Người phụ nữ Mường nặng lòng với điệu hát Ví, hát Rang

Hát Ví, hát Rang được ví như món ăn tinh thần mộc mạc của người dân tộc Mường ở Tân Sơn, Phú Thọ. Nghệ nhân Hà Thị Tiên (SN 1967), Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ dân gian xã Kiệt Sơn đã dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của 2 điệu hát dân gian này.

 CLB Văn nghệ dân gian xã Kiệt Sơn đã dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của 2 điệu hát dân gian,

CLB Văn nghệ dân gian xã Kiệt Sơn đã dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của 2 điệu hát dân gian,

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát Ví, hát Rang của đồng bào dân tộc Mường, khi còn nhỏ nghệ nhân Hà Thị Tiên thường được ông bà ngoại hát ru bằng những câu Ví, câu Rang mộc mạc nhưng đầy ắp tình cảm. Chính những lời hát ru, những điệu múa mềm mại ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu quê hương suốt thời thơ ấu của chị Tiên, lớn dần theo năm tháng cho đến tận bây giờ.

Nghệ nhân Hà Thị Tiên - Chủ nhiệm CLB Văn nghệ dân gian xã Kiệt Sơn

Nghệ nhân Hà Thị Tiên - Chủ nhiệm CLB Văn nghệ dân gian xã Kiệt Sơn

Chị Tiên cho biết, dân tộc Mường có các loại hình dân ca rất độc đáo như hát Rang, hát Ví, hát Ru em. Hát Ví, hát Rang xuất phát từ bộ sử thi "Đẻ đất, đẻ nước"- câu chuyện từ thuở sơ khai đến khi bản Mường ấm no được kể lại bằng những câu từ dễ nhớ, dễ thuộc. Chính câu từ, nhịp điệu đó đã được truyền miệng để rồi cất lên thành tiếng hát câu ca vang vọng đến ngày nay. Điệu hát Ví, hát Rang luôn được đồng bào trân trọng gìn giữ.

Hát Rang còn có 2 loại đó là Rang "thường" và Rang "than".

Rang "thường" là lối hát giao duyên trữ tình, tiếng hát mộc mạc đằm thắm, mang tính chất vui tươi, chúc tụng ngợi ca, mời chào như mời trầu, mời uống rượu, mời nước.

Rang "than" gọi vía lúa, về nhà mới. Đó là câu hát có tính tự sự, sâu lắng đậm chút than vãn, mượt mà sâu sắc.

Hát ví cũng có 2 thể loại đó là hát ví cổ bằng tiếng Mường gốc và hát Ví cải biên. Hát Ví cải biên thì hát cho mọi người dễ hiểu, dễ nghe và thường hát vào dịp lễ hội, tết, cưới xin, về nhà mới,… Nhạc cụ đệm gồm có trống, sáo, cò ke.

Ngày nay nhiều bạn trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội mà bỏ quên những điệu múa, những câu hát Ví, hát Rang bản sắc của dân tộc mình.

Chị Tiên trăn trở suy nghĩ làm thế nào để bảo tồn và gìn giữ những nét đẹp văn hóa của địa phương. Chị đã tìm hiểu và sưu tầm để khôi phục và phát huy giá trị những lời ca, phong tục tập quán của người Mường và trao truyền cho thế hệ trẻ những kinh nghiệm của mình để gìn giữ những điệu múa, câu hát.

Điệu hát Ví, hát Rang luôn được đồng bào trân trọng gìn giữ

Điệu hát Ví, hát Rang luôn được đồng bào trân trọng gìn giữ

Được sự quan tâm của Trung tâm văn hóa huyện Tân Sơn và chính quyền địa phương, chị Tiên đã đứng ra thành lập CLB văn nghệ dân gian xã Kiệt Sơn với 25 thành viên.

