh Thi, một bệnh nhân bị chứng xơ cứng rải rác. Căn bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nghiệp của cô. Cô cũng là nạn nhân của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế khiến căn bệnh bị tái phát nhiều lần... Mong ước nhỏ nhoi của cô là mang tiếng đàn của mình để chữa lành vết thương trong tâm hồn cho những người đau khổ. Khi tình hình sức khỏe ổn định, cô đã dành suất diễn đầu tiên của mình để biểu diễn miễn phí cho các bệnh nhân.

Đó là bác sĩ Kiên - một bác sĩ trẻ có lòng tự trọng nghề nghiệp. Dù có mẹ làm lãnh đạo nhưng anh không “dựa hơi” mẹ mà tự vươn lên bằng chính năng lực cá nhân. Anh cũng kiên quyết chống lại tiêu cực, dù đó chính là mẹ của mình…

Ngoài các diễn viên quen thuộc của nhà hát, vở diễn Ánh nhật nguyệt có sự góp mặt của 2 gương mặt mới: nghệ sĩ Cẩm Loan (vai Khánh Thi); nghệ sĩ Hoàng Linh (vai bác sĩ Kiên). Ê-kíp sản xuất, dàn dựng vở diễn gồm: tác giả kịch bản - đạo diễn: NSƯT Quế Anh; thiết kế và thực hiện mỹ thuật sân khấu: NSƯT Đạt Tăng; âm nhạc: Hoàng Anh Tuấn. Đây là ê-kíp các nghệ sĩ trẻ, có nhiều sáng tạo, đồng thời có sự bàn bạc, thống nhất để xử lý âm nhạc, cảnh trí cho phù hợp.

NSƯT Quế Anh cho biết: “Đối với âm nhạc và mỹ thuật của vở diễn, chúng tôi không chọn tả thực mà dùng nghệ thuật ước lệ, trừu tượng”. Chẳng hạn, hình ảnh những ô cửa giống như những bàn tay. Nếu trao quyền lực cho người có lương tâm thì họ sẽ có nhiều cống hiến; ngược lại nếu trao sai người thì sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn cho xã hội. Khi những ô cửa khép vào nhau chính là lúc những vòng tay yêu thương đan lại… Mỗi người nhìn qua 1 ô cửa với 1 góc nhìn khác cũng như những góc nhìn, cách ứng xử của mỗi cá nhân trước thực tế xã hội…

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/anh-nhat-nguyet-tam-long-cua-nhung-luong-y-6113fbe/