Tình cảnh khốn cùng của người dân Donetsk sau gần 3 năm chiến sự Ukraine

Trong bối cảnh chiến sự Ukraine và đặc biệt giao tranh ở TP Pokrovsk (tỉnh Donetsk) ngày càng ác liệt, những cộng đồng gần tiền tuyến trở thành nơi trú ẩn cho người dân, nhưng không rõ liệu những cộng đồng này có thể an toàn trong bao lâu.

Chiến sự Ukraine đã kéo dài gần 3 năm, giao tranh vẫn liên tục và phức tạp. Hiện lực lượng Nga đang tiến sát TP Pokrovsk, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine). TP này từng có khoảng 60.000 người sinh sống trước xung đột Nga-Ukraine, giờ chỉ còn khoảng 11.000 người.

Khi giao tranh ngày càng ác liệt, người dân buộc phải di dời đến những khu vực an toàn hơn. Dù không hoàn toàn an toàn, những cộng đồng gần tiền tuyến Pokrovsk trở thành nơi trú ẩn cho người dân từ vùng chiến sự. Còn đối với người dân bản địa ở các cộng đồng này, họ chọn ở lại theo phương châm "còn nước, còn tát".

 TP Pokrovsk, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) trong đêm Giáng sinh 24-12-2024 giữa chiến sự Ukraine. Ảnh: KYIV INDEPENDENT

TP Pokrovsk, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) trong đêm Giáng sinh 24-12-2024 giữa chiến sự Ukraine. Ảnh: KYIV INDEPENDENT

Mắc kẹt gần tiền tuyến

Bà Valentyna - cư dân thị trấn Bilozerske (cách Pokrovsk chưa đầy 30 km về phía bắc) - chọn ở lại nơi này cùng chồng và một chú chó. Người phụ nữ 65 tuổi nói rằng dù ý thức rõ mối nguy hiểm, nhưng hiện tại vẫn quyết định không rời đi do lo sợ đến nơi khác sẽ không có việc làm.

“So với các TP Sloviansk, Kramatorsk hay Pokrovsk (Donetsk), ở đây an toàn hơn vì chúng tôi không bị pháo kích” - bà Valentyna nói.

 Thị trấn Bilozerske, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) ngày 9-12-2024 giữa chiến sự Ukraine. Ảnh: THE KYIV INDEPENDENT

Thị trấn Bilozerske, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) ngày 9-12-2024 giữa chiến sự Ukraine. Ảnh: THE KYIV INDEPENDENT

“Chúng tôi biết rằng khi quân Nga tiến đến Pokrovsk, chúng tôi có thể gặp nguy hiểm. Nhưng chúng tôi thực sự không có nơi nào khác để đi” - bà Valentyna nói, lưu ý rằng nỗi lo lớn nhất của bà là bom lượn – loại vũ khí mà Nga đã tăng cường sử dụng trong năm 2024.

Theo bà Valentyna, hệ thống phòng không trong khu vực có thể bắn hạ tên lửa, nhưng không thể đối phó với bom lượn.

“Vì vậy, chúng tôi chỉ hy vọng có một giải pháp ngừng bắn thông qua con đường ngoại giao, để những quả bom đó không còn lượn nữa” - bà Valentyna bày tỏ mong muốn kết thúc chiến sự ở Ukraine.

Không xa nơi ở của bà Valentyna, bà Olena (42 tuổi) cũng chia sẻ rằng bà không thể rời khỏi thị trấn Bilozerske. “Tôi ở đây với con gái 15 tuổi và con trai 5 tuổi” - người phụ nữ kể, nói thêm rằng bà còn phải chăm sóc người mẹ bị ung thư nên phải ở lại.

“Mối lo lớn nhất của tôi là các con. Hiện giờ, chúng hoàn toàn bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài” - bà Olena chia sẻ nỗi lo về chiến sự Ukraine.

Cũng là cư dân thị trấn Bilozerske, vợ chồng bà Svitlana không hề có ý định rời đi. Dưới tiếng còi báo động chói tai, bà Svitlana tỏ ra khó chịu khi ai nhắc đến chuyện sơ tán, mặc dù theo lý thuyết, việc này là bắt buộc tại khu vực này.

“Nhìn mà xem, chồng tôi và tôi đều đã 72 tuổi. Chúng tôi đã sống ở Bilozerske suốt 50 năm qua. Chúng tôi cưới nhau ở đây, con cái chúng tôi lớn lên và được rửa tội ở đây, vậy thì rời đi có ý nghĩa gì? Tất nhiên, rất đáng sợ, nhưng không, chúng tôi sẽ không rời đi” - bà Svitlana nhấn mạnh.

Bên cạnh những lý do như không đủ tài chính hay không nỡ rời xa mảnh đất quê hương, hầu hết người dân thị trấn Bilozerske đều cảm thấy không có nơi nào khác tốt hơn để đi. Dù Bilozerske hiện tại chưa nằm trực tiếp trong khu vực chiến sự, nhiều người đã từng di dời một lần cho rằng ở lại là lựa chọn tốt nhất.

Bà Anastasia - một người di dời từ Toretsk, nơi chứng kiến những trận giao tranh khốc liệt nhất kể từ năm 2022 - nói rằng Bilozerske là lựa chọn tốt nhất với gia đình bà. “Dù sao thì tôi cũng không thể chi trả để di chuyển xa hơn khỏi tiền tuyến. Chỉ cần nhìn vào giá thuê nhà tăng vọt ở Dnipro hay Poltava, bạn sẽ hiểu tại sao chúng tôi ở lại Bilozerske” - bà Anastasia chia sẻ.

