Anh nông dân lãi hơn 500 triệu đồng/năm nhờ nuôi con vật 'thích bay nhảy'
Gác bằng đại học, chàng trai trẻ xứ Thanh về quê nghiên cứu mô hình nuôi gà rừng. Hiện anh đã có trong tay trang trại gà rừng bạc tỷ.
Ở phường Đông Cương (Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), anh Lê Đỗ Chinh (SN 1990) được nhiều người đều biết đến với biệt danh "Chinh gà rừng". Anh hiện là chủ trang trại gà rừng với doanh thu mỗi tháng hàng chục triệu đồng.
Chia sẻ với Dân Trí, anh Chinh cho biết câu chuyện khởi nghiệp của anh bắt đầu từ năm 2013. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đăng ký làm nhân viên kinh doanh ở Hà Nội. Trong một lần tham quan vườn bách thú, chàng trai 9X thấy nhiều du khách tỏ ra vô cùng thích thú trước vẻ đẹp của những con gà rừng tại đây. Vốn yêu thích gà rừng, từ đó anh nảy sinh ý định nuôi giống gà này để kinh doanh.
Cuối năm 2013, anh từ bỏ công việc ở công ty, khăn gói về quê lập nghiệp. Tận dụng lại mảnh đất vườn của gia đình, anh vay hơn 100 triệu đồng, ra rừng Cúc Phương mua 30 đôi gà giống về nuôi thử nghiệm.
Theo Cổng TTĐT Đài PTTH Thanh Hóa, ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên những con gà giống sau khi nuôi được một thời gian ngắn thì chết không rõ nguyên nhân.
"Gà vừa đưa về nuôi được ít hôm thì lăn đùng ra chết. Sau khi tham khảo các kênh thông tin, tôi mới biết gà rừng có những thuộc tính và môi trường sinh sống khác hoàn toàn với gà ta", anh Chinh chia sẻ.
Sau lần thất bại đó, anh Chinh quyết định vay mượn thêm vốn, dành thời gian để nghiên cứu về những thuộc tính và cách nuôi gà rừng và đến năm 2017 anh Chinh mới thành công.
"Tôi đi hết ngoài Bắc rồi lại vào trong Nam, có đợt đi cả tháng. Thường tôi đến nhà bà con đồng bào dân tộc thiểu số để mua gà. Có nhiều loại, nhưng giống gà tôi thích nhất vẫn là gà rừng lông đỏ, tai trắng ở Tây Nguyên. Đây là giống gà có mẫu mã đẹp và dễ nuôi, vì vậy tôi đã quyết định chọn giống gà này để về quê nuôi lại từ đầu", anh Chinh tâm sự.
Theo kinh nghiệm nuôi gà rừng của anh Chinh, gà rừng tai trắng ưa nuôi thả tự nhiên và có không gian rộng rãi để gà phát triển. Thức ăn của chúng chủ yếu là các phế phẩm nông nghiệp nên có thể tận dụng được từ gia đình như rau xanh, cơm thừa, lúa, ngô… gà rừng cũng ít dịch bệnh hơn các loại gà ta.
Do tập quán gà rừng ở trên cây, bay nhiều nên cần phải quây chuồng trại bằng lưới thép chắn.
"Đối với gà rừng thì không cần đầu tư quá nhiều vào chuồng trại, chúng có lối sống hoang dã nên chỉ cần quây lưới để chúng khỏi bay ra ngoài. Đặc biệt, đây là giống gà thích bay nhảy trên cây, thậm chí là ngủ trên cây. Vì vậy phải trồng thêm nhiều cây xanh cho gà có môi trường sinh sống hoang dã", anh Chinh cho biết.
Khi số lượng gà ổn định, anh Chinh đầu tư mua máy ấp trứng về sản xuất con giống để bán.
Gà rừng giống sau khi ấp nở sẽ được nuôi khoảng 2 tháng rưỡi có thể xuất bán với giá 500.000 đồng một đôi.
Gà rừng tai trắng nuôi từ 12- 14 tháng có thể đạt trọng lượng 1,2 kg/ con, bán làm cảnh với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng một con.
Trung bình mỗi tháng anh xuất bán ra thị trường từ 250-300 con giống, chục con gà cảnh, trừ chi phí, thu lãi 50 triệu đồng.
Với kinh nghiệm nuôi gà rừng của mình, anh Chinh còn viết sách kỹ thuật chăm sóc gà rừng để chia sẻ cho những hộ dân trong và ngoài tỉnh muốn làm mô hình này.
Ngoài ra, anh còn giới thiệu trang trại nuôi gà rừng tai trắng của mình trên các trang mạng xã hội, qua đó anh xuất bán ra thị trường cả nước.
Minh Hoa (t/h)