Ánh sáng giữa đời thường lấp lánh những vẻ đẹp
37 tác phẩm vào chung khảo cuộc thi truyện ngắn “Người lao động hôm nay” được tập hợp in thành sách Ánh sáng giữa đời thường - một tập sách lấp lánh những vẻ đẹp.
Cuộc thi truyện ngắn “Người lao động hôm nay” do Báo Người Lao Động tổ chức, thu hút gần 600 truyện ngắn của hơn 500 tác giả trong và ngoài nước dự thi, trong đó có những nhà văn được bạn đọc yêu mến. Ban Tổ chức đã chọn 58 tác phẩm đăng báo và 37 truyện ngắn vào chung khảo. 37 tác phẩm này được tập hợp, in thành sách Ánh sáng giữa đời thường (NXB Hội Nhà Văn) để làm quà tặng trong lễ trao giải và phục vụ bạn đọc yêu văn chương.
Nhà lý luận phê bình văn học, GS-TS Huỳnh Như Phương, Trưởng Ban Chung khảo cuộc thi, nhận xét: “Qua những tác phẩm đã đăng báo, độc giả có thể nhận thấy hơi thở cuộc sống từ những truyện ngắn này dường như cũng hấp thu chất thời sự nóng hổi của tờ báo; ngược lại, nó truyền thêm cái tình, chất văn vào những dòng chữ in. Thật sự là không có gì lỗi nhịp với đời sống trong những truyện ngắn đã được tuyển chọn…
Các tác phẩm dự thi đã miêu tả chân thực cuộc mưu sinh tất bật và lao động nặng nhọc của người thợ hồ, người làm ruộng, thợ cắt tóc, người bảo vệ, người lái xe ôm, người bán hàng rong, người đan tre, người đánh cá, cô giáo mầm non, thầy giáo vùng cao, người bác sĩ, điều dưỡng viên, người sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật. Những cảnh đời, tính cách, số phận và tâm tư của các nhân vật cho thấy họ không chỉ làm ra của cải vật chất mà còn sáng tạo nên những giá trị tinh thần, góp phần gìn giữ phong hóa của dân tộc… Ngay trong nghịch cảnh, những người lao động chân chính, qua sự lựa chọn của mình, vẫn nêu cao phẩm giá con người Việt Nam”.
Bạn đọc sẽ cảm nhận vẻ đẹp của người lao động hôm nay trong tập truyện ngắn Ánh sáng giữa đời thường. Độc giả có thể đồng cảm với đôi vợ chồng trẻ đã rời bỏ Sài Gòn náo nhiệt, rời bỏ công việc văn phòng để trở về quê, mở một quán cà phê nhỏ trong truyện ngắn giàu chất thơ Mùa đông đã về của Nguyễn Lê Vân Khánh.
“Một truyện ngắn được viết bởi một ngòi bút vô cùng nhẹ nhàng mà tinh tế. Câu chữ gọn gàng, vừa đủ…”, đó là nhận xét của nhà văn Trần Nhã Thụy, thành viên Ban Giám khảo. Bạn đọc sẽ suy ngẫm về luật nhân quả ở đời sau khi đọc truyện ngắn dữ dội với cái kết đau đớn Bốn cái vỏ xe của Đặng Chương Ngạn, hay cảm thấy thú vị khi dõi theo “những ca phẫu thuật tâm lý tinh vi và có nhiều phát hiện bất ngờ” như nhân vật Kristof - người phỏng vấn các ứng viên xin việc trong truyện ngắn Phỏng vấn của Kiều Bích Hương.
Bạn đọc cũng sẽ “chứng kiến” những cuộc chạy đua với thời gian trong phòng can thiệp, phòng hồi sức, để rồi hiểu được sứ mệnh của những người thầy thuốc tài năng, tận tụy và những hy sinh thầm lặng, vì sự sống của bao trái tim khác trong truyện ngắn Dưới ánh sáng thiên đường (truyện ngắn đạt giải nhất cuộc thi), Máu hiếm…
“Cùng một chủ đề nhưng phong phú về nội dung, giọng điệu. Cách biểu hiện tươi mới, hấp dẫn”, đó là nhận xét của nhà văn Trần Nhã Thụy. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, thành viên Ban Giám khảo, đánh giá: “Người lao động trong những truyện ngắn này sáng lên, lấm láp cỡ nào cũng không che lấp được vẻ đẹp của họ. Cảm giác các tác giả giàu có vốn sống, biết nắm lấy xung đột để tạo kịch tính, nhưng thiếu văn”.
Theo GS-TS Huỳnh Như Phương, bạn đọc cảm thấy được hâm nóng bởi những vấn đề thời sự diễn ra hàng ngày, đồng thời điềm tĩnh hơn trong nhận thức và lý giải nguồn cơn của những thực tế đó. “Bóng tối đáng sợ nhất không phải là bóng tối ngoài xã hội mà là bóng tối trong lòng người. Ánh sáng có ý nghĩa cứu chuộc và giải thoát vẫn là ánh sáng của lương tri”, ông nói.