Anh - nới lỏng hay siết chặt biên giới?
Các nghị sĩ Anh ngày 4-11 cho rằng, vụ phát hiện 39 thi thể trong container ở hạt Essex, đang làm chấn động cả thế giới, chính là 'hồi chuông cảnh tỉnh' với chính quyền nước này trong việc cân nhắc lại cách tiếp cận với vấn đề di cư.
Các nghị sĩ Anh ngày 4-11 cho rằng, vụ phát hiện 39 thi thể trong container ở hạt Essex, đang làm chấn động cả thế giới, chính là “hồi chuông cảnh tỉnh” với chính quyền nước này trong việc cân nhắc lại cách tiếp cận với vấn đề di cư.
Theo Dailymail, những quan ngại này của các nghị sĩ Anh được phản ánh trong một báo cáo mới của Ủy ban chuyên trách ngoại vụ Anh (FASC) - một trong nhiều ủy ban chuyên trách của Hạ viện Anh, trong bối cảnh bùng lên những tranh cãi về vấn đề an ninh biên giới ở nước này sau vụ việc 39 người chết trong container ở Essex.
“Hồi chuông cảnh tỉnh”
Theo báo cáo trên, những chính sách tập trung đóng cửa biên giới của Anh sẽ phản tác dụng khi đẩy người di cư vào tay những kẻ buôn lậu.
Bởi vì, khi London siết chặt cánh cửa chính thì những người di cư sẽ lựa chọn những con đường nguy hiểm hơn để vào Anh và chính con đường này đẩy họ vào tay bọn đưa người nhập cư lậu với giá cả cao ngất ngưỡng. Chủ tịch Ủy ban này, nghị sĩ Tory Tom Tugendhat cho rằng, chính phủ Anh vì vậy nên “làm gương” trong vấn đề này, tức là thay đổi cách tiếp cận. “Vụ 39 thi thể trong container ở hạt Essex đã khiến tất cả chúng ta thật sự rất sốc. Câu chuyện hiện chưa hoàn toàn sáng tỏ nhưng đây không phải là thảm kịch duy nhất”, ông Tugendhat nói.
Theo ông, trước khi chính thức rời EU (Brexit), các quan chức Anh nên tiếp tục tham gia các cuộc họp của liên minh này về vấn đề di cư vì vụ việc mới nhất này chính “hồi chuông cảnh tỉnh” với chính quyền. “Hàng trăm gia đình trên khắp thế giới đang mất đi những người thân yêu. Họ bị buộc phải chọn canh bạc chí mạng khi giao phó mạng sống cho những kẻ đưa người nhập cư lậu. Vụ việc này nên là hồi chuông cảnh tỉnh với Bộ Ngoại giao và chính phủ Anh”, ông Tugendhat nói thêm.
Trên thực tế, hầu hết người nhập cư trái phép vào Anh đi qua con đường Châu Âu. Chính vì vậy, những người ủng hộ Brexit cho rằng, việc rời khỏi EU sẽ giúp Anh giành lại sự kiểm soát ở biên giới, nghĩa là không để con người và hàng hóa di chuyển dễ dàng từ các nước Châu Âu sang Anh như trước. Nhưng quan điểm này vấp phải những làn sóng tranh cãi gay gắt, nhất là sau vụ phát hiện 39 người thiệt mạng trong container.
Con đường mua vé “VIP” đến Anh
Báo cáo này được công bố trong bối cảnh giới chức Anh vẫn đang nỗ lực điều tra vụ 39 thi thể người nhập cư trong container, vụ việc mà giới chức Anh đang điều tra theo hướng do tổ chức buôn lậu quy mô lớn đứng sau.
Báo Telegraph dẫn câu chuyện của Phạm Thị Trà My - người được cho là nạn nhân trong vụ việc này - cho biết, cô đã trả 30.000 bảng Anh (gần 900 triệu đồng) để được đi đến Anh. Với số tiền này, cô gái được cho là nằm trong số những người di cư mua vé “VIP” đến Anh. Cô được cho là đã trải qua chuyến đi dài hơn 10.000km, kết thúc tại một khu công nghiệp gần cửa sông Thames, ở Anh. Hành trình đã đưa cô gái trẻ đến Trung Quốc, nơi cô hy vọng sẽ có chuyến đi an toàn đến Anh. Theo tờ báo, vì muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cho chính mình ở Anh, Phạm Thị Trà My nhờ vào những kẻ buôn lậu dù biết rất nguy hiểm. Cô đã dặn gia đình đừng liên lạc vì kẻ buôn lậu không cho phép cô nhận các cuộc gọi. Gia đình cô cho biết đã không nghe thấy thông báo gì từ cô cho đến khoảng 22 giờ 30 (giờ Anh) vào ngày 22-10, khi họ nhận được tin nhắn cuối cùng của cô.
Belfast Live cho biết, cảnh sát Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland đang điều tra việc nhiều người tại khu vực biên giới bị dọa giết trong quá trình các giới chức săn lùng bọn tội phạm liên quan đến thảm kịch ở Essex. Đến nay, 2 tài xế người Bắc Ireland là Maurice Robinson và Eamon Harrison bị bắt và truy tố tội ngộ sát, trong khi cảnh sát đang truy lùng 2 nghi phạm chính là Ronan Hughes, người thuê chiếc container từ Hãng Global Trailer Rentals và em trai là Christopher.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_215425_anh-noi-long-hay-siet-chat-bien-gioi-.aspx