Anh nỗ lực cải tổ giáo dục đặc biệt sau khủng hoảng cải cách phúc lợi

Chính phủ Thủ tướng Anh Keir Starmer đang chuẩn bị công bố kế hoạch cải tổ hệ thống giáo dục đặc biệt và hỗ trợ người khuyết tật, trong bối cảnh dư âm từ chương trình cải cách phúc lợi gây tranh cãi vẫn chưa lắng xuống.

Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu tại thủ đô London. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu tại thủ đô London. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Politico ngày 8/7, Bộ trưởng Giáo dục Bridget Phillipson cho biết chính phủ đặt mục tiêu đảm bảo khoảng 1,9 triệu trẻ em và thanh thiếu niên Anh có nhu cầu giáo dục đặc biệt sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ đầy đủ, đồng thời tránh lặp lại những phản ứng dữ dội mà chương trình cắt giảm phúc lợi xã hội vừa qua đã vấp phải.

Dự kiến, bản kế hoạch cải cách hệ thống Nhu cầu giáo dục đặc biệt và khuyết tật (SEND) sẽ được công bố vào mùa thu, trước khi trình quốc hội xem xét thông qua. Theo Bộ trưởng Phillipson, trọng tâm của cải cách là mở rộng hỗ trợ ngay trong các trường công lập, thay vì phải dựa nhiều vào các cơ sở tư nhân đắt đỏ, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngân sách nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu học tập đặc thù.

Chính phủ Anh cũng ghi nhận hệ thống SEND hiện nay tồn tại nhiều hạn chế, từ chi phí tăng nhanh đến việc phụ huynh gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận và đảm bảo quyền lợi cho con em mình. Một số báo cáo chuyên gia chỉ ra rằng nhiều hội đồng địa phương phải chi khoản ngân sách lớn để hỗ trợ trẻ em theo học tại các cơ sở phù hợp, làm dấy lên lo ngại về tính bền vững lâu dài của hệ thống.

Giới chức Anh cho biết đã rút ra nhiều bài học sau thất bại của chương trình cải cách phúc lợi. Một quan chức Whitehall nhấn mạnh: “Điều quan trọng là các cải cách SEND không được coi chỉ như biện pháp tiết kiệm chi phí. Đây phải là cam kết lâu dài nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em”.

Theo Politico, quá trình tham vấn được Bộ Giáo dục Anh triển khai rộng rãi với sự tham gia của các nghị sĩ và phụ huynh. Nhiều nghị sĩ Công đảng mới, phần lớn là các bậc cha mẹ trẻ, tỏ ra thận trọng, nhất là khi chính họ cũng từng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hỗ trợ cho con cái có nhu cầu đặc biệt.

Bà Jen Craft, nghị sĩ Công đảng đại diện khu vực Thurrock, chia sẻ câu chuyện của bản thân khi phải nỗ lực tìm kiếm hỗ trợ cho con gái mắc hội chứng Down và gặp vấn đề thính lực. “Chúng tôi đã bị cắt giảm dịch vụ, bị quản lý quá mức và với tư cách phụ huynh, chúng tôi luôn cảm thấy phải đấu tranh”, bà nói.

Trong khi đó, nhiều tổ chức từ thiện lo ngại việc tái cơ cấu có thể dẫn tới cắt giảm các Kế hoạch giáo dục, y tế và chăm sóc (EHCP) vốn đóng vai trò quan trong trong việc đảm bảo hỗ trợ lâu dài cho trẻ. Các quan chức chính phủ đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định các EHCP hiện tại sẽ không bị rút lại.

Bên cạnh đó, một số nghị sĩ Công đảng cho rằng cải cách SEND cũng có thể giúp củng cố niềm tin của cử tri, trong bối cảnh đảng Cải cách Anh do ông Nigel Farage lãnh đạo từng bị chỉ trích vì phát biểu cho rằng Anh đang “đánh giá quá mức” các trường hợp có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Theo giới quan sát, đây được xem là một trong những lĩnh vực mà Công đảng có khả năng nhận được sự đồng thuận rộng rãi hơn từ công chúng.

Người phát ngôn của Thủ tướng Starmer khẳng định quá trình đánh giá sẽ không làm giảm nguồn hỗ trợ cho trẻ em, gia đình hay các trường học. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng nếu không thực hiện thận trọng, kế hoạch cải cách vẫn có thể vấp phải phản ứng trái chiều, đặc biệt trong bối cảnh uy tín của chính phủ đang chịu nhiều áp lực sau những tranh cãi về cải cách phúc lợi trước đó.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/anh-no-luc-cai-to-giao-duc-dac-biet-sau-khung-hoang-cai-cach-phuc-loi-20250708100047483.htm