Anh sản xuất vật liệu nổ bằng công nghệ in 3D

Phòng thí nghiệm nghiên cứu Công nghệ quân sự (DSLT) thuộc Bộ Quốc phòng Anh đang phát triển công nghệ chế tạo chất nổ bằng công nghệ in 3D đặc biệt.

Theo thông tin từ DSLT, chất nổ đặc biệt được chế tạo bằng công nghệ in 3D có sự hoàn thiện về cấu trúc phân tử tối ưu cho phản ứng nổ mạnh hơn nhiều so với các loại chất nổ chế tạo bằng phương thức phản ứng hóa học truyền thống. Cùng với đó, công nghệ in 3D đáp ứng khả năng chế tạo chất nổ ngay trên chiến trường giúp giảm chi phí niêm cất và vận chuyển loại mặt hàng đặc biệt nguy hiểm này.

DSLT bắt đầu nghiên cứu công nghệ chế tạo thuốc nổ mới từ năm 2015 và đã tiêu tốn vào quá trình phát triển hơn 10 triệu Bảng Anh. Sau quá trình thực nghiệm, dòng thuốc nổ đầu tiên chế tạo bằng công nghệ in 3D đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, để được đưa vào trang bị thực tế, quá trình thử nghiệm vật liệu nổ được chế tạo bằng công nghệ đặc biệt này cần thêm thời gian thử nghiệm. Hiện tại, chưa rõ ứng dụng của công nghệ chế tạo chất nổ mới dành cho Quân đội Anh.

 Vật liệu nổ phức tạp cũng được chế tạo bằng công nghệ in 3D.

Vật liệu nổ phức tạp cũng được chế tạo bằng công nghệ in 3D.

 Công nghệ in 3D đang tạo ra cuộc cách mạng trong chế tạo vũ khí tức thời trên chiến trường.

Công nghệ in 3D đang tạo ra cuộc cách mạng trong chế tạo vũ khí tức thời trên chiến trường.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, dù hướng phát triển công nghệ vật liệu nổ của Anh mang nhiều tính đột phá, nhưng với nền tảng công nghệ hiện tại, sự tin cậy của công nghệ này chưa được kiểm chứng. Phản ứng nổ là sự tổng hợp dây chuyền của hàng loạt hợp chất hóa học, cũng như hình dáng của khối vật liệu nổ. Ngoài ra, việc chế tạo đồng thời kíp nổ tích hợp trong khối thuốc cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Không ai có thể biết liệu khối thuốc nổ có đột nhiên phát nổ trong quá trình chế tạo hay không.

Cùng với Anh, Mỹ hiện cũng rất tích cực phát triển công nghệ in 3D trong lĩnh vực quân sự và đạt được nhiều kết quả bước đầu. Hãng chế tạo Lockheed Martin đã ứng dụng thành công công nghệ in 3D chế tạo một số thành phần của tên lửa đạn đạo liên lục địa. Các chuyên gia Lockheed Martin đánh giá, việc áp dụng công nghệ in 3D sẽ giúp giảm thời gian chế tạo các chi tiết cấu thành trong ICBM. Ở nhiều công đoạn, in 3D có thể giảm tới 50% thời gian chế tạo so với phương thức lắp ráp truyền thống.

Không chỉ Lockheed Martin, hiện nhiều hãng chế tạo khác trên thế giới cũng áp dụng công nghệ in 3D trong chế tạo vũ khí. Raytheon mới đây đã thử chế tạo nhiều cấu kiện lắp trên đạn tên lửa và thậm chí là một số nguyên mẫu đạn tên lửa hoàn chỉnh cỡ nhỏ bằng máy in 3D. Trong đó, đáng kể nhất là các thành phần phức tạp như động cơ, cánh lái, vỏ bọc và hệ thống điều khiển tên lửa đều được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến này. Tuy nhiên, công nghệ in 3D hiện chưa được áp dụng đại trà do cần thời gian thử nghiệm và kiểm chứng sản phẩm được làm ra theo phương thức này.

TUẤN SƠN (theo Defense News)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/anh-san-xuat-vat-lieu-no-bang-cong-nghe-in-3d-612634