Anh sẽ tổ chức tổng tuyển cử sớm?

Mới đây, Lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử, sau khi 3 nghị sĩ của đảng Bảo thủ cầm quyền từ chức, liên quan đến cuộc điều tra về bê bối tổ chức tiệc tùng trong lúc nước Anh phong tỏa vì Covid-19 vào năm ngoái.

Vòng xoáy hỗn loạn mới

Trên Twitter, ông Starmer cho rằng đã đến lúc Thủ tướng Anh Rishi Sunak chứng minh sự can đảm. Ông yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm và “để người dân lên tiếng về 13 năm thất bại của đảng Bảo thủ”. Thủ tướng Sunak từng được kỳ vọng sẽ mang lại ổn định nhất định cho đảng Bảo thủ khi đảm nhận vị trí lãnh đạo đảng và Thủ tướng vào mùa Thu năm ngoái sau nhiều tháng hỗn loạn. Song đảng Bảo thủ lại đang rơi vào vòng xoáy hỗn loạn mới, bắt nguồn từ động thái mới đây của cựu Thủ tướng Boris Johnson.

Lãnh đạo Công đảng Anh, ông Keir Starmer mới đây yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử. Nguồn: Andy Bailey/UK Parliament

Lãnh đạo Công đảng Anh, ông Keir Starmer mới đây yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử. Nguồn: Andy Bailey/UK Parliament

Ông Johnson vướng mắc với Chính phủ và một Ủy ban của Hạ viện trong nhiều tuần liên quan đến cuộc điều tra về việc ông vi phạm các hạn chế Covid-19 và yêu cầu xuất trình tài liệu cho cuộc điều tra công khai về cách xử lý đại dịch của Chính phủ. Căng thẳng bùng lên vào ngày 9.6 khi ông Johnson đột ngột tuyên bố từ chức nghị sĩ tại Hạ viện. Thông báo của ông diễn ra trước báo cáo của Ủy ban, dự kiến sẽ kết luận rằng ông đã nói dối Quốc hội về các vi phạm, đồng thời kêu gọi đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông.

Trong tuyên bố dài của mình, ông Johnson đả kích cuộc điều tra của Ủy ban, gọi đó là “cuộc săn phù thủy”, “âm mưu chính trị”, “sặc mùi định kiến và nhiều điểm không chính xác”, cũng như nỗ lực trừng phạt ông nhằm trả thù vụ Brexit và muốn đảo ngược kết quả trưng cầu dân ý năm 2016. “Mục đích của họ ngay từ đầu là kết tội tôi, bất kể sự thật ra sao”, “quyết tâm sử dụng các thủ tục tố tụng chống lại tôi, để đuổi tôi ra khỏi Hạ viện”, ông nói. Ông cũng chỉ trích Thủ tướng đương nhiệm Sunak là đã lãng phí phần lớn những gì ông giành được vào năm 2019, bằng cách đi chệch khỏi các nguyên tắc cơ bản của đảng Bảo thủ như giảm thuế và theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do.

“Khi tôi rời nhiệm sở vào năm ngoái, Chính phủ chỉ kém một số điểm trong các cuộc thăm dò. Khoảng cách đó hiện đã được mở rộng nhanh chóng”, vì vậy “đảng Bảo thủ cần khẩn trương lấy lại động lực và niềm tin vào những gì đất nước có thể làm được”, ông nhấn mạnh. Cựu Thủ tướng Anh cũng ám chỉ, ông có thể sẽ sớm trở lại Quốc hội và bỏ ngỏ khả năng tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Phe Bảo thủ đau đầu

Sự ra đi đột ngột của ông Johnson sẽ khiến Thủ tướng Sunak và đảng Bảo thủ phải đau đầu, vốn đang kém xa Công đảng trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Cuối tuần trước, hai nghị sĩ đảng Bảo thủ khác là ông Nigel Adams và bà Nadine Dorries, cả hai đều rất thân cận với ông Johnson - cũng tuyên bố rút lui khỏi Hạ viện.

Làn sóng từ chức mới nhất gây thêm rắc rối cho Thủ tướng Rishi Sunak, người mới nắm quyền được 8 tháng, khi mà giờ đây ông phải chuẩn bị cho các cuộc bầu cử phụ sắp diễn ra ở 3 khu vực bầu cử và đối mặt với viễn cảnh thua Công đảng hoặc đảng Dân chủ Tự do, cả hai đều từng rất thành công trong các cuộc bầu cử địa phương gần đây. Cụ thể là, trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 5, đảng Bảo thủ đã mất 48 hội đồng và mất ròng 1.061 ủy viên hội đồng, trong khi Công đảng hiện là đảng lớn nhất của chính quyền địa phương, lần đầu tiên giành lấy danh hiệu từ đảng Bảo thủ kể từ năm 2002. Mặc dù, việc mất cả ba ghế Hạ viện mới nhất sẽ không gây nguy hiểm cho phe Bảo thủ chiếm đa số trong Hạ viện, song nó sẽ tạo động lực cho phe đối lập vươn lên dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào cuối năm tới.

Ở xứ sở sương mù, các cuộc tổng tuyển cử phải được tổ chức cách nhau không quá 5 năm, bất kể có bao nhiêu Thủ tướng trong thời gian đó. Theo luật, nhiệm kỳ tối đa của Quốc hội là 5 năm kể từ ngày họp lần đầu. Quốc hội Anh hiện tại họp lần đầu vào ngày 17.12.2019. Vì vậy, nó sẽ tự động giải tán vào 17.12.2024, trừ khi bị Nhà Vua giải tán trước đó. Theo gov.uk, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra sau đó 25 ngày. Sau khi Luật Quốc hội có thời hạn bị bãi bỏ, quyền giải tán Quốc hội được trao lại cho Nhà Vua theo lời khuyên hoặc yêu cầu của Thủ tướng, thay vì được thực hiện bởi đa số 2/3 trong Quốc hội.

Tình trạng hỗn loạn hiện nay khơi lại những căng thẳng nội bộ đảng khiến những người trung thành với ông Johnson phản đối Thủ tướng đương nhiệm. Nhiều người ở phe ông Johnson từng bất bình với ông Sunak vì cho rằng, ông đóng vai trò quan trọng khiến ông Johnson phải từ chức. Họ đa phần giữ im lặng trong những tháng gần đây, nhưng việc ông Johnson ra khỏi Hạ viện và “cuộc chiến” của ông với Ủy ban Hạ viện đã làm dấy lên nhiều căng thẳng mới. Năm 2022, cