Anh nông dân nhẹ nhàng bỏ túi 2 tỷ nhờ nuôi con vật 'hiền khô như đất'
Nhờ cần cù, chịu khó, một anh nông dân ở Thanh Hóa chăn nuôi con vật 'quen thuộc' theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, không ngờ doanh thu 2 tỷ đồng mỗi năm.
Với mong mỏi làm giàu trên mảnh đất quê hương, Đỗ Văn Hoan đã triển khai mô hình nông nghiệp và có doanh thu tiền tỷ. Bắt đầu từ năm 2018, khi địa phương có chủ trương tích tụ ruộng đất, gia đình anh nắm bắt cơ hội và quyết định thuê 5 ha đất của một số hộ dân trong thôn để làm trang trại tổng hợp.
Ban đầu khởi nghiệp còn gặp khó khăn nhưng thông qua Hội Nông dân tín chấp, nông dân Hoan đã vay vốn ngân hàng để xây chuồng trại nuôi lợn theo hình thức liên kết với quy mô 1.000 con/lứa. Bên cạnh đó xây khu chuồng trại nuôi hơn 50 con bò thịt. Mô hình chăn nuôi lợn, bò của gia đình anh thực hiện theo hướng an toàn sinh học.
Kể từ khi bắt tay vào làm anh Hoan luôn muốn giảm chi phí thức ăn làm nên đã tìm hiểu và tiến hành nuôi giun quế với diện tích 1.000 m2. Tại trang trại, anh nông dân này nuôi giun dùng làm thức ăn cho ba ba, gà, ngan giúp giảm chi phí thức ăn đầu vào, giun nhỏ bán giống cho các hộ có nhu cầu trong và ngoài huyện. Nhờ chăm chỉ làm việc và không ngần ngại học tập, mỗi năm, trung bình gia đình Hoan cung cấp từ 1 đến 2 tấn giống cho bà con nông dân.
Không bằng lòng với cuộc sống nông nghiệp truyền thống cấy lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ, anh Hoan Vừa nuôi giun làm thức ăn cho gia sức và tận dụng luôn phân giun quế làm nguồn phân bón cho diện tích cây ăn quả, diện tích trồng cỏ. Bên cạnh đó, anh nông dân này đầu tư hệ thống máy ép phân giun quế thành dạng viên để bán cho các hộ có nhu cầu bón cho cây trồng.
Nói về bí quyết làm giàu với Đài truyền hình Thanh Hóa, nông dân Đỗ Văn Hoan cho hay: "Mô hình sản xuất tuần hoàn, khép kín vừa làm sạch môi trường vừa giúp gia đình tôi cung cấp ra thị trường thực phẩm sạch".
Vừa chăn nuôi vừa bắt tay trồng cây, kinh tế gia đình anh ngày càng cải hiện. Hiện trang trại của anh Hoan đã trồng hơn 2.000 cây mít Thái, dừa xiêm, cam và trồng cỏ làm thức ăn nuôi bò.
Nguồn phân giun quế, ông lại sử dụng bón cho các loại cây trồng. Đặc biệt, các phụ phẩm từ trái cây như mít, chuối... ông đều tận dụng làm nguồn thức ăn cho trâu, bò... Nhờ sản xuất theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, khép kín, trang trại của gia đình ông Hoan đã tạo ra các sản phẩm an toàn, được thị trường đón nhận. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Hoan xuất chuồng gần 3.000 con lợn thịt, 50 con bò, hàng chục tấn hoa quả các loại và bán 15 tấn phân trùn quế. Đáng chú ý, hàng năm trang trại anh Hoan có doanh thu 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
Đánh giá về mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Hoan, ông Cao Ngọc Đệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ trên Đài phát thanh truyền hình Thanh Hóa: "Mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn rất hiệu quả, không phải bỏ một cái gì. Đây là mô hình điểm của xã. So với mô hình khác, mô hình này kết hợp các yếu tố trong sản xuất, quay vòng tròn khép kín và nó tận dụng được tất cả các sản phẩm của nông dân trong quá trình sản xuất ".
Những năm vừa qua, vườn - ao - chuồng (VAC) là mô hình trang trại quen thuộc, gần gũi đối với người nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp mang tính tự cung, tự cấp. Từ hình thức sản xuất đó, các địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học-kỹ thuật, phát triển đa cây, đa con, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, phát triển nông nghiệp bền vững.
Mô hình nuôi giun quế lợi ích “kép” trong sản xuất nông nghiệp
Thời gian gần đây, cùng với việc phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, người dân đã kết hợp nuôi giun quế để làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, phân của giun quế cũng có thể làm phân bón cho cây trồng, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển của cây, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mô hình nuôi giun quế đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Thực tế giun quế là thức ăn sạch, bổ sung nhiều dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm, chứa tới 70% là protein ở dạng thô, có yếu tố kích thích sự sinh trưởng tự nhiên của gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, giá thành đầu tư nuôi giun quế để làm thức ăn trong chăn nuôi rẻ hơn so với chi phí thức ăn công nghiệp.
Bên cạnh việc nuôi giun quế để chủ động nguồn thức ăn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, giun quế còn được nuôi để lấy phân phục vụ trong trồng trọt. Chất thải giun quế thải ra được xếp vào loại phân hữu cơ vi sinh tự nhiên, giàu hàm lượng dinh dưỡng và hệ vi sinh vật phong phú, phù hợp với tất cả các loại cây trồng.
Theo báo Thanh Hóa từ thực tế sản xuất, có thể nói, nuôi giun quế là một trong những mô hình mang lại hiệu quả “kép” vừa giải quyết được ô nhiễm môi trường do chất thải từ động, thực vật thải ra, vừa là nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho vật nuôi. Đặc biệt phân giun quế được xem là nguồn phân hữu cơ có lợi cho cây trồng và đất. Đồng thời, giun quế cũng đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho người chăn nuôi. Điều này đang phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ như hiện nay.
Trúc Chi (t/h)