Ánh sáng 'vệ tinh'

Chủ trương kết nối từ các bệnh viện tuyến Trung ương đến cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện trong những năm qua đang 'thắp lên' cơ hội sống, bình phục cho người bệnh ở tỉnh vùng cao Lào Cai, giúp thêm nhiều gia đình đón mùa xuân mới hạnh phúc, đoàn viên. Nhiều người trong ngành y đã ví các bệnh viện vệ tinh vốn le lói giờ đã tỏa ánh sáng lấp lánh.

Hồi sinh những mầm non yếu ớt

Mùa xuân này với gia đình chị Đặng Phương Thảo (bản Nà Đình, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên) tràn đầy hạnh phúc bởi con trai của chị đã mạnh mẽ vượt qua hành trình kỳ diệu của sự sống. Con chị là trẻ sơ sinh non tháng, trọng lượng chưa đầy 1 kg nhưng nhờ sự tiến bộ của ngành y tế, Tết này bé tròn 6 tháng tuổi, khỏe mạnh, lanh lợi như đứa trẻ bình thường, cùng người thân đón Tết Nguyên đán đầu tiên trong tình yêu thương vô tận.

Ánh sáng “vệ tinh” tạo nên nhiều kỳ tích, mang niềm vui đến với người bệnh.

Ánh sáng “vệ tinh” tạo nên nhiều kỳ tích, mang niềm vui đến với người bệnh.

Hôm chúng tôi tìm gặp, ôm đứa con trai bụ bẫm, kháu khỉnh trên tay, chị Thảo vẫn giữ nguyên niềm xúc động. Chị bùi ngùi: “Mỗi khi ôm con vào lòng, tôi lại trào dâng hạnh phúc và biết ơn các bác sỹ, cán bộ bệnh viện vô cùng. Sau này tôi sẽ kể câu chuyện cho con trai nghe về sự kỳ diệu của y học, sự cố gắng của cán bộ, bác sỹ Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Với gia đình tôi thì cán bộ, bác sỹ là những “ông bụt, bà tiên khoác áo blouse”.

Chị Thảo quyết định đặt tên con là Hoàng Mong với hy vọng con luôn được che chở, khỏe mạnh và gặp những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Chị cũng nhớ lại sự lo lắng của cả gia đình vào ngày chị chuyển dạ, khi ấy chưa được 7 tháng thai nghén, thậm chí gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho trường hợp xấu nhất. Ca sinh nở tuy thuận lợi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên nhưng con chị chỉ nặng 900 g. Chuyến xe cấp cứu nhanh chóng đưa hai mẹ con chị Thảo tới Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Khi đến nơi, cháu Hoàng Mong đã có biểu hiện tím tái toàn thân, hơi thở ngắt quãng. Bằng kiến thức chuyên môn vững vàng, các bác sỹ, điều dưỡng tại Khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi đã cứu sống Hoàng Mong một cách thần kỳ.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền, người trực tiếp điều trị cho bé Hoàng Mong trong ngày đầu lọt lòng chia sẻ: “Tôi tham gia nhiều ca cấp cứu bé sinh thiếu tháng nhưng thật hiếm trường hợp nào nhỏ như con chị Thảo. Tôi đón bé nằm gọn trong lòng hai bàn tay, hơi thở thoi thóp, vừa thực hiện các thao tác chuyên môn vừa cầu mong điều kỳ diệu đến với bé”.

Bác sỹ Hiền còn thông tin thêm, trẻ sinh non tháng có rất nhiều nguy cơ nhưng nếu được điều trị kịp thời, chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách thì cháu vẫn phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.

Năm 2015, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai được Bộ Y tế phê duyệt tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020, trở thành đầu mối của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương. Những bác sỹ của Khoa Hồi sức Sơ sinh được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật bơm Surfactant cho trẻ sinh non tháng mắc bệnh màng trong - một trong những kỹ thuật y tế rất phức tạp nhưng vô cùng quan trọng và mang tính quyết định đến việc cứu sống trẻ sinh non tháng, nhất là những trường hợp trẻ rơi vào trạng thái bị suy hô hấp cấp trong 24 giờ đầu sau sinh. Các bác sỹ cũng được bồi dưỡng các kỹ năng cấp cứu hồi sức cho trẻ sơ sinh, chăm sóc trẻ non tháng, nhẹ cân… Đề án bệnh viện vệ tinh đã giúp cán bộ y tế của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh được tiếp thêm kinh nghiệm, nghị lực và sức mạnh để hồi sinh những mầm non yếu ớt.

