Ánh sáng trong ta – Giải mã nỗi sợ hãi Kỳ 2: Sức mạnh là thứ nằm ở mặt trái của nỗi sợ hãi
Đối với nhiều người, nỗi sợ hãi có thể là một di sản nặng nề được truyền qua nhiều thế hệ, và chúng ta cần rất nhiều nỗ lực để chống lại cũng như gạt bỏ nó.
Hãy bước ra ngoài với một chút sợ hãi…
Khi còn là một cô bé, tôi thường hoảng sợ trước các cơn dông bão dữ dội quét qua Chicago vào những buổi tối mùa hè ẩm ướt. Những lúc đó cha tôi sẽ ôm lấy tôi và giảng giải về cơ chế của các hiện tượng thời tiết đang diễn ra. Cha chưa bao giờ bắt tôi phải vượt qua nỗi sợ hãi của mình, và ông cũng không coi nỗi sợ đó là điều phi lý hay ngu ngốc. Ông chỉ đưa ra những kiến thức có cơ sở như một phương tiện để giảm bớt mối đe dọa và trao cho tôi các công cụ để giữ bản thân an toàn.
Trong khi đó, mẹ tôi đã làm gương cho tôi khi bà luôn thể hiện sự khéo léo và điềm tĩnh trước hầu hết mọi thứ mà tôi thấy đáng sợ. Bà quét những con nhện ghê rợn ra khỏi nhà chúng tôi. Bà xua đuổi những con chó hung dữ lao ra khỏi hiên nhà của gia đình Mendoza bất cứ khi nào chúng tôi đi ngang qua đó.
Anh Craig và tôi lớn lên với rất nhiều mối đe dọa hiện hữu xung quanh. Vùng South Side của Chicago không phải là một chương trình truyền hình Mỹ Sesame Street (Phố Vừng vui nhộn). Chúng tôi biết nên tránh đi xuống một số khu phố nguy hiểm. Chúng tôi đã mất hàng xóm vì hỏa hoạn. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều người bị đuổi ra khỏi nhà khi các khoản nợ của họ tăng lên nhưng tiền lương của họ thì vẫn như cũ.
Nhiệm vụ của cha mẹ là cho chúng tôi thấy mình có sức mạnh và sự tự tin. Chẳng hạn như khi tôi sợ chết điếng vào những lần đầu tự đi bộ đến trường thì mẹ tôi vẫn khăng khăng đã đến lúc tôi phải học cách đi một mình. Thời điểm đó tôi chỉ mới năm tuổi và đang học mẫu giáo nhưng đã đủ lớn để nghĩ rằng mẹ tôi hẳn đã mất trí. Bà thật sự tin rằng tôi có thể đi bộ đến trường một mình sao?

Đối với nhiều người, nỗi sợ hãi có thể là một di sản nặng nề được truyền qua nhiều thế hệ, và chúng ta cần rất nhiều nỗ lực để chống lại cũng như gạt bỏ nó.
Nhưng đúng là mẹ tôi tin điều đó. Bà hiểu tầm quan trọng của việc gạt bỏ nỗi sợ hãi của bà sang một bên và cho phép tôi phát huy sức mạnh của chính mình, ngay cả khi tôi chỉ là một học sinh mẫu giáo. Vì mẹ tin tưởng tôi nên tôi cũng tin tưởng bản thân mình. Dù sợ hãi nhưng tôi cảm thấy tự hào và độc lập, điều này đã trở thành nền tảng quan trọng trong việc hình thành tính cách tự lập của tôi.
Tôi nhớ từng bước chân khó nhọc mà tôi đã thực hiện trong hành trình đi học dài một-dãy-nhà-cộng-thêm-một-nửa-dãy-nhà đầu tiên đó của tôi. Tôi cũng nhớ rất rõ nụ cười trên khuôn mặt mẹ khi thấy tôi chạy nước rút trên đoạn cuối của hành trình về nhà.
Bà đã đứng đợi tôi ở bãi cỏ trước nhà với cái cổ nghểnh lên để nhìn thấy tôi đang vòng qua góc đường vào khu nhà của chúng tôi. Có thể thấy bà cũng hơi lo lắng khi để tôi đi một mình và rõ ràng là bà cũng có chút lo sợ.
Nhưng nỗi sợ hãi đã không ngăn cản được bà. Và bây giờ nó cũng không ngăn cản được tôi. Bài học này đã ảnh hưởng đến cách tôi nuôi dạy hai cô con gái của tôi. Vậy nên thay vì bảo vệ con quá mức, tôi đã cố gắng noi gương mẹ tôi. Tôi nhìn chúng bước đi và đợi chúng quay về, ngay cả khi thần kinh của tôi căng thẳng và tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Bởi vì mẹ tôi đã cho tôi thấy rằng nếu cố gắng che chắn con mình khỏi nỗi sợ hãi thì về cơ bản tôi cũng đang cản trở chúng phát triển sức mạnh của chúng.
Hãy bước ra ngoài với một chút sợ hãi rồi trở về nhà với đầy sức mạnh và lòng can đảm. Đó là quy ước của riêng chúng tôi tại ngôi nhà số 7436 trên Đại lộ Euclid. Đó là triết lý mà tôi đã cố gắng truyền lại cho các con tôi, ngay cả khi tôi tiếp tục gánh trên vai những nỗi lo đầy ắp và dai dẳng của riêng mình. Tôi giữ cho bản thân sợ hãi một cách thoải mái.
