Anh nỗ lực sưởi ấm quan hệ với Trung Quốc
Chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày của Bộ trưởng Tài chính Anh là động thái mới nhất cho thấy nỗ lực của đảo quốc sương mù nhằm sưởi ấm quan hệ song phương.
Theo Tân Hoa xã, ngày 11-1, Phó chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves, người đang có mặt tại Bắc Kinh để tham dự Đối thoại kinh tế và tài chính Trung Quốc-Anh lần thứ 11. Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Phó chủ tịch Hàn Chính cho hay, Trung Quốc và Anh đều là những nền kinh tế lớn, là thế lực tài chính lớn trên thế giới, do đó, việc tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính dựa trên quan hệ đối tác chiến lược có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân và khuyến khích phát triển xanh ở cả hai nước. Trên cơ sở đó, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục mở rộng trao đổi với Anh, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa hợp tác cùng có lợi để mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả hai nước và cho thế giới.
Đây là lần đầu tiên Đối thoại kinh tế và tài chính Trung Quốc-Anh được nối lại sau 6 năm gián đoạn. Cơ chế đối thoại cấp cao được thành lập từ năm 2008 là một nền tảng quan trọng cho đối thoại và hợp tác song phương về những vấn đề mang tính chiến lược, toàn cầu và dài hạn trong lĩnh vực kinh tế-tài chính. Năm nay, nội dung đối thoại tập trung thảo luận các chính sách hợp tác và chủ đề kinh tế vĩ mô, bao gồm toàn cầu hóa về kinh tế-thương mại-đầu tư, hợp tác công nghiệp, phát triển thị trường tài chính và hợp tác quản lý tài chính.
Ngoài ra, hai bên cũng chú trọng đến một lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng: Công nghệ xanh. Chính phủ Anh đã thúc đẩy các cuộc đàm phán giai đoạn đầu kêu gọi hai nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đầu tư tại Anh. Khác với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), thời gian qua, Anh không áp dụng thuế quan đối với xe điện Trung Quốc, một lĩnh vực Bắc Kinh đang “thống trị” trên phạm vi toàn cầu. The Guardian dẫn nguồn tin cho biết, Công đảng cầm quyền thừa nhận kinh tế Anh "phụ thuộc rất nhiều vào dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế", và rằng cần phải "đối thoại một cách phù hợp với Trung Quốc khi họ là người chơi chính trong nền kinh tế toàn cầu".
Chuyến thăm của Bộ trưởng Reeves diễn ra sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Keir Starmer và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro (Brazil) tháng 11 năm ngoái. Dường như Thủ tướng Starmer đã đảo ngược cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Đảng Bảo thủ trước đó đối với Bắc Kinh, sau thời gian dài những bất đồng dai dẳng dẫn đến động thái “ăn miếng trả miếng” gây căng thẳng cho quan hệ song phương.
Reuters nhận định, Thủ tướng Starmer từ lâu đã bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc "bắt nguồn từ lợi ích quốc gia của Anh" bằng cách thúc đẩy thương mại, một nhiệm vụ đang trở nên cấp bách trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể thực hiện lời đe dọa áp thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, kể cả từ các nước đồng minh.
Liên quan đến chuyến công du Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Anh, The Guardian cho hay, trước đó, các nghị sĩ Đảng Bảo thủ và Dân chủ Tự do đã yêu cầu bà Reeves hủy chuyến đi để ở lại trong nước ứng phó với sự hỗn loạn của thị trường, khi nước Anh đang chứng kiến chi phí vay nợ tăng vọt, giá trị đồng bảng Anh tụt xuống mức thấp nhất trong một năm. Đáp lại động thái đó, Bộ trưởng Reeves khẳng định: “Chúng ta không thể bỏ qua thực tế rằng, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, là đối tác thương mại lớn thứ tư của Anh, giúp tạo ra gần nửa triệu việc làm cho người dân Anh... Do đó, việc lựa chọn không tham gia hợp tác với Trung Quốc không phải là lựa chọn đúng đắn. Anh cần phải hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực thương mại đem lại lợi ích quốc gia cho chúng ta”.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Anh, với giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ đạt gần 113 tỷ bảng Anh (138 tỷ USD).
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/anh-no-luc-suoi-am-quan-he-voi-trung-quoc-811080