Các ngoại trưởng châu Âu từ chối đình chỉ đối thoại chính trị với Israel
Ngày 18/11, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối đình chỉ đối thoại chính trị với Israel theo yêu cầu trước đó của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell.
Trong cuộc họp các ngoại trưởng EU tổ chức tại Brussels hôm qua (18/11), ngoại trưởng một số nước thuộc Liên minh đã bác bỏ đề xuất của người đứng đầu chính sách đối ngoại của Khối, ông Josep Borrell. Các nước phản đối việc đình chỉ đối thoại chính trị với Israel bao gồm Đức, Áo, Cộng hòa Séc, Hungary và Hà Lan.
Theo Ngoại trưởng Síp Constantinos Kombos, việc các nước EU phản đối ông Borrell là điều có thể dự đoán được.
"Vấn đề đặt ra là liệu đây có phải là thời điểm thích hợp cho một cuộc tranh luận như vậy hay không, vì sự thiếu nhất trí giữa các bộ trưởng là điều có thể dự đoán được và điều này càng củng cố nhận thức về sự chia rẽ trong EU".
Về phần mình, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU cho rằng việc gây "áp lực" lên chính phủ Israel là điều cần thiết trong bối cảnh hiện vẫn chưa có biện pháp nào có thể ngăn chặn xung đột ở Dải Gaza.
Dù từ chối biện pháp của ông Borrell nhưng Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các thành viên chính phủ Israel, đặc biệt là những người phủ nhận quyền tồn tại của người Palestine hoặc vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Trước đó, trong bức thư gửi các ngoại trưởng EU ngày 13/11, ông Borrell đã bày tỏ "những lo ngại nghiêm trọng về khả năng vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở Gaza", đồng thời cho biết "đến nay, những lo ngại này vẫn chưa được Israel giải quyết thỏa đáng" và yêu cầu các nước thành viên Khối 27 xem xét đến khả năng đình chỉ đối thoại chính trị với Israel như một lời cảnh báo. Tuy nhiên, việc đình chỉ cần sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên EU.
Theo bà Maria Luisa Frantappie, chuyên gia tại viện nghiên cứu Istituto Affari Internazionali, người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu muốn để lại dấu ấn trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình vào ngày 1/12.
"Tôi nghĩ sáng kiến này là kết quả của nhiều tháng thất vọng về chính trị mà ông Josep Borrell và một số quốc gia thành viên cảm thấy khi phải đối mặt với một EU không có khả năng bày tỏ lập trường vững chắc về cuộc xung đột ở Trung Đông. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, ông Borrell muốn để lại một di sản tích cực với tư cách là người đứng đầu cơ quan ngoại giao của châu Âu".
Cũng trong cuộc họp hôm thứ hai, một số ngoại trưởng châu Âu cho biết tương lai của Trung Đông sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền mới của Mỹ, dự kiến sẽ nhậm chức vào tháng 1 tới.