Soi sáng vùng biên

Năm 2016, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương được lựa chọn là bệnh viện vệ tinh tuyến huyện đầu tiên của cả nước khi được tiếp nhận việc chuyển giao các kỹ thuật cao từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương đã được tiếp nhận gần 20 danh mục kỹ thuật cao, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của bệnh viện.

Chúng tôi gặp bác sỹ Đặng Văn Lợi, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương khi anh vừa hoàn thành ca phẫu thuật phức tạp cho bệnh nhân 14 tuổi bị gãy lồi cầu xương đùi. Mùa đông vùng cao lạnh giá nhưng những giọt mồ hôi vẫn lấm tấm trên trán bác sỹ bởi sự tập trung cao độ cho ca phẫu thuật. Ca mổ thành công, mẹ bệnh nhân là người dân tộc Mông nắm chặt tay bác sỹ Lợi trong niềm xúc động. Bà bảo, điều mừng hơn là không phải chuyển con trai lên tuyến trên, vì nếu chuyển đi đồng nghĩa với những khó khăn trong gia đình về nhân lực, điều kiện kinh tế và quãng đường di chuyển. Điều trị ở bệnh viện huyện còn có họ hàng gần xa tới động viên, có cơ hội mang lương thực, thực phẩm tới bệnh viện nấu nhờ để trông con.

Bác sỹ Lợi là người con của huyện vùng cao Mường Khương. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên năm 2005, anh trở về phục vụ quê hương. Bác sỹ Lợi tâm sự: “Trước đây, những ca bệnh phức tạp, bệnh nhân thường phải chuyển tuyến, nếu chấn thương gây mất máu nhiều thì khó bảo toàn sự sống trong quá trình di chuyển. Từ khi được đào tạo chuyển giao kỹ thuật cao trực tiếp từ những giáo sư của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tôi và đồng nghiệp trong bệnh viện đã tự tin, vững tay nghề hơn để có thể độc lập tiến hành những ca mổ phức tạp cứu sống người bệnh, những trường hợp cấp cứu ngoại khoa”.

Trong trí nhớ rõ nhất của bác sỹ Lợi là lần anh tham gia cấp cứu bệnh nhân Hảng Seo Sài (xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương). Bệnh nhân đến viện trong tình trạng nguy kịch, bị sốc mất máu do vật sắc nhọn xiên qua gan, làm đứt cổ túi mật và tổn thương hành tá tràng. Trong ngoại khoa, đây là ca tổn thương rất nặng, các bác sỹ hội chẩn nhanh và đi tới nhận định: Nếu không cứu chữa, phẫu thuật ngay mà chuyển tuyến thì bệnh nhân sẽ “thập tử nhất sinh”. Quyết định được đưa ra, bác sỹ Lợi là người chủ trì ca phẫu thuật kéo dài 3 tiếng và đã thành công.

Với bệnh viện tuyến huyện và ở vùng cao như Mường Khương, theo bác sỹ Lợi thì sau chuyên môn, tài sản quý giá nhất trong sự nghiệp của cán bộ ngành y là tình người, điều mà anh luôn cảm nhận rất rõ từ bệnh nhân và những người thân của họ khi tới cơ sở y tế. “Tết Nguyên đán thường là dịp bà con cảm ơn bác sỹ. Bà con biếu chúng tôi bánh chưng đen, cân thịt, cân gạo nếp, mời đến gia đình ăn bữa cơm sum họp… Sự chân thành của người dân vùng cao khiến chúng tôi ấm lòng, thêm yêu nghề hơn”, bác sỹ Lợi bộc bạch.

Tình yêu nghề của những người thầy thuốc đã được chắp cánh, soi sáng bởi Đề án bệnh viện vệ tinh. Rất nhiều lượt bác sỹ của 5 bệnh viện trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận, chuyển giao hàng chục kỹ thuật cao từ các bệnh viện hạt nhân như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… Tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến giảm 50% so với giai đoạn trước, trong đó có rất nhiều kỹ thuật phức tạp với tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm về 0% là minh chứng cho sự nỗ lực của các y sỹ, bác sỹ, tạo nên sự phát triển vượt bậc của ngành y tế tỉnh Lào Cai. Hiệu ứng nhân văn của Đề án bệnh viện vệ tinh sẽ còn lan tỏa xa hơn nữa, giúp người dân ở vùng cao Lào Cai có cơ hội thụ hưởng thêm những dịch vụ y tế chuyên sâu ngay tại quê nhà.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/khoa-hoc-va-doi-song/anh-sang-ve-tinh-z13n20200109115911987.htm