Anh nông dân cứ mỗi năm bỏ túi 12 tỷ nhờ nuôi con 'hiền lành như đất'

Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nông dân Hồ Văn Dương biến ruộng hoang thành trang trại nuôi toàn con quen thuộc không ngờ doanh thu 12 tỷ/năm.

Từng vất vả với công việc đồng áng nhưng thu nhập chẳng thấm là bao, nông dân Hồ Văn Dương bỏ ngoài tai những lời xì xào của hàng xóm quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Bằng sự nỗ lực, dám nghĩa dám làm, anh nông dân này đã biến vùng đầm lầy hoang hóa ở Cam Lộ, Quảng Trị thành trang trại trù phú với doanh thu "khủng" hàng năm lên đến trên 12 tỷ đồng.

Tại trang trại của nông dân Hồ Văn Dương nhiều người không khỏi bất ngờ trước cơ ngơi trù phú, được bố trí hợp lí với hồ nuôi cá, trại nuôi lợn nằm giữa những hàng dừa rợp mát.

Nhớ lại những ngày đầu vất vả khởi nghiệp anh Dương tâm sự, xưa nay chẳng ai giàu lên từ cây lúa, củ khoai, do đó muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương thì phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nhờ những thay đổi trong tư duy và cách tiên tiến cộng thêm với bản tính cần cù, luôn tìm hiểu những cái mới, năm 2003, anh Dương bàn với vợ viết đơn thuê vùng ruộng trũng rộng khoảng 7 ha nằm cách nhà khoảng 1 km để xây dựng mô hình lúa – cá.

Những ngày đầu khởi nghiệp làm trang trại còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm làm giàu bằng được anh Hồ Văn Dương đã nuôi tôm càng xanh trong trang trại tổng hợp của gia đình.

“Những ngày đầu lên đây làm trang trại, ai cũng nói vợ chồng tôi có vấn đề bởi đây là mảnh đất hoang hóa, thấp trũng, bốn bề cỏ dại, lau lách.

Bỏ ngoài tai, tôi dốc hết vốn liếng, vay mượn thêm người thân thuê máy múc đắp đê bao quanh diện tích được thuê và xây dựng hoàn chỉnh 6 thửa ruộng trồng lúa kết hợp nuôi cá”, anh Dương chia sẻ.

Bao quanh các thửa ruộng là các mương nước rộng từ 6 – 8 m, sâu từ 1 – 1,2 m hình thành từ việc múc đất đắp đê bao được anh thả nuôi các loại cá như cá trắm cỏ, cá mè, cá rô phi.

Trước khi gieo lúa sẽ rút nước thấp hơn mặt ruộng để cá xuống mương. Khi lúa đã xanh tốt thì dâng nước lên cho cá lên giữa ruộng kiếm ăn. Tuy nhiên, phải tính toán thời gian nuôi hợp lý và dùng lưới để ngăn không cho cá trắm cỏ lên mặt ruộng. Bởi nếu để cá trắm cá lên mặt ruộng thì không còn cây lúa nào sống sót.

Để tận dụng triệt để quỹ đất sau khi gặt lúa, anh Dương tiếp tục cho nước vào và chờ một thời gian cho cây lúa tái sinh rồi mới tháo lưới để cá trắm cỏ lên mặt ruộng. Lúc này cá trắm cỏ sẽ ăn toàn bộ cây lúa tái sinh và dọn sạch mặt ruộng. Với cách làm này mỗi năm anh chỉ trồng một vụ lúa, còn lúa chét (lúa tái sinh) dùng để làm thức ăn cho cá. Cho đến cuối năm anh kéo lưới chọn những con to đem bán, con nào chưa đủ trọng lượng thì thả lại nuôi tiếp.

Nhận thấy khu vực trang trại còn tận dụng được nhiều ưu thế nên từ năm 2019, anh còn đưa vào nuôi đối tượng nuôi mới là con tôm càng xanh và xây dựng mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh, cá kết hợp trồng lúa tuần hoàn, khép kín theo hướng canh tác tự nhiên.

“Tôm càng xanh được thương lái thu mua tận ruộng với giá 350.000 đồng/kg. Hàng năm tôi thu từ tôm càng xanh khoảng 300 triệu đồng, từ cá khoảng 200 – 250 triệu đồng”, anh Dương cho hay.

Nông dân Hồ Văn Dương chăm chỉ làm ăn nên nhẹ nhàng bỏ túi tiền tỷ.

Nông dân Hồ Văn Dương chăm chỉ làm ăn nên nhẹ nhàng bỏ túi tiền tỷ.

