Anh nông dân miền núi để dành được 30 triệu đồng mỗi tháng nhờ nuôi lợn
Ngày trước, anh nông dân Phạm Văn Chiến ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng phải chạy bộ đuổi lợn ra tận ngoài ngã ba Vân Trình mới bán được. Bây giờ, nhà nước đầu tư đường vào tận bản, anh dễ dàng mua vài tấn ngô về làm thức ăn chăn nuôi...
Trên đường đi thực tế tại bản Cắn, xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, chúng tôi tình cờ gặp anh Phạm Văn Chiến, chủ mô hình chăn nuôi lợn tiêu biểu của xã.

Anh Phạm Văn Chiến là một trong những chủ mô hình chăn nuôi lợn tiêu biểu của xã Vân Trình. Ảnh: Bình Minh
Anh Chiến vốn là người dưới xuôi, lên bản Cắn lập nghiệp từ năm 1994. Với số vốn ít ỏi, anh mày mò tìm hướng đầu tư phát triển kinh tế trên mảnh đất đồi, rồi quyết định “thử vận may” với mô hình chăn nuôi lợn.
“Tôi phải lặn lội đi học tập các mô hình điểm của xã và huyện, đăng ký tham gia những lớp tập huấn cho nông dân để học hỏi dần. Lúc đầu, tôi cũng chỉ dám nuôi nhỏ lẻ 2-3 con, sau tích lũy được kha khá kinh nghiệm rồi mới dám nuôi nhiều. Cứ có chút lãi, tôi lại dành để mở rộng dần quy mô chăn nuôi chứ cũng không có vốn để làm lớn luôn” - anh Chiến kể.
Từ ngày đầu khởi nghiệp tới nay, anh không ít lần chịu thiệt hại vì thiên tai, dịch bệnh.
Dịch tả lợn luôn là nỗi lo canh cánh của những hộ chăn nuôi. Bản thân anh Chiến cũng có năm mất hơn 40 con lợn thịt, lợn nái vì căn bệnh này, "đi tong" mấy trăm triệu đồng nên đành quay về vạch xuất phát, tích lũy vốn để làm lại từ đầu.
Bù lại, anh có thêm bài học kinh nghiệm về phòng bệnh cho lợn.
“Virus tả lợn châu Phi hầu như ngủ đông. Tới khi nắng ấm, dịch mới bắt đầu bùng phát. Bây giờ, tôi đã biết thời điểm phun khử trùng định kỳ. Đi đâu về, tôi sẽ không vào chuồng trại ngay mà phải khử trùng sạch sẽ trước đã” - anh Chiến chia sẻ kinh nghiệm.

Mô hình chăn nuôi lợn của anh Chiến nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ảnh: Thạch Thảo
Tại vùng đất còn nhiều khó khăn như xã Vân Trình, những người nông dân như anh Chiến không đơn độc trên hành trình mạnh dạn, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh nguồn vốn được địa phương hỗ trợ để xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái (tối đa 15 con), anh Chiến còn được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An (trước đây) bày cho nhiều kinh nghiệm hay để tăng hiệu quả chăn nuôi lợn, gà…
Nguồn thu chính của gia đình anh bây giờ là chăn nuôi (lợn nái, lợn thịt, gà thịt).
“Gia đình tôi đang nuôi hơn 20 con lợn nái, tổng vốn đầu tư vài trăm triệu đồng. Thu nhập từ việc nuôi lợn cũng tạm đủ sống, cùng với khoản nhỏ từ một số loại cây trồng, mỗi tháng nhà tôi "cất đi" được hơn 30 triệu đồng” - anh Chiến vui vẻ cho hay.
Cũng theo anh Chiến, kinh tế ở xã miền núi như Vân Trình vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đường sá được đầu tư đã và đang giúp công việc kinh doanh, phát triển sản xuất của nông dân nơi đây thuận lợi hơn hẳn so với trước.

Đường vào bản Cắn bây giờ thuận lợi hơn rất nhiều so với ngày anh Chiến mới lên lập nghiệp. Ảnh: Thạch Thảo
Anh Chiến nhớ lại ngày trước phải chạy bộ đuổi lợn ra tận ngoài ngã ba Vân Trình mới bán được, mà chẳng mấy ai muốn nuôi. Nhưng bây giờ, nhà nước đầu tư đường vào tận bản, ô tô chục tấn cũng vẫn vào dễ dàng. Vì thế, nếu ngô ở đây đắt thì anh mua từ dưới xuôi chuyển lên để làm thức ăn chăn nuôi...
Hiện nay, người nông dân này đang ấp ủ mong muốn mở rộng quy mô chuồng nuôi lên khoảng 50 lợn nái để nâng cao thu nhập.
“Quê gốc của tôi ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Đợt Tết vừa rồi, tôi đã về quê thăm quan một số mô hình chuồng trại để học hỏi thêm kinh nghiệm. Nếu sắp tới tôi được địa phương hỗ trợ thêm thì tốt quá” - anh Chiến bày tỏ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An, địa phương đã, đang và sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân phát triển chăn nuôi tùy theo quy mô, từng bước gắn với xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển các loại vật nuôi đặc trưng, đặc sản tại các vùng có tiềm năng, lợi thế.
Đồng thời, huyện luôn đồng hành cùng nông dân trong việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; đẩy mạnh áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn và xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; phát triển chăn nuôi gắn với thị trường chế biến và tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.