Anh, Pháp, Đức cố giữ thể diện khi thỏa thuận hạt nhân Iran dần sụp đổ
Dưới sức ép của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nước châu Âu lớn vẫn bám trụ với thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, không nhiều khả năng Tehran sẽ tham gia vào đàm phán hạt nhân mới cùng với những tác nhân trên.
Đài Sputnik đưa tin ngày 14/1, Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp và Đức – các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran – tuyên bố họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động thông qua Cơ chế Giải quyết Tranh chấp (DRM) của Thỏa thuận hành động chung toàn diện (JCPOA) để đưa Iran trở lại tuân thủ hoàn toàn các hiệp định.
Liên minh châu Âu (EU) đã thất bại trong “thành tựu ngoại giao quan trọng nhất” thế nào?
“Bằng cách này, E3 (Anh, Pháp và Đức) muốn giữ thể diện sau khi thành tựu ngoại giao quan trọng nhất của các nước châu Âu gặp thất bại. JCPOA bị lung lay sau khi ông Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận, cũng như do EU bất lực trong việc thực thi", ông Luciano Zaccara, Phó giáo sư nghiên cứu về tình hình Vùng Vịnh tại Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh Đại học Qatar, cho biết.
Ông Zaccara đã liệt kê một số nguyên nhân. Đầu tiên, rõ ràng ngay từ đầu rằng Chính quyền Tổng thống Trump sẽ làm mọi điều để khiến JCPOA suy yếu, trong đó gồm cả việc cảnh cáo các đồng minh về “một cuộc chiến thương mại và thuế quan như ông đã làm với châu Âu, Trung Quốc và Mexico”.
Do đó, EU đã không khuyến khích những doanh nghiệp và ngân hàng tại nước họ thực thi JCPOA và nắm lấy cơ chế thanh toán INSTEX – công cụ giúp vượt qua thành công lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran. Theo nhà nghiên cứu, đây chính là nguyên nhân thứ hai.
Thứ ba, sự đồng thuận của EU đã bị phá vỡ sau khi ông Boris Johnson trở thành “người phụ trách các quyết định về chính sách đối ngoại của Anh” và sau đó đảm nhận chức vụ Thủ tướng Anh.
Ông kết luận việc Iran gây sức ép bằng cách rút dần khỏi những cam kết trong JCPOA chính là lý do thứ tư góp phần làm giảm cơ hội sống sót cho thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Với loạt lý do nêu trên, ông cho rằng sẽ không có khả năng Iran tham gia cuộc đàm phán hạt nhân khác với cùng những nhân tố cũ trên để đạt được một thỏa thuận tương đương hoặc nhiều giá trị hơn.
“Kẻ đấm, người xoa”
Về phần mình, Tiến sĩ Hooshang Amirahmadi, người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Mỹ - Iran và là nhà nghiên cứu về chính sách công tại Đại học Rutgers đã đề cập đến sự phụ thuộc về quân sự, chính trị và tài chính lâu đời của EU đối với Mỹ, khiến liên minh này phải "bám rễ" sâu rộng với thị trường Mỹ cũng như gắn liền với chính sách đối ngoại của Washington.
Tiến sĩ Amirahmadi đánh giá sự phụ thuộc trên chính là căn nguyên khiến họ không thể chịu được áp lực từ phía Mỹ.
Theo ông, trong cuộc đàm phán JCPOA, châu Âu đã đóng vai trò “người xoa” trong khi Mỹ đóng vai “kẻ đấm” để khiến Iran nhất trí với những thỏa thuận thiếu công bằng. Bên cạnh đó, châu Âu đã hiểu nhầm mục đích của Washington liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Hooshang Amirahmadi nhận định: “Châu Âu thực sự cho rằng đây là một thỏa thuận thật, trong khi về phía người Mỹ, thỏa thuận này chỉ là một cam kết ngắn hạn để khiến Iran phá hủy cơ sở hạ tầng hạt nhân. Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, vai trò duy nhất của châu Âu có thể làm là níu kéo Iran ở lại, biến đây trở thành một thỏa thuận đơn phương”.
Giáo sư này tin rằng Mỹ đang lôi kéo châu Âu tham gia vào chiến dịch làm “suy yếu” Chính phủ Iran nhằm mục đích cuối cùng là lật đổ.
Tháng 5/2019, quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này bắn tín hiệu cho thấy sẽ ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận năm 2015, viện dẫn lý do là việc Mỹ đơn phương từ bỏ thỏa thuận cũng như việc châu Âu không thể thực hiện cam kết.
Cuối cùng, ngày 5/1, Tehran công bố bước cắt giảm thứ 5 trong JCPOA bằng cách rút lại yếu tố quan trọng cuối cùng – giới hạn về số lượng máy li tâm của nước này. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter: “Bước này nằm trong JCPOA và tất cả 5 bước đều có thể bị đảo ngược. Iran vẫn tiếp tục hợp tác toàn diện với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)”.
Tuy nhiên, trong tuyên bố chung ngày 14/1, London, Paris và Berlin tuyên bố rõ rằng họ “không đồng ý với lập luận rằng Iran có quyền giảm tuân thủ với JCPOA". Họ nhấn mạnh quyết tâm làm việc với tất cả các bên còn lại để bảo vệ thỏa thuận.
Trước đó, trong bài phát biểu trước toàn dân ngày 8/1, Tổng thống Trump đã kêu gọi các nước ký JCPOA rút khỏi thỏa thuận này trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Tehran.