Vào ngày 17/11 vừa qua, một máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, trong một lần cất cánh bay huấn luyện từ tàu sân bay của HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh, đã bị tai nạn và rơi xuống Biển Địa Trung Hải.
Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố xác nhận rằng, phi công điều khiển chiếc F-35B trên đã nhảy dù và được đội cứu hộ an toàn; hiện chưa có thông tin chính thức về nguyên nhân chiếc tiêm kích F-35B bị rơi, nhưng theo dự đoán, có khả năng máy bay gặp trục trặc về động cơ.
F-35B là máy bay chiến đấu đắt nhất được sản xuất hàng loạt ở bất kỳ đâu trên thế giới; do có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng, nên rất phù hợp để sử dụng trên các tàu sân bay của Anh, vốn không có khả năng tiếp nhận các tiêm kích hạm, hoạt động trên tàu sân bay thông thường như các tàu sân bay của Pháp và Mỹ.
Do có tính năng hạ cánh thẳng đứng, nên F-35B có giá cao hơn 50% so với F-35A thông thường, biến thể được sản xuất rộng rãi nhất, được trang bị cho lực lượng Không quân, chỉ có khả năng cất và hạ cánh bình thường, như các loại chiến đấu cơ khác.
Mặc dù có giá đắt hơn, nhưng F-35B có khả năng kém hơn đáng kể so với phiên bản F-35 A/C, với trọng tải nhỏ hơn, tầm bay ngắn hơn và khả năng cơ động thấp hơn nhiều. Lý do là F-35B đã phải hy sinh trọng lượng cất cánh, cho những thiết kế, để đáp ứng khả năng hạ cánh thẳng đứng.
Hiện nay hai tàu sân bay của Anh, chưa nhận đủ số tiêm kích F-35B, do có những khó khăn về tài chính. Sự thiếu hụt đã được bù đắp bằng cách triển khai các máy bay F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ trên tàu HMS Queen Elizabeth.
Hiện nay trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth chỉ có 8 chiếc F-35 của Anh và có đến 10 chiếc F-35 của Mỹ, khi con tàu thực hiện chuyến đi đầu tiên kéo dài 7 tháng. Theo thông tin, phi công điều khiển F-35B của Mỹ có trình độ tốt hơn phi công lái F-35B của Anh.
Giới quan sát cho rằng, các nỗ lực sẽ được tiến hành để trục vớt xác chiếc F-35, vì nếu xác chiếc máy bay này, rơi vào tay những địch thủ như Nga hoặc Trung Quốc, thì nhiều bí mật quân sự sẽ bị khám phá.
Đáng chú ý, Hải quân Nga có sự hiện diện lớn ở khu vực Địa Trung Hải và sở hữu nhiều thiết bị thu hồi chuyên dụng, để kéo thiết bị từ đáy biển và Nga rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Chính Nga đã tiến hành trục vớt thành công các máy bay chiến đấu MiG-29K và Su-33 của Hải quân nước này, sau khi chúng rơi xuống Địa Trung Hải vào năm 2016; chủ yếu để ngăn chặn thiết bị điện tử của máy bay rơi vào tay NATO.
F-35B là một phần quan trọng của của chương trình máy bay chiến đấu liên hợp F-35 Lightning II (viết tắt là F-35) với trị giá 1,6 nghìn tỷ USD; sẽ trở thành xương sống của các lực lượng không quân NATO trong nhiều thập kỷ tới, nên mang nhiều bí mật nhạy cảm.
Không giống như các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay của Nga hay máy bay chiến đấu trên tàu sân bay trước đây của Mỹ, F-35 chỉ có một động cơ duy nhất, nên được coi là có nguy cơ gây ra tai nạn cao hơn.
Hiện nay, việc chạy đua với thời gian để đưa xác chiếc F-35B bi rơi lên khỏi đáy biển, vẫn là một ưu tiên cấp thiết. Thiết bị định vị Towed Pinger 25 của Mỹ, có thể theo dõi đèn hiệu của máy bay chiến đấu và được quảng cáo là có thể xác định vị trí mục tiêu ở độ sâu tới 6.000 mét.
Các thiết bị trục vớt chuyên dụng hiện đại nhất của Anh và Mỹ, được cho là đã nhanh chóng được điều động đến khu vực máy bay rơi. Các nguồn tin được truyền thông Anh trích dẫn cho biết, xác chiếc F-35B sẽ được đưa lên mặt nước bằng các phương tiện trục vớt, được điều khiển từ xa và túi bơm hơi.
Hiện Hải quân Anh đang giám sát chặt chẽ khu vực, để ngăn chặn các tàu nước ngoài cố gắng xác định vị trí máy bay chiến đấu trước. Tuy nhiên với năng lực trục vớt hiện tại, Anh phải trông chờ vào Mỹ để tiến hành phi vụ trục vớt này. Nguồn ảnh: USAF.
Tiến Minh