Những nước đầu tiên phản ứng lệnh thuế mới của ông Trump
Nhiều nước nằm trong danh sách bị áp thuế mới thận trọng lên kế hoạch để đàm phán thương mại với Mỹ, trước khi mức thuế dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8.

Hàn Quốc sẽ áp dụng cách tiếp cận linh hoạt để đạt được kết quả có lợi cho cả 2 bên. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết thời hạn mới do Tổng thống Trump đề ra trong bức thư gửi Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung đồng nghĩa với việc hai nước vẫn còn thời gian để đạt được một thỏa thuận, theo Reuters.
Vào ngày 7/7 (giờ địa phương), ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với hàng hóa từ Hàn Quốc, áp dụng từ ngày 1/8, đồng thời đăng tải bức thư gửi Tổng thống Lee và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shiger lên nền tảng mạng xã hội.
Sau thông tin này, Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết thực tế, bức thư trên là động thái gia hạn thời gian ân hạn thuế quan để hai bên thương thảo.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh các cuộc đàm phán trong thời gian còn lại để đạt được kết quả có lợi cho cả 2 bên, nhằm nhanh chóng giải quyết những bất ổn do thuế quan gây ra”, tuyên bố nêu rõ.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han Koo cho biết nước này sẽ áp dụng cách tiếp cận linh hoạt đối với các công ty công nghệ Mỹ trong các cuộc đàm phán thuế quan đang diễn ra, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, theo Nikkei Asia.
Ông Yeo nói với các nhà lập pháp Hàn Quốc rằng chính phủ sẵn sàng đàm phán với Washington về cách thức đối xử với các công ty công nghệ Mỹ như Google và Meta, đồng thời xem đây là một đòn bẩy trong các cuộc thảo luận về thuế quan.
Trong 3 tháng qua, Seoul và Washington đã đàm phán về mức thuế đối ứng 25% do ông Trump đề xuất.
“Trong lĩnh vực kỹ thuật số, phía Mỹ đã yêu cầu cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và đối xử không phân biệt đối với các doanh nghiệp Mỹ”, ông Yeo nói thêm.
Dù không nêu cụ thể yêu cầu, ông Yeo lưu ý việc các nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ lo ngại về các quy định kỹ thuật số của Hàn Quốc.
Quốc hội Hàn Quốc đang xem xét các dự luật nhằm quản lý các công ty Internet đang thống trị thị trường thương mại điện tử, công cụ tìm kiếm và giao đồ ăn trực tuyến tại nước này.
Trước các động thái áp đặt thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cũng cho biết nước này muốn tránh “một thỏa thuận dễ dàng”.
Ông nói thêm rằng chính phủ sẽ cố gắng để tìm kiếm và bảo vệ những điều cần thiết trong các cuộc đàm phán.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira lên tiếng xác nhận nước này đang chuẩn bị một kế hoạch dự phòng để ứng phó với mức thuế 36% áp lên hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Ông tin tưởng rằng Thái Lan có thể đạt được thuế đối ứng tương tự với mức áp dụng đối với các quốc gia khác.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Malaysia cho biết sẽ tiếp tục đàm phán một cách thiện chí, nhằm đối phó với mức thuế 25% mà Tổng thống Donald Trump đã công bố.
Đồng thời, Malaysia sẽ tiếp tục thảo luận với các đối tác Mỹ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, làm rõ phạm vi và tác động của mức thuế vừa được công bố, đồng thời thực hiện sớm các phương án để kết thúc quá trình đàm phán.
Vào tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Tengku Zafrul Aziz từng tuyên bố các cuộc đàm phán đang “đi đúng hướng”, sau cuộc gặp mặt bên lề với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer - trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).