Học cách chế ngự điều gì đó bên trong mình
Lúc nhỏ, anh Craig và tôi thường mở ti-vi xem diễn viên đóng thế Evel Knievel thực hiện các pha mạo hiểm bằng mô tô. Anh ấy thực hiện những pha nguy hiểm như cố nhảy mô tô của mình qua hàng ô tô và xe buýt Greyhound đang đỗ, hoặc cố phóng qua một hẻm núi cao phía trên một con sông ở Idaho. Anh ấy dại dột nhưng cũng đầy quyến rũ. Evel Knievel đã thực hiện thành công một số cú nhảy của mình nhưng cũng thất bại trong một vài pha mạo hiểm khác. Anh ấy bị gãy rất nhiều xương và chịu nhiều chấn thương nặng, đôi khi còn bị chính chiếc mô tô của mình cán qua, nhưng anh luôn cố gắng khập khiễng bước đi. Chúng tôi cứ theo dõi người đàn ông đó cùng chiếc Harley-Davidson to lớn và nặng nề của anh ấy khởi động và cố gắng bay lên trong không trung.
Tôi đã có một chút cảm giác tương tự vào năm 2007, sau khi tôi đồng ý để Barack tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống – giống như đột nhiên chúng tôi bay lên không trung trên một chiếc mô tô, bất chấp các định luật về trọng lực và sức hút thông thường.
Người ta thường dùng từ “khởi động” khi nói đến một chiến dịch chính trị, và bây giờ tôi đã hiểu lý do. Cụm từ này mô tả chính xác cảm giác khi tham gia chiến dịch tranh cử, giống như một chiếc mô tô khởi động và nhanh chóng tăng tốc lao vào không trung. Trên đoạn đường nối ngắn và dốc, bạn và những người thân yêu của bạn đột ngột lao vút đi, nhoài ra khỏi xe, phóng người về phía trước, bay vọt lên không theo một cách cố tình gây giật gân và thu hút sự chú ý của công chúng.
Đối với tôi, đó là sự vô định ở một mức độ hoàn toàn mới. Xét cho cùng, tôi là di sản của cha mẹ và ông bà tôi, nghĩa là tôi không phải kiểu người thích thực hiện những bước nhảy vọt hay bay lượn mà là một người thận trọng bước từng bước một. Giống như bất cứ ai thể hiện rõ nét tính cách của cung Ma Kết, tôi muốn biết rõ phương hướng trước khi thực hiện bất cứ hành động nào tiếp theo. Tuy nhiên, thật khó mà xác định được phương hướng khi đang ở tầm cao đó trong một cuộc chạy đua nước rút đến chiếc ghế tổng thống. Cuộc đua diễn ra với tốc độ quá nhanh, ở độ cao quá chóng mặt và với độ rủi ro quá lớn. Chưa kể đến việc chúng tôi đã kéo theo hai cô con gái của mình lên chiếc mô tô bay điên rồ đó.

Cuốn sách "Ánh sáng trong ta" (The Light We Carry) của Michelle Obama
Thời gian tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống đã giúp tôi trở nên quen thuộc hơn với tâm trí sợ hãi của mình, phần tâm trí luôn chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ không bao giờ hoặc không thể thành công. Hết lần này đến lần khác, tôi phải tự nhủ rằng mình không được tin vào những suy nghĩ tiêu cực. Vì tôi biết chính xác chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi tin vào những điều đó: tinh thần của tôi sẽ suy sụp; niềm tin của tôi sẽ biến mất; trí não của tôi sẽ cho rằng mọi thứ đều bất khả thi, và đó là lúc tôi bắt đầu rơi xuống.
Tôi sẽ nhìn xuống từ độ cao choáng ngợp và siêu thực trên chiếc mô tô đang lao vút vào không trung, tôi sẽ phát hiện chính xác nơi chúng tôi sẽ đâm đầu xuống, và rồi chúng tôi sẽ rơi. Tôi đã có thể khiến chiến dịch tranh cử thất bại chỉ bằng những suy nghĩ đó của mình.
Đây là điều mà chúng ta cần nhận ra: sự nghi ngờ xuất phát từ bên trong. Tâm trí sợ hãi của bạn hầu như luôn cố gắng giành lấy tay lái và thay đổi hướng đi của bạn. Nhiệm vụ của nó là đưa ra các tình huống xấu nhất, khiến bạn sợ hãi không dám theo đuổi cơ hội và làm suy yếu khát vọng của bạn. Nó thích thú khi gây ra cho bạn cảm giác choáng ngợp và nghi ngờ. Vì sau đó rất có thể bạn sẽ ở yên trong nhà trên chiếc sofa quen thuộc, ngoan ngoãn và thụ động, không hề gặp chút rủi ro nào. Điều đó có nghĩa là nếu muốn vượt qua nỗi sợ hãi, hầu như bạn luôn phải đối mặt với một phần con người bạn.
Đối với tôi, đây là một khía cạnh quan trọng để giải mã nỗi sợ: bạn phải học cách xác định và sau đó chế ngự điều gì đó bên trong mình. Bạn phải luyện tập để vượt qua những nỗi sợ hãi đó. Càng luyện tập, bạn càng cải thiện được khả năng đối phó với nó. Mỗi cú nhảy tôi thực hiện đều làm cho cú nhảy tiếp theo trở nên dễ dàng hơn.
Theo "Ánh sáng trong ta" (The Light We Carry) của Michelle Obama.