Những phụ nữ Tứ Kỳ giữ lửa nghề 'quai búa'
Đã qua thời hoàng kim nhưng nhiều phụ nữ ở làng nghề rèn thôn Kiêm Tân, xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ, Hải Dương) vẫn gắn với nghề 'quai búa'. Họ giữ nghề vì ngoài công việc mưu sinh, đây còn là di sản cha ông để lại.
Tuổi thơ gắn với đe, với búa
Một buổi chiều đầu đông, gần đến lò rèn của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (66 tuổi) ở làng nghề Kiêm Tân, chúng tôi đã nghe thấy tiếng búa đập liên thanh lẫn tiếng xè xè của máy mài.
Trong không gian rộng chừng 20m2, bà Xuân cùng con gái là chị Nguyễn Thị Thắm (40 tuổi) đang thoăn thoắt tay búa lên thanh thép đỏ rực. Rất nhịp nhàng, hết lớp búa này đến lớp búa khác, “hoa lửa” bắn ra xung quanh cho đến khi mảnh thép nên dáng, nên hình...
Vừa đưa tay lau mồ hôi, bà Xuân vừa kể cho chúng tôi những gian truân, vất vả của nghề thợ rèn.
Lớn lên trong gia đình làm nghề rèn, tuổi thơ của bà Xuân từng gắn liền với búa, đe và ánh lửa lò rèn. Thân sinh ra bà Xuân là cụ Tư - người nổi tiếng nhất nhì trong làng nghề Kiêm Tân, được người dân nơi đây suy tôn là "tổ nghề".
Sau giờ học, bà Xuân thường ở nhà phụ giúp bố làm nghề. Với sự thông minh, nhanh nhạy, cô bé Xuân khi mới 15 tuổi đã làm được hầu hết các công đoạn của nghề rèn, từ việc nổi lửa bếp lò cho đến đe búa, hàn gò, cưa mài… Sản phẩm đầu tiên do bà tự tay làm là một chiếc liềm, dù kiểu dáng chưa đẹp nhưng đó là kỷ niệm khó quên.
Khi lớn lên bà theo nghề và gắn bó cho đến bây giờ. Hằng ngày, bà Xuân vẫn miệt mài bên lò lửa để cho ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, trở thành “tay búa” kỳ cựu trong làng.
Theo bà Xuân, nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, khéo léo cũng như tính kiên trì và sáng tạo.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề, bà Xuân từng có nhiều kỷ niệm vui buồn, thậm chí từng gặp tai nạn như bị bỏng, đứt tay nhưng tình yêu với nghề vẫn luôn cháy bỏng.
Vừa kể chuyện bà Xuân lại ngâm câu thơ trong bài thơ “Lò rèn” của tác giả Khánh Nguyên: “Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn/ Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi/ Suốt tám giờ chân than mặt bụi…”. Dù đôi bàn tay nhem nhuốc, chai sần nhưng tay búa của bà Xuân vẫn đầy uy lực.
Theo bà Xuân, bất cứ nghề nào cũng đòi hỏi người làm nghề phải có cái tâm, nghề rèn cũng vậy. Người thợ luôn phải giữ chữ “tín”, làm ra các sản phẩm bảo đảm tiêu chí bền, đẹp, tiện dụng. Vì trân quý nghề đã nuôi sống gia đình mà bà muốn giữ lại nghề, truyền lại cho con cháu. "Còn sức khỏe là tôi còn rèn, khi nào cảm thấy mình không thể làm được nữa thì tôi mới nghỉ”, bà Xuân chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Lại (64 tuổi) là em gái của bà Xuân, cũng ở thôn Kiêm Tân và đến nay vẫn gắn bó với nghề rèn. Bà Lại cho rằng nghề rèn cũng là rèn người nên người thợ ai cũng hết lòng với sản phẩm, bởi đó là uy tín, là thương hiệu của gia đình, bản thân. Người thợ của làng nghề Kiêm Tân còn khắc những ký hiệu riêng biệt, đánh dấu thương hiệu của mình. Trên mỗi sản phẩm của làng nghề Kiêm Tân đều có khắc số 22. Đây là con số do các cụ "tổ nghề" trong làng tự đặt vì quan niệm là con số mang ý nghĩa sâu sắc, đại diện sức mạnh quyền lực.
Giữ lửa nghề
Công việc vất vả, tưởng chừng chỉ phù hợp với nam giới nhưng điểm đặc biệt của làng nghề rèn mộc Kiêm Tân là các “tay búa” phần lớn là phụ nữ. Hiện tại, số phụ nữ làm nghề rèn chiếm quá nửa số thợ còn làm nghề tại đây.
