Anh phát triển tàu siêu nhẹ chạy bằng chất thải người và thực phẩm bỏ đi
Các kỹ sư đang phát triển một loại tàu vận hành bằng khí đốt chế tạo từ chất thải người, động vật và thực phẩm bỏ đi. Theo trang Daily Mail (Anh), đoàn tàu có tên gọi BioUltra là sản phẩm trí tuệ của một nhóm kỹ sư tại Công ty Ultra Light Rail Partners có trụ sở tại Worcester. Theo đó, đoàn tàu dài 20 mét có thể chở tới 120 hành khách với tốc độ tối đa 80,5km/h. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Các kỹ sư đang phát triển một loại tàu vận hành bằng khí đốt chế tạo từ chất thải người, động vật và thực phẩm bỏ đi.
Theo trang Daily Mail (Anh), đoàn tàu có tên gọi BioUltra là sản phẩm trí tuệ của một nhóm kỹ sư tại Công ty Ultra Light Rail Partners có trụ sở tại Worcester. Theo đó, đoàn tàu dài 20 mét có thể chở tới 120 hành khách với tốc độ tối đa 80,5km/h.
Nhờ công nghệ biến khí biomethane thành điện để sạc pin và điều khiển động cơ, tàu BioUltra hứa hẹn có thể thay thế các loại tàu chạy bằng động cơ diesel gây ô nhiễm, ồn ào và kém hiệu quả.
Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đoàn tàu mới cũng được trang bị thêm các tính năng sức khỏe như chiếu sáng tia cực tím, bề mặt có thể diệt virus, tấm chắn nhựa và hệ thống thông gió hoạt động mạnh mẽ.
Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch loại bỏ dần các đoàn tàu chạy bằng động cơ diesel khỏi hệ thống đường sắt của nước này vào năm 2040. Họ đang dần chuyển từ động cơ diesel sang những nguồn nhiên liệu thay thế, như biogas, hydro và các đoàn tàu chạy bằng pin.
Khác động cơ diesel, tàu chạy bằng khí biomethane sẽ không thải ra nitơ dioxide độc hại. Điều này sau đó sẽ dẫn đến việc loại bỏ phát thải CO2 vào khí quyển. Hơn nữa, dù lấy từ chất thải nhưng khí metan lại không có mùi.
“Chắc chắn là biomethane có thể được chứng minh là nhiên liệu thân thiện với môi trường nhất. Tôi rất vui vì sau khi sản xuất tàu điện đầu tiên trên thế giới chạy bằng biomethane, nguồn nhiên liệu bền vững và được sản xuất trong nước này sẽ tiếp tục được sử dụng cho những toa tàu mới này”, Giám đốc kỹ thuật của Ultra Light Rail Partners, ông Christopher Maltin, cho biết.
Ông nói thêm rằng kết hợp sử dụng biomethane làm nhiên liệu và việc loại bỏ hoàn toàn các hạt vật chất được thải ra do sự xuống cấp của lốp xe hoặc mài mòn sẽ mang lại một loại hình giao thông công cộng sạch sẽ nhất, giúp cải thiện chất lượng không khí và góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu.
BioUltra sẽ chạy trên đường ray khổ thông thường. Song, tàu chỉ nặng khoảng 20 tấn, chưa bằng một nửa tàu diesel thông thường, nên sẽ giúp hạn chế bào mòn đường ray, giúp giảm chi phí bảo trì mạng lưới đường sắt.
BioUltra sẽ có khả năng di chuyển trong phạm vi tối đa khoảng 3200km giữa các trạm tiếp nhiên liệu. Nhóm nghiên cứu dự kiến những đoàn tàu BioUltra sẽ cung cấp dịch vụ đưa đón “từ đầu đến cuối” trên các tuyến hiện có.
Innovate UK, Cơ quan tài trợ nghiên cứu của Chính phủ Anh, đã phát triển dự án với khoản tài trợ 60.000 bảng Anh. Đây là khoản hỗ trợ thứ hai mà nhóm nghiên cứu này đã nhận được. Trước đó, vào đầu năm 2020, họ cũng đã nhận được 350.000 bảng Anh để chế tạo một đoàn tàu nhỏ hơn, có thể chở 60 người.
Tàu hỏa mini phiên bản thử nghiệm có chiều dài 10 mét và nặng khoảng 12 tấn đã được đưa vào thử nghiệm tại cơ sở thử nghiệm Long Marston của Motorail hồi tháng 7/2020.
“Chúng tôi rất vui khi được tổ chức Innovate UK trao khoản tài trợ thứ hai vì đã hoàn thành xuất sắc dự án Innovate UK đầu tiên trong nỗ lực phát triển xe điện chạy bằng khí sinh học đầu tiên của Vương quốc Anh”, ông Beverley Nielsen, người đứng đầu dự án BioUItra cho biết.
Ông Nielsen hy vọng sẽ đưa BioUltra hoạt động ở các thị trấn lớn và các thành phố nhỏ trên khắp Vương quốc Anh, trong nỗ lựa loại bỏ các phương tiện gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố và thị trấn, cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người.
Một ước tính gần đây của Tổ chức Bền vững West Midlands đã xác định rằng chỉ cần giảm 50% nồng độ của một chất ô nhiễm, như bụi mịn PM2.5, sẽ ngăn chặn 952 ca tử vong chỉ riêng ở West Midlands mỗi năm.