Bỏ lại cuộc sống sau lưng

Giữa ngổn ngang nguy hiểm chiến sự Ukraine, nhiều người muốn tìm đến một nơi an toàn hơn thì chọn di cư đến Pavlohrad - một TP thuộc tỉnh Dnipropetrovsk lân cận.

Sau những nỗ lực tiến công của Nga vào Pokrovsk, TP Pavlohrad trở thành trung tâm sơ tán mới cho những người chạy trốn khỏi vùng chiến sự ở Donetsk.

Từng là nơi ở của 100.000 người và cách Pokrovsk 100 km về phía tây, giờ đây Pavlohrad chật kín người di dời, cùng các quan chức và tình nguyện viên nỗ lực giúp những người phải di dời ổn định cuộc sống.

Xe hơi, xe buýt và xe tải liên tục đưa người sơ tán từ Donetsk đến đây suốt ngày đêm. Một hội trường từng là nhà hát giờ đã trở thành nơi ở tạm bợ cho những người chờ xe lửa hoặc xe buýt để đi tiếp về phía tây. Ghế của nhà hát được chất chồng ở góc, nhường chỗ cho những chiếc giường gấp. Những gói cứu trợ màu xanh của Liên Hợp Quốc nằm rải rác xung quanh.

Hội trường im lặng, nhưng mỗi người ở đây đều mang dấu vết của chiến sự Ukraine. Trong ánh sáng lờ mờ, một nhóm nhỏ người già đang chờ được đưa đến những nơi có thể ở lâu dài hơn, xung quanh họ là vài túi nhựa chứa tất cả những gì họ kịp mang theo.

 Người dân đang chờ tiếp tục di tản trong một nhà hát ở TP Pavlohrad, tỉnh Dnipropetrovsk (Ukraine) ngày 9-12-2024 giữa chiến sự Ukraine. Ảnh: THE KYIV INDEPENDENT

Người dân đang chờ tiếp tục di tản trong một nhà hát ở TP Pavlohrad, tỉnh Dnipropetrovsk (Ukraine) ngày 9-12-2024 giữa chiến sự Ukraine. Ảnh: THE KYIV INDEPENDENT

Gần sân khấu, một người phụ nữ ngồi bất động trong trạng thái hoảng loạn, bên cạnh là hai chú chó. Bà đến từ TP Kurakhove (Donetsk) và là một trong những người cuối cùng được sơ tán khỏi TP này.

Ngày 6-1, Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát Kurakhove - nơi dân số giảm từ 18.000 xuống chỉ còn 2.000 người kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát.

Người phụ nữ kiệt sức, hầu như không thể nói chuyện, và cần được chăm sóc y tế. Gần đó, một cụ ông chống nạng ngồi trên giường, ghi chép vào cuốn sổ nhỏ dưới ánh đèn từ điện thoại di động. Một người phụ nữ khác thì thầm những lời không rõ nghĩa, liên tục gấp rồi lại mở vài bộ quần áo trên giường mình.

Ngoài hành lang, ông Viktor (66 tuổi), từng làm thợ mỏ, vừa đến Pavlohrad từ TP Myhrnohrad (Donetsk). Đôi mắt ông trống rỗng, người vẫn còn run rẩy. Ngồi trên băng ghế, ông chờ làm thủ tục đăng ký và sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, miễn là an toàn.

“Có binh lính trên khắp các con phố, TP của tôi không còn có thể tiếp cận và liên tục bị pháo kích. Tôi không có nơi nào để đi, cũng không muốn liên lạc với người thân ở những nơi an toàn hơn. Tôi nghe nói mình sẽ được đưa đến một nơi trú ẩn ở Kiev” - ông Viktor chia sẻ với Kyiv Independent nỗi lo của ông về chiến sự Ukraine.

Trong tình trạng bơ phờ và suy yếu sau nhiều tháng sống thiếu nước, không điện, không sưởi, ông Viktor đi theo các nhân viên nhân đạo vào hội trường, nơi ông sẽ chờ chuyến xe đến nơi ở mới ở Kiev. Ông thừa nhận rằng vì chiến sự Ukraine mình có thể sẽ không bao giờ trở về quê nhà nữa.

Vào mùa hè và mùa thu năm ngoái, chính quyền tỉnh Donetsk đã ra lệnh sơ tán, với sự hỗ trợ của cảnh sát, quân đội và các tổ chức phi chính phủ địa phương lẫn quốc tế. Công tác sơ tán diễn ra đầy nguy hiểm do giao tranh vẫn tiếp diễn.

Dù đã được chính quyền kêu gọi, tính đến giữa tháng 12-2024, vẫn còn khoảng 300.000 dân thường ở lại Donetsk, trong đó 54.000 người đang sống trực tiếp trong vùng chiến sự, theo Cơ quan Quân sự Donetsk.

Khi được hỏi lý do không rời khỏi vùng nguy hiểm, nhiều người nói với Kyiv Independent rằng có hai lý do chính: quyết định rời bỏ nhà cửa là quá khó khăn và không nhìn thấy cơ hội ở nơi khác.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/tinh-canh-khon-cung-cua-nguoi-dan-donetsk-sau-gan-3-nam-chien-su-ukraine-post829181.html