Nối theo đời trước, phụ nữ nghề rèn Kiêm Tân bảo ban nhau chăm chút cho từng sản phẩm, giữ tiếng, giữ nghề, giữ nghiệp cha ông… Vừa kể chuyện làng, vừa kể chuyện mình, họ vẫn tha thiết, tự hào nhưng cũng chất chứa những trăn trở mong một hướng đi bền vững cho nghề.
Tiếng búa râm ran suốt tháng, quanh năm đã đi vào tiềm thức của bà Xuân, bà Lại và nhiều người cao tuổi ở làng rèn Kiêm Tân. Vào thời kỳ hoàng kim, người dân sống chung với tiếng búa, kiếm tiền nhờ tiếng búa. Hình ảnh chồng đánh búa, vợ ngồi mài dao trở thành hình ảnh đẹp, thân thuộc của làng nghề.
Không chỉ yêu nghề, phụ nữ làng nghề rèn Kiêm Tân còn tự tích lũy kinh nghiệm để cải tiến kỹ thuật, đa dạng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Các lò rèn thường đỏ lửa quanh năm mà vẫn không kịp đơn đặt hàng. Có nhiều hôm làm không hết việc, thợ rèn phải tranh thủ làm đêm để kịp giao hàng. Nhiều gia đình trở nên khá giả, có của ăn, của để nhờ nghề này.
Trước đây, người dân làng nghề chủ yếu làm thủ công. Nay máy móc đã bắt đầu được đưa vào sử dụng để giảm bớt sức lao động. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả các công đoạn đều được máy móc thay thế, bởi “cái hồn” của sản phẩm vẫn phải phụ thuộc vào kỹ thuật của người thợ rèn lâu năm.
Tiếng lành đồn xa, sản phẩm của làng nghề Kiêm Tân ngày nay vẫn làm theo đơn đặt hàng và được vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố trong nước, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 6-10 triệu đồng/tháng cho người đang theo nghề.
Nhờ tỉ mỉ, chau chuốt cho từng sản phẩm, thương hiệu rèn mộc Kiêm Tân vẫn đứng vững trên thị trường nhờ độ sắc, tinh xảo, bền, đẹp.
Thời gian thấm thoắt đi qua, những tay búa có thâm niên như bà Xuân giờ chẳng còn nhiều. Tuổi tác, sự cạnh tranh của những sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt khiến nhiều người buông tay búa, tắt lửa lò rèn. Lớp thanh niên hiện nay cũng rất ít người chọn nghề rèn để gắn bó, lập nghiệp lâu dài. Độ tuổi trẻ nhất còn giữ được “lửa nghề” khoảng 40 tuổi.
Ngay cả con cháu trong làng rèn, biết chút ít nghề nhưng cũng tìm chọn những công việc khác nhẹ nhàng hơn để mưu sinh. Nghè rèn một thời thịnh hành và phát triển trong xã hội, nay do công nghiệp phát triển, người thợ khó duy trì nghề.
“Phụ nữ nếu không thực sự yêu nghề thì không ai thích theo nghề rèn vì vất vả. Cả ngày người ướt đẫm mồ hôi vì lửa nóng, bụi than lấm lem. Vì thế, các con của tôi đều chọn công việc khác, chỉ giúp mẹ lúc có nhiều đơn hàng”, bà Nguyễn Thị Lại chia sẻ.
Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Kiêm Tân Phạm Quang Oai nghề rèn mộc Kiêm Tân (hay còn gọi là làng Gồm) được công nhận làng nghề từ năm 2015. Hiện làng nghề chỉ còn 4 gia đình “giữ lửa” nghề.
"Người dân làng nghề, chính quyền thôn mong cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn đến việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của quê hương. Chú trọng công tác định hướng, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, đồng thời có cơ chế phù hợp hỗ trợ các hộ làm nghề. Có như vậy mới có thể giữ được nguồn nhân lực trẻ, tránh được nguy cơ mai một nghề truyền thống", ông Oai trăn trở nói.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Dương Hà Hải cho biết để nâng cao thu nhập cho lao động làng nghề, các địa phương của huyện đã tích cực hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Huyện lựa chọn một số làng nghề đưa vào đề án phát triển du lịch của địa phương.
Hiện một số sản phẩm làng nghề được đưa lên sàn thương mại điện tử vừa giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, vừa quảng bá được làng nghề truyền thống của địa phương. Nghề rèn ở Kiêm Tân cũng có tiềm năng để phát triển du lịch.
Cuộc sống đổi thay, mở ra nhiều con đường mưu sinh, vì thế những người theo nghề rèn cũng ít dần. Với những phụ nữ vẫn tâm huyết với nghề như bà Xuân, bà Lại thì khát vọng, quyết tâm "giữ lửa" nghề rèn vẫn thôi thúc, để ngày ngày, các lò rèn vẫn đều đều tiếng búa, tiếng đe, giữ lửa nghề không nguội tắt.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-phu-nu-tu-ky-giu-lua-nghe-quai-bua-398021.html