Anh quy định nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn cho các căn hộ cao tầng
Sau thảm họa liên quan đến vụ cháy tòa nhà 27 tầng Grenfell Tower ở London năm 2017, Anh đã đưa ra một loạt quy định nghiêm ngặt về an toàn phòng cháy, chữa cháy nhằm ngăn chặn những thảm kịch xảy ra như vậy. Các quy định này, được bắt đầu triển khai trong khoảng tháng 10.2023 đến tháng 4.2024, đặc biệt tập trung vào các khu chung cư cao tầng, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong việc quản lý an toàn tòa nhà.
Thiết lập tiêu chuẩn mới về an toàn phòng cháy
Một cơ quan mới, Cơ quan quản lý an toàn tòa nhà (BSR) được thành lập để thực thi các quy định trên. Những thay đổi chính xoay quanh thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về an toàn phòng cháy, chữa cháy cho tất cả các khối căn hộ. Trong đó, các công trình xây dựng mới và cải tạo phải được thiết kế để hạn chế cháy lan, đồng thời tạo điều kiện cho việc sơ tán an toàn. Để làm được điều này, tất cả các căn hộ phải được trang bị thiết bị báo cháy, mặc dù hệ thống báo cháy chung thường không bắt buộc. Bên cạnh đó, tường, trần và sàn giữa các căn hộ cũng như xung quanh lối thoát nạn (như hành lang, cầu thang) phải có khả năng ngăn lửa lan rộng trong một khoảng thời gian nhất định. Cửa ra vào căn hộ và cửa ra lối thoát hiểm phải có khả năng chống cháy ít nhất 30 phút, có tấm bịt chống khói và thiết bị tự đóng.
Các nhà phát triển, thiết kế và xây dựng phải bảo đảm tuân thủ các quy định xây dựng an toàn. Các nhà phát triển trước khi thực hiện dự án phải nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý các tòa nhà, đó có thể là chính quyền địa phương hoặc người phê duyệt kiểm soát tòa nhà tư nhân đã được đăng ký. Tuy nhiên, đối với các dự án xây dựng mới hoặc cải tạo khối nhà chung cư cao tầng, bên phát triển nhà phải được BSR phê duyệt bắt đầu từ tháng 10.2023.
Mỗi khối căn hộ phải có một người chịu trách nhiệm về an toàn cháy nổ, thường là chủ sở hữu hoặc người quản lý tòa nhà. Người này chịu trách nhiệm tiến hành đánh giá rủi ro hỏa hoạn và thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết tại các khu vực chung. Các căn hộ riêng lẻ không thuộc thẩm quyền của họ.
Quy định cụ thể đối với khối căn hộ cao tầng
Năm 2020, sau vụ cháy Grenfell Tower, Chính phủ đã khuyến cáo các khối căn hộ mới có chiều cao tối thiểu 11m nên lắp đặt vòi phun nước. Đến tháng 1.2023, quy định này cùng với yêu cầu người có trách nhiệm phải kiểm tra cửa ra vào căn hộ hàng năm và kiểm tra cửa chống cháy hàng quý tại khu vực chung, chính thức có hiệu lực.
Cuộc điều tra về vụ cháy Grenfell phát hiện ra rằng tấm ốp bằng vật liệu composite nhôm được sử dụng trên tòa tháp là “lý do chính khiến ngọn lửa lan rất nhanh”. Do đó, theo quy định mới, các chủ sở hữu tòa nhà hiện được yêu cầu kiểm tra và khắc phục lớp ốp không an toàn. Nếu chủ sở hữu tòa nhà không chịu tuân thủ, cơ quan cứu hỏa và cứu hộ hoặc chính quyền địa phương có thể thực hiện hành động cưỡng chế. Họ, BSR và người thuê cũng có thể nộp đơn lên Tòa án cấp một để xin "lệnh khắc phục" nhằm yêu cầu chủ sở hữu tòa nhà phải sửa chữa “một số lưu ý có thể gây mất an toàn” trên các khối căn hộ cao trên 11m.
Đối với các khối nhà cáo tầng từ 18m trở lên hoặc trên 7 tầng, một số thay đổi quan trọng cũng đã được thực hiện. Năm 2018, Anh đã cấm sử dụng các vật liệu dễ cháy, dễ bắt lửa và cháy trên tường ngoài của các khu chung cư cao tầng mới. Năm 2022, nước này lại cập nhật hướng dẫn rằng, các khu chung cư cao tầng mới nên có hệ thống cảnh báo sơ tán (PDF). Trong trường hợp khẩn cấp, lính cứu hỏa có thể sử dụng hệ thống cảnh báo sơ tán để yêu cầu cư dân rời khỏi tòa nhà. Bên cạnh đó, các khu chung cư cao tầng mới cũng được khuyến nghị nên có cầu thang thứ hai từ năm 2026.
Lợi ích và thách thức
Mặc dù các quy định mới về an toàn phòng cháy, chữa cháy mang lại nhiều lợi ích cho cư dân, việc triển khai cũng gặp phải không ít thách thức. Đối với các chủ sở hữu tòa nhà và nhà phát triển, việc tuân thủ các quy định này đòi hỏi phải đầu tư một khoản chi phí đáng kể cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải tạo tòa nhà. Đặc biệt, việc thay thế các tấm ốp không an toàn và lắp đặt hệ thống vòi phun nước cho các khối nhà cao tầng yêu cầu một nguồn tài chính lớn và thời gian thi công kéo dài.
Bên cạnh đó, việc bảo đảm rằng tất cả các tòa nhà đều tuân thủ các quy định mới cũng không đơn giản. BSR và các cơ quan liên quan phải thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, giám sát và thực thi các biện pháp cưỡng chế để bảo đảm các tòa nhà đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực và tài nguyên lớn, đồng thời cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Tuy nhiên, các quy định mới mang lại nhiều lợi ích quan trọng hơn. Việc tăng cường an toàn phòng cháy, chữa cháy giúp giảm thiểu rủi ro hỏa hoạn, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Ngoài ra, việc cải thiện cơ sở hạ tầng và áp dụng các biện pháp an toàn mới cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh hơn. Điều này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các cư dân, mà còn góp phần nâng cao giá trị bất động sản và thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.