Xuất thân là con nhà nông với bản tính cần cù, ham học hỏi, nên khi vừa bắt tay khởi nghiệp năm 2010, anh Dương quyết định "tất tay" đầu tư gần 1,7 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng lạnh chăn nuôi lợn quy mô 1.000 – 1.100 con/lứa theo liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam.

Được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Công ty, chuồng trại chăn nuôi lợn của anh Dương có hệ thống làm mát tự động và đặc biệt là có băng chuyền thức ăn. Thay vì phải vác từng bao thức ăn đến từng máng ăn thì ở trại của anh Dương, công nhân chỉ cần đổ toàn bộ thức ăn vào bồn chứa, hệ thống băng chuyền sẽ đưa thức ăn đến tận máng ăn của lợn. Vừa trồng cây vừa chăn nuôi mỗi năm anh thả nuôi 2 lứa lợn, trọng lượng xuất chuồng trung bình từ 1,1 – 1,2 tạ/con và được phía Công ty bao tiêu toàn bộ.

Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, anh Dương còn áp dụng công nghệ lọc phân tiên tiến. Phần nước thải được đưa vào hầm Biogas làm chất đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt tại trang trại. Phần phân rắn của lợn sau khi lọc được xử lý bằng vôi bột và đưa vào ủ phân vi sinh dùng bón cho lúa, làm thức ăn cho cá.

Tiết lộ về kinh nghiệm phát triển kinh tế, anh Dương cho biết, ngoài sự cần cù chịu khó thì người nông dân cần phải đổi mới tư duy, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa những giống cây trồng, con nuôi mới vào sản xuất. Một yếu tố quan trọng nữa là phải biết áp dụng đúng khoa học kỹ thuật thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ đi lên từ hai bàn tay trắng anh Dương đã thành công trong chăn nuôi, trồng trọt, làm giàu trên vùng đất trước đây vốn bỏ hoang, hàng năm nhẹ nhàng thu hơn 12 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh với việc phát triển kinh tế gia đình, mô hình kinh tế tổng hợp của anh còn giải quyết việc làm ổn định, thường xuyên cho một số lao động tại địa phương với thu nhập từ 7 – 9 triệu đồng/tháng.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong phát triển kinh tế, anh Dương đã được nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị. Mới đây nhất, anh đã được bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.

Mô hình Vườn – Ao – Chuồng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường mô hình Vườn – Ao – Chuồng (VAC) được Hội Làm Vườn Việt Nam khởi xướng từ những năm 1986 bao gồm 3 yếu tố: vườn, ao, chuồng.

Thời gian qua cùng với sự phát triển và nhu cầu của từng địa phương, những biến thể của mô hình đã được sáng tạo và áp dụng vào thực tiễn như mô hình VACR (Vườn - Ao - Chuồng - Rừng), VACB (Vườn - Ao - Chuồng - Biogas); mô hình trồng trọt kết hợp thủy sản như Lúa - Cá, Lúa - Tôm...

Mô hình Vườn – Ao – Chuồng là một mô hình tiểu sinh thái bền vững và linh hoạt, có thể được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thời tiết biến đổi thông qua việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xét về khía cạnh kinh tế, mô hình này có ý nghĩa trong việc giúp xóa đói giảm nghèo, giải quyết nhu cầu trước mắt về thức ăn hằng ngày cho người dân. Đây cũng được coi là một hình thức sinh kế hiệu quả, giúp người nông dân có thể tự chủ trong sản xuất, nâng cao thu nhập.

Vườn: Thích ứng với các điều kiện biến đổi khí hậu (xâm nhập mặn, hạn hán) thông qua việc lựa chọn giống cây trồng và kỹ thuật canh tác phù hợp. Tùy từng vùng sinh thái, việc mở rộng diện tích vườn cây và rộng ra là trồng rừng có thể giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn, sạt lở đất, ngăn chặn nạn cát bay, cát nhảy hoặc chắn sóng và góp phần tích trữ nước khi đào ao nuôi cá.

Ao: Có vai trò quan trọng đặc biệt ở những vùng đất nhiễm mặn, do có tác dụng tích trữ nước ngọt, nước mưa. Những “túi nước ngọt” trong phạm vi nông hộ đã góp phần ngăn cản nước mặn xâm nhập. Ngoài ra còn tiết kiệm nước tưới tiêu trong điều kiện hạn hán.

Chuồng: Giúp giảm ô nhiễm và sự phát thải của khí CH4 ra môi trường xung quanh cũng như giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học, do các phế thải từ hoạt động chăn nuôi là nguồn cung cấp phân hữu cơ cho hoạt động trồng trọt và thức ăn cho cá.

Trúc Chi (t/h)

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/anh-nong-dan-cu-moi-nam-bo-tui-12-ty-nho-nuoi-con-hien-lanh-nhu-dat-a671138.html