Ánh sáng tình tôi của Phan Như Lâm

Họa sĩ Phan Như Lâm giới thiệu triển lãm mỹ thuật đầu tay 'Ánh sáng tình tôi' tại Huyen Art House (8A Đặng Tất, quận 1, TP.HCM), từ ngày 28.7 đến 6.8.

Phan Như Lâm sinh năm 1993 ở vùng quê nghèo huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), trong một gia đình thuần nông. Gia đình Lâm có bảy người con, năm chị gái và một anh trai, nhưng không may, một trong số năm chị gái đã qua đời từ rất sớm, lúc mới ba tuổi. Ám ảnh này trở thành một ấn tượng theo Lâm cho tới ngày hôm nay, thành một trong những lý do ca ngợi vẻ đẹp bất tử của phụ nữ.

Tuy là nhà nông, nhưng ba mẹ vẫn luôn dạy các con rằng phải chăm ngoan học giỏi, dù cơ cực, nhưng ba mẹ vẫn hy sinh hết phần đời của mình để làm việc, nuôi dạy các con trưởng thành. Món quà to lớn nhất ba mẹ đã dành cho Lâm đó là tình yêu và sự quan trọng của gia đình.

Sự yêu thương ấy đã giúp tạo nên Lâm ở khía cạnh họa sĩ, dù đã gặp nhiều biến cố éo le trên con đường sự nghiệp.

Phan Như Lâm cho biết anh tìm được sự chữa lành thông qua việc vẽ tranh.

Phan Như Lâm cho biết anh tìm được sự chữa lành thông qua việc vẽ tranh.

Năm 2014, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Phan Như Lâm bén duyên với nghề vẽ, nên bắt đầu học vẽ với các thầy dạy vẽ. So với các bạn trong lớp luyện vẽ, Lâm dường như là hơi già, các bạn học cũng có vẻ nhanh nhạy hơn. Phan Như Lâm kể: “Có lần tôi hỏi thăm trò chuyện với một bạn cùng lớp luyện thi, thì mới biết rằng bạn ý thi rớt hai lần rồi và cố gắng lần này sẽ cố gắng đậu. Từ đó tôi hiểu được rằng trước khi vào trường đại học mình cần phải có nền tảng kỹ thuật vững chắc. Tôi đã luyện vẽ hình họa xuyên suốt, cộng với dành thời gian đi làm thêm, làm người mẫu trên bục cho các bạn học viên nghiên cứu, phục vụ nhà hàng tiệc cưới, làm bảo vệ, làm công nhân, một số việc khác nữa… và về quê ở Bình Thuận phụ anh trai chăn nuôi gà.

Nhờ sự giúp đỡ của các thầy dạy vẽ luyện thi, tới 2017 tôi đã tự tin thi vào Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Ngày nhận được kết quả báo đậu, tôi đang phụ việc cho một người anh đi trước vẽ tranh bích họa cho chùa”.

Lâm nói thêm: “Vào Đại học Mỹ thuật TP.HCM niên khóa 2017-2022, tôi cảm thấy rằng mình không giỏi như các bạn cùng lớp, mặc dù đã cố gắng làm việc rất nhiều. Tôi cố gắng lân la học tập và tìm hiểu, có bạn cho biết trước khi bạn ý vào trường mỹ thuật thì đã học xong một trường mỹ thuật khác rồi, lúc đó tôi mới hiểu ra vấn đề nghệ thuật cần lượng lớn thời gian đầu tư theo năm tháng thì nội công mới phát triển được.

Với một khối lượng kiến thức lớn, học trong suốt năm năm, từ các thầy cô giáo giảng dạy, đã làm cho tôi cảm thấy bế tắc thực sự và hoài nghi vào chính mình và đã tự đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho chính mình rằng mình đã sai ở đâu? Mình đã làm gì? Và mình đã nhận được gì? Học được gì? Và nghiên cứu được gì hay chưa? Hay chỉ đang tích lũy kỹ năng, cách nhìn, và nhận thức về ngôn ngữ hội họa là như thế nào? Có những ngôn ngữ hội họa nào? Phong cách nào phù hợp với chính mình? Lý do gì nó lại thu hút mình đến vậy? Mình đã tập trung thật sự chưa?”...

“Ngay từ năm đầu của đại học, tôi may mắn được các anh thương và dẫn dắt đi vẽ những tác phẩm tranh bích họa cho các quán kinh doanh dịch vụ. Những hành trình thú vị ấy đã giúp tôi sớm cảm nhận được lợi ích của nghệ thuật áp dụng vào cuộc sống thực tiễn, thật giá trị và vô cùng ý nghĩa”.

Tác phẩm Ngư dân, sơn dầu, 150 x 500cm, vẽ từ 2019-2024.

Tác phẩm Ngư dân, sơn dầu, 150 x 500cm, vẽ từ 2019-2024.

Tác phẩm Những cô gái trẻ. Họa sĩ Đỗ Mỹ Duyên nhận định tranh của Lâm đầy "Những vệt sơn bừng bừng màu sắc như cuộc sống tuôn chảy".

Tác phẩm Những cô gái trẻ. Họa sĩ Đỗ Mỹ Duyên nhận định tranh của Lâm đầy "Những vệt sơn bừng bừng màu sắc như cuộc sống tuôn chảy".

Tác phẩm Thiếu nữ và em bé.

Tác phẩm Thiếu nữ và em bé.

Lâm kể thêm: “Tôi là một họa sĩ, vẽ tranh từ ngày này qua ngày khác, từ sáng sớm đến xế chiều. Tranh của tôi hiền hòa hơn chân dung chính tôi. Tôi quan tâm nhiều hơn đến việc vẽ những người khác, đặc biệt là phụ nữ. Tôi yêu thích sự đẹp đẽ trong nghệ thuật hội họa, vì trong thế giới của chính mình, tôi cảm nhận thấy thật sống động và thích thú. Tôi bắt đầu sự nghiệp ngay với những giấc mơ tại xưởng vẽ của mình, làm việc với những bức tranh của mình, sống động và trung thực, tôi xem chúng như một cách để thể hiện ý kiến của mình trong cuộc sống. Giống như tôi ghi lại những nét của thời đại đã sống qua những bức vẽ và tranh của tôi.

Tôi ghi lại cuộc đấu tranh hằng ngày của con người thông qua niềm đam mê và vẻ đẹp, với màu sắc thú vị của những biểu cảm được thể hiện trên gương mặt, những vệt màu đắt giá được tính toán đặt để ở những vị trí tinh tế nhất, trông cứ ngỡ vô ý, mà tự nhiên nhất, khiến bạn đắm chìm trong thế giới của tôi và của bạn nữa. Chân dung được tạo ra, những chân dung sống động và chân thật của bạn bè, người thân, gia đình, những người ngư dân, như một cách để chia sẻ quan điểm của tôi về cuộc sống hiện đại cùng đời thường bình dị".

Phạm Vi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/anh-sang-tinh-toi-cua-phan-nhu-lam-44551.html