Anh nông dân sang tận Đài Loan mang giống tre Lục Trúc về trồng, giúp nông dân Đồng Hỷ 'đổi đời'

Nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng tre Lục Trúc của HTX Nông sản Vạn Lộc (xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã được không ít HTX khác và người dân muốn chuyển đổi sang trồng loại cây này.

Tre Lục Trúc thường được gọi là tre Đài Loan, khi măng mới nhú lên khỏi mặt đất là phải đào ngay, phần dưới còn 6 mắt tiếp tục phát triển thành 6 cây măng khác nên được gọi là măng Lục Trúc. Măng có thể chế biến thành nhiều món ăn như nộm, luộc, xào hay lẩu, nước luộc ngọt thanh, không bị đắng, he như loại măng khác nên được thị trường ưa chuộng.

Chuyện của người tiên phong

Đến tham quan mô hình của gia đình anh Lâm Xuân Quang (xóm Cây Thị, xã Cây Thị). Nửa quả đồi rộng hơn 2ha được anh Quang cải tạo theo kiểu ruộng bậc thang và trồng hơn 4.000 khóm tre. Anh chia ra từng khu vực trồng khác nhau, khu trồng để lấy măng, khu trồng để nhân giống.

Toàn bộ diện tích trồng tre Lục Trúc của HTX Nông sản Vạn Lộc đều được chăm sóc theo hướng hữu cơ, sản phẩm măng tre lục trúc đã được chứng nhận VietGAP.

Toàn bộ diện tích trồng tre Lục Trúc của HTX Nông sản Vạn Lộc đều được chăm sóc theo hướng hữu cơ, sản phẩm măng tre lục trúc đã được chứng nhận VietGAP.

Theo chia sẻ của anh Quang, trong một lần đi du lịch bên Đài Loan, anh Quang được giới thiệu về sản phẩm măng đóng gói bán trong các siêu thị, cửa hàng. Khi hỏi anh biết đó là măng Lục Trúc, anh dự định đưa cây trồng này về quê hương.

Năm 2014, anh Quang rủ thêm một người bạn trong xã triển khai mô hình trồng tre Lục Trúc và đặt mua bên Đài Loan gần 300 cây giống về trồng thử nghiệm. Anh nghĩ trồng tre Lục Trúc cũng đơn giản như các loại tre bản địa khác, thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn 300 cây đều bị chết.

Với quyết tâm thực hiện bằng được mô hình, anh Quang sang Đài Loan ăn ở tại một số gia đình bên đó 3 tháng để học kỹ thuật trồng. Học xong anh mua 100 cây giống mang về trồng lại và đã thành công.

Sau một quá trình trồng, nhận thấy loại tre Lục Trúc phát triển tốt, cho sản lượng cao cũng như mang lại giá trị kinh tế, năm 2017, anh Quang đã mở rộng diện tích trồng tre trên quy mô lớn.

Tháng 3/2022, anh Quang thành lập HTX Nông sản Vạn Lộc với 12 thành viên trồng tre Lục Trúc trên diện tích 6ha.

Hiện, 1ha tre Lục Trúc trồng từ 3 năm trở lên của HTX cho thu hoạch 15-17 tấn măng/năm, giá bán trung bình tại chỗ 25 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, mỗi năm HTX còn cung cấp ra thị trường từ 10-15 nghìn cây giống. Tháng 4/2023, HTX đã được Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên giải ngân số tiền 1 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân cho 12 hộ vay để mở rộng sản xuất.

Đến nay, toàn bộ diện tích trồng tre Lục Trúc của HTX đều được chăm sóc theo hướng hữu cơ, sản phẩm măng tre lục trúc đã được chứng nhận VietGAP và chứng nhận mã số vùng trồng.

Phát triển sản phẩm chủ lực

Được biết, hiện HTX có 7 sản phẩm chính được chế biến từ măng tre Lục Trúc, gồm: Măng tươi cả vỏ, măng tươi đã qua sơ chế, măng hấp chín cả vỏ, măng hấp chín đã bóc vỏ, măng chua, măng ớt và măng chua ngọt.

Trong đó sản phẩm măng chua ngọt là sản phẩm đặc trưng của HTX, được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Đây cũng là sản phẩm được Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ lựa chọn để tham gia chương trình bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 6 trong năm 2023.

Sản phẩm từ măng Lục Trúc của HTX Nông sản Vạn Lộc.

Sản phẩm từ măng Lục Trúc của HTX Nông sản Vạn Lộc.

Anh Quang cho biết, toàn bộ quy trình chế biến, sản xuất sản phẩm măng chua ngọt đều do chính anh tự mày mò, nghiên cứu và nghĩ ra cách thức làm, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm dần. Ban đầu, có những mẻ măng làm xong lại bị hỏng khiến anh thiệt hại số tiền lớn. Không nản lòng, anh vẫn quyết tâm thử nghiệm cho đến khi thành công mới thôi.

Quy trình chế biến món măng chua ngọt mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kỳ công tỉ mỉ. Ban đầu, cần lựa chọn thu hái những cây măng không quá non hoặc quá già. Sau khi lấy măng tươi về, măng được bóc vỏ, làm sạch và cho lên bếp luộc hoặc hấp chín nguyên cả cái.

Sau đó, chuẩn bị một nồi nước đun sôi rồi cho măng vào đó để ủ chua. Tùy theo tình hình thời tiết mà lựa chọn thời gian ủ cho phù hợp. Với thời tiết nắng nóng sẽ ủ trong khoảng 4 – 5 ngày, còn nếu thời tiết lạnh thì sẽ ủ trong thời gian từ 10 – 12 ngày.