"Chúng tôi luyện tập để tham gia các cuộc thi văn nghệ dân gian và được các cấp ngành quan tâm hỗ trợ nhạc cụ, chiêng, các vật dụng, trang phục để trình diễn, giao lưu và truyền dạy. Từ ngày thành lập CLB chị em được khoác trên mình bộ đồng phục của dân tộc Mường để tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ trong các dịp lễ hội, tết hay tham gia các cuộc thi để giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc Mường. Được khoe bản sắc của địa phương mình với nhiều người, chúng tôi hạnh phúc lắm"- chị Tiên chia sẻ.

Chị Tiên (áo hồng ở giữa) và các thành viên trong một buổi họp mặt

Chị Tiên (áo hồng ở giữa) và các thành viên trong một buổi họp mặt

Tự hào hơn nữa, chị đã dẫn dắt CLB tham gia phục vụ các lễ hội Đền Hùng hàng năm và giao lưu ở tỉnh bạn. Vừa qua, CLB cũng kết hợp với xã Kim Thượng tham gia thi hát Ví, hát Rang đạt giải Nhất huyện Tân Sơn, giải Nhất tỉnh Phú Thọ.

Tuy vậy, chị Tiên cũng cho biết những khó khăn trong quá trình bảo tồn, phát huy, truyền dạy điệu hát Ví, hát Rang như: Các loại hình dân ca người Mường hầu như không lưu truyền bằng chữ viết mà chỉ truyền miệng từ đời này sang đời khác, cho nên phải cần những người có năng khiếu và trí nhớ tốt. Các nghệ nhân tự soạn bài và ghi chép lời, có bài phải tự sáng tác cho phù hợp từng lứa tuổi để dễ truyền đạt hơn. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động của CLB không có, các thành viên phải tự túc khi tham gia giao lưu các chương trình văn hóa, văn nghệ.

CLB đã sáng tạo nhiều hình thức biểu diễn

CLB đã sáng tạo nhiều hình thức biểu diễn

Mặc dù còn khó khăn, nhưng với đam mê, nhiệt huyết với văn hóa dân tộc Mường, chị Tiên vẫn miệt mài duy trì hoạt động của CLB và tìm mọi phương pháp để truyền dạy hát Ví, hát Rang tới thế hệ trẻ.

Thông qua chương trình giáo dục địa phương theo hình thức tích hợp trong các môn học và những buổi ngoại khóa ở các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện Tân Sơn và Thanh Sơn, chị Tiên đã truyền dạy cho rất nhiều lứa học sinh những điệu múa, câu hát. Chị đã dạy cho trẻ những nét văn hóa của người Mường như: chạm ống, chạm đuống, diễn xướng cồng chiêng, múa khăn, múa ống, múa sạp... để các em có thể biết thêm về trang phục, các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc, phong tục tập quán, lễ hội.

CLB cũng kết hợp với xã Kim Thượng tham gia thi hát Ví, hát Rang đạt giải Nhất huyện Tân Sơn, giải Nhất tỉnh Phú Thọ

CLB cũng kết hợp với xã Kim Thượng tham gia thi hát Ví, hát Rang đạt giải Nhất huyện Tân Sơn, giải Nhất tỉnh Phú Thọ

Không chỉ truyền dạy cho thế hệ trẻ, chị còn tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào Mường ở địa phương như: cúng cầu mùa, cúng vía người già, cúng mụ trẻ nhỏ, cúng thần linh và các trò chơi dân gian...

Ngoài việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, hàng năm chị còn tích cực truyền dạy cho các CLB Người cao tuổi, Chi hội phụ nữ các xã và học viên thông qua các lớp tập huấn. Chị đã góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động bà con nhân dân gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mường.

Với những thành tích và sự tâm huyết trong việc bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa bản sắc của dân tộc của mình, chị Hà Thị Tiên nhiều năm liền được huyện Tân Sơn và xã Kiệt Sơn biểu dương, khen thưởng.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-phu-nu-muong-nang-long-voi-dieu-hat-vi-hat-rang-20240907154701199.htm