Anh nông dân sáng chế bộ máy làm đũa công suất 200 đôi/giờ

Sau hơn 2 năm với hơn 100 lần thử nghiệm, 20.000 đôi đũa phải bỏ đi, anh Tài đã nếm mật nằm gai kiên trì đổi từng giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu cho lao động sáng tạo.

Mất việc, bần cùng làm sáng chế

Trên những cung đường về huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa những bụi tre luồng xanh ngát, rậm rạp trước đây ít có giá trị kinh tế thì giờ đã trở thành nguyên liệu "vàng" để làm đũa từ bộ máy của nhà sáng chế nông dân Hà Đức Tài.

Anh Tài sinh ra và lớn lên tại thị trấn Lang Chánh. Từ nhỏ do hoàn cảnh gia đình nên anh bỏ dở lớp 6 trường làng.

Lớn lên, anh làm nhiều nghề để mưu sinh nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, đổi mồ hôi lấy cơm ăn áo mặc.

Sau đó, anh bôn ba vào Sài Gòn mưu sinh mơ được thoát khỏi cái nghèo sau lũy tre làng. Tuy nhiên vào tháng 4/2021, TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch Covid-19 khiến hàng ngàn người mất việc, trong đó có anh.

Mấy tháng liền không có thu nhập, anh Tài phải sống dựa vào các nguồn tiếp tế xã hội.

Anh Tài đã mất hơn 2 năm nghiên cứu làm ra hệ thống làm máy đũa.

Anh Tài đã mất hơn 2 năm nghiên cứu làm ra hệ thống làm máy đũa.

Bần cùng, anh Tài lại trở về núp bóng lũy tre làng. Sau nhiều đêm thức trắng, trăn trở tìm công việc khác, anh thấy rằng mọi người hiện đang ưa chuộng đũa vót tay, thủ công.

Tuy nhiên, đũa thủ công có nhược điểm không đều, tỷ lệ cong vênh cao nên anh Tài nghĩ phải chế một cái máy khắc phục được cả 2 nhược điểm trên, không thể đi làm thuê mãi được nữa.

Với trình độ chưa hết lớp 6, túi thì sạch nhẵn còn ở vùng núi hẻo lánh nên việc kiếm đâu ra xưởng cơ khí hay thầy giỏi để theo học là cả một vấn đề, hơn nữa, cơ khí cũng là lĩnh vực cứ không phải lên mạng học là được song, anh Tài kiên quyết sẽ nghiên cứu cho bằng được.

Hà Đức Xiêm - anh trai Hà Đức Tài cho biết: "Ban đầu gia đình không ủng hộ việc Tài bắt tay sáng chế máy làm đũa. Và anh em cũng không ai có vốn để hỗ trợ nên chỉ khuyên em đi làm kiếm thu nhập hằng ngày.

Nếu sáng chế thất bại sẽ mất một khoản tiền lớn lúc đó càng bi đát hơn. Nhưng Tài quyết tâm lắm, không ai khuyên được".

Anh Tài (thứ 3 từ phải sang) cùng lãnh đạo địa phương và chiếc máy vót đũa.

Anh Tài (thứ 3 từ phải sang) cùng lãnh đạo địa phương và chiếc máy vót đũa.

Anh Tài bắt đầu bằng việc đi thu nhặt đồng nát sắt vụn để có được nguyên liệu, ở đâu vứt cái gì là Tài liền tha lôi về nhà hết.

Tối đến, Tài gác lại thú vui làm thơ, viết lách để xem video hướng dẫn trên mạng. Có những hôm Tài "đắm đuối" cả đêm rồi nằm vật ra hè ngủ lúc nào không hay. Trong đầu Tài tưởng tượng ra chi chít bản vẽ thiết kế, mẫu mã, các linh kiện chi tiết máy... với Tài 24 giờ trong ngày không đủ mà phải 40 giờ.

"Ông trời" không phụ nhà khoa học "chân đất"

Anh Tài không ngần ngại kể về kế hoạch sáng chế của mình cho mọi người cùng biết nhưng thấy anh cứ cặm cụi vẽ vời, gò hàn có người còn cười khẩy gọi Tài là "thằng khùng'.

Đặc biệt, chẳng có tiền anh phải đi vay lãi để mua sắt vụn, tre luồng về chế tạo. Trong suốt gần 2 năm "đóng cửa" nghiên cứu anh Tài đã vay mượn hơn 400 triệu đồng.

Lò sấy đũa của anh Tài.

Lò sấy đũa của anh Tài.

Đối với sinh viên ngành Cơ khí, môn vẽ bản vẽ kỹ thuật rất khó, vậy mà anh Tài đã vẽ ra bản thiết kế chằng chịt trong không gian 3D.

Ngay cả khi vừa đặt lưng đi ngủ anh Tài cũng nghĩ về các hình khối, đường nét và bật dậy ngay ghi chép lại ngay vì sợ quên.

Muốn có chi tiết nào, anh đều phải tự gia công như hai cây sắt tròn dẫn hướng của máy dập để tạo ra đũa tròn hai đầu bằng nhau, anh phải dùng đến đoạn thép xoắn phi 18, mài tay suốt ba ngày mới được ưng ý.

"Nhiều khi cần 1 lỗ khoan phải mua 1 yến đến 2 yến sắt về cắt vụn để lấy một lỗ khoan có sẵn tại đó. Cái máy đầu tiên là máy sơ chế tôi làm mất 5 tháng, trong đó cái chi tiết quan trọng nhất là bánh đà tôi phải đúc bằng bê tông vì không thể tìm kiếm được bánh đà nào theo ý của mình và cũng không có kinh phí để đặt. Máy hàn tôi đi mượn bạn, máy cắt tay cũng đi mượn nốt", anh Tài cho biết.

Chiếc máy thứ 2 mang linh hồn trong hệ thống máy làm đũa của anh Tài vì có quá nhiều chi tiết khó. Do phải vót đũa không chỉ đều đẹp mà phải có một đầu to đầu nhỏ, mức độ chính xác rất cao.

"Suốt một tháng rưỡi tôi mất ăn mất ngủ, người như bị ngáo, gặp ai cũng không nhớ vì trong đầu đã chứa hết thông tin về máy móc. Thử nghiệm đi thử nghiệm lại hàng chục lần, đã có lúc thất bại thảm hại khiến tôi muốn buông xuôi nhưng quyết không để cái nghèo đeo đẳng mãi. Tôi ngửa mặt để nước mắt thấm ngược vào trong rồi tiếp tục công việc", anh Tài tâm sự.

Sau hơn 2 năm với hơn 100 lần thử nghiệm, 20.000 đôi đũa phải bỏ đi, anh Tài đã nếm mật nằm gai kiên trì đổi từng giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu cho lao động sáng tạo.

Trong giác mạc của anh hiện có 7 vết sẹo do đá cắt sắt bị vỡ bắn vào mắt cùng với bị sụt 14 cân thịt trong quá trình sáng chế. Đó cũng là quãng thời gian Tài chẳng làm ra tiền mà chỉ có khuân đi, vợ anh Tài đã có lúc giận chồng chẳng như chồng người ta mang tiền về cho vợ.

Song, thấy chồng lao tâm khổ tứ, mặt mũi đen sạm bởi tia lửa gò hàn, người gầy nhom nhem nhưng đôi mắt luôn sáng lên quyết tâm, vợ anh đã chuyển giận sang thương, tảo tần làm hậu phương vững chắc, mong chồng sớm có ngày hái trái ngọt.

Cuối cùng, anh Tài đã chế tạo thành công máy vót đũa và máy đánh bóng đũa hoạt động ổn định đảm bảo an toàn lao động.... anh đã quay video lại từng công đoạn để đối sánh với kết quả đạt được để khắc phục những lỗi cũng như cải tiến trong giai đoạn tiếp theo. Anh cho biết, công suất tối đa của máy đạt khoảng 200 đôi đũa trên giờ sản phẩm cũng bền đẹp hơn.

Khát vọng tiêu chuẩn OCOP

Đũa của nhà "khoa học nông dân" tuy có xuất xứ từ vùng quê nghèo và ra đời từ chiếc máy do nhà sáng chế chân đất sáng tạo ra nhưng theo một quy trình rất nghiêm ngặt, khoa học với 10 công đoạn như hấp tiệt trùng bằng nồi áp suất, nắn ép tỉ mỉ từng chiếc, hun khói nhiều ngày, đánh bóng bằng lá chuối khô và sáp ong rừng tự nhiên… và tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào trong quá trình sản xuất.

Anh Tài đã áp dụng kỹ thuật truyền thống của cha ông để bảo quản đũa không bị mối mọt, trong đó anh khẳng định hun khói bếp là phương pháp tối ưu nhất. Anh tiếp tục xây lò sấy và tính toán hun khói ở mức phù hợp hạn chế nấm mốc, mối mọt ở mức thấp nhất và nâu bóng.

Không cho phép bản thân cẩu thả, quy trình thử nghiệm theo dõi chống mốc, anh Tài đã dùng 70 lần khác nhau bằng nhiều phương pháp, nguyên liệu.

"Quá trình đó tiêu tốn 10.000 đôi đũa thử nghiệm, tôi không muốn những đôi đũa do tôi làm ra chưa đạt chất lượng cao nhất được đem ra thị trường", anh Tài cho biết.

Bảng theo dõi thử nghiệm đũa.

Bảng theo dõi thử nghiệm đũa.

Ngoài ra, anh Tài còn nghiên cứu dùng thảo dược hấp đũa, tạo ra đũa sạch, thơm khác với những loại đũa đã có mặt trên thị trường.

Anh cất công đi tìm các thầy thuốc giỏi người dân tộc để tìm hiểu về thảo dược phù hợp hấp đũa. Anh còn dùng cả sáp ong để đánh bóng đũa vàng óng, đồng thời tìm hiểu về cơ chế lây lan của các tế bào nấm mốc trên đũa.

Anh Tài mong muốn với hệ thống máy làm đũa cùng với quy trình sản xuất chất lượng cao sẽ giúp người dân địa phương thu lợi được từ tre luồng tự nhiên, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con địa phương.

Hiện, anh Tài đã bắt đầu sản xuất thương mại thương hiệu "Đũa tre sạch Đức Tài" với các tiêu chí siêu sạch, siêu thẳng, siêu cứng, siêu bền và không sử dụng hóa chất bảo quản.

Anh Tài cho biết, tôi chỉ là người nông dân bình thường nên không rành về thủ tục pháp lý, vì vậy tôi mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ tôi thủ tục cần thiết để hướng sản phẩm đũa tre thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh cho biết: Huyện cũng đã chủ động tiếp cận và hỗ trợ cũng như định hướng cho anh Tài xử lý các vấn đề liên quan đến tre luồng. Chúng tôi đang định hướng cho anh Tài sớm hoàn thiện hồ sơ đưa sản phẩm theo phát triển theo tiêu chuẩn OCOP trong thời gian tới.

Theo Mộc Kiều/Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/anh-nong-dan-sang-che-bo-may-lam-dua-cong-suat-200-doigio-2018834.html