Khi thử măng thấy độ chua vừa phải, sẽ vớt măng ra thái con chì, sau đó đưa vào chảo đảo trên bếp cùng đường, mắm, muối, mì chính, bột ớt khô trong 30 phút cho gia vị thẩm thấu và ngấm đều vào măng.

Tiếp đó bắc chảo xuống, dùng tỏi tươi và ớt tươi đã xay nhỏ, phi thơm trộn đều với nhau rồi tiếp tục ủ trong thời gian 3 tiếng đồng hồ. Sau khi nguyên liệu đã được hoàn thành, sẽ đóng gói sản phẩm và bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 3 – 5 độ C. Thời hạn sử dụng sản phẩm có thể kéo dài từ 15 – 17 ngày.

Sản phẩm măng Lục Trúc chua ngọt đã được chế biến, sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm được 3 năm. HTX Nông sản Vạn Lộc là đơn vị duy nhất trên thị trường đang sản xuất sản phẩm măng Lục Trúc chua ngọt nói trên. Sản phẩm đang được HTX bán với giá sỉ 120.000 – 130.000 đồng/kg và bán lẻ với giá 160.000 đồng/kg, tuy nhiên sản phẩm chủ yếu được HTX bán lẻ vì không đủ để phân phối cho các đơn vị.

Năm 2022, HTX bán ra thị trường hơn 40 tấn măng đã qua sơ chế, chế biến, trong đó sản phẩm măng chua ngọt khoảng trên 3 tấn, mang về lợi nhuận gần 800 triệu đồng.

“Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục trồng thêm tre Lục Trúc, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong quá trình trồng. Định hướng của HTX sẽ xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ măng, dần hướng khách hàng tới các sản phẩm chế biến chuyên sâu để xuất khẩu”, anh Quang cho hay.

Nhân rộng mô hình

Chính nhờ đem lại hiệu quả kinh tế, không ít HTX khác và người dân muốn chuyển đổi sang trồng loại cây này, nhờ đó ổn định và nâng cao cuộc sống.

Mô hình ứng dụng kỹ thuật trồng tre Lục Trúc được đánh giá cao, tạo sinh kế cho người nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình ứng dụng kỹ thuật trồng tre Lục Trúc được đánh giá cao, tạo sinh kế cho người nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Anh Man Văn Tiến, ở thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) cho biết, hiện gia đình anh có 200 gốc măng Lục Trúc đã cho thu hoạch. Mỗi ngày, thu được 10-20kg măng. Sau khi trừ chi phí và công chăm sóc, bình quân mỗi tháng thu lãi được hơn 10 triệu đồng, cao hơn nhiều loại cây trồng khác.

Còn anh Trần Văn Nhàn (Trại Cau) cho biết đã trồng thử nghiệm tre Lục Trúc trên diện tích 0,5ha. Đến vụ, mỗi ngày, gia đình anh thu hái được từ 30-40kg măng. Măng chủ yếu được bán tại thị trường địa phương và một số nhà hàng. Nhờ đó, bình quân mỗi tháng anh thu lãi hơn 18 triệu đồng.

Ở địa phương còn có HTX Đồng Tâm, xã Tràng Xá (Võ Nhai) đã chuyển một phần diện tích trồng bưởi sang trồng tre Lục Trúc.

“Theo tìm hiểu, ở một số nơi trong tỉnh trồng cây tre Lục Trúc cho hiệu quả kinh tế nên chúng tôi có ý định chuyển sang trồng tre. Măng Lục Trúc nếu không bán kịp có thể chế biến thành măng khô bán và cũng có thể để được thời gian lâu hơn so với bưởi”, Giám đốc HTX Nguyễn Văn Hợi thông tin.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, măng Lục Trúc phù hợp với đồng đất Trại Cau. Với loại cây này, bà con có thể tận dụng diện tích đất vườn đồi, soi bãi, đất ven sông, suối để trồng, giúp cho người dân nâng cao thu nhập và cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Cùng với đó, ngoài việc trồng tre Lục Trúc lấy măng như một phương thức đưa các vùng đất trống vào sử dụng một cách kinh tế, loại cây này còn có khả năng tạo sinh khối nhanh, dễ tạo nguồn giống, có khả năng chắn gió, giữ đất cao, phát huy nhanh tác dụng phòng hộ, phù hợp với người nông dân.

Chính vì vậy, việc phát triển mô hình ứng dụng kỹ thuật trồng tre Lục Trúc chính là một mô hình nông lâm kết hợp, tạo sinh kế cho người nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Ông Phạm Thái Hanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao mô hình măng Lục Trúc của HTX Nông sản Vạn Lộc, đây là giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương cần tích cực triển khai nhân rộng, qua đó giúp người dân nâng cao mức sống và làm giàu chính đáng.

Được biết, bên cạnh 12 hộ thành viên, HTX Nông sản Vạn Lộc còn liên kết với nhiều hộ dân của 18 tỉnh, thành trên cả nước để trồng tre Lục Trúc và nhận bao tiêu đầu ra cho sản phẩm của bà con trên cơ sở giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất và đầu vào của sản phẩm.

Tuy nhiên, Giám đốc HTX Vạn Lộc cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX là nguồn vốn để phát triển sản xuất, cho nên rất mong thời gian tới sẽ được các cấp, các ngành tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho bà con mở rộng diện tích trồng măng tre Lục Trúc, giúp giải quyết công ăn việc làm, từ đó nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho các hộ dân.

Giang Nam

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/anh-nong-dan-sang-tan-dai-loan-mang-giong-tre-luc-truc-ve-trong-giup-nong-dan-dong-hy-doi-doi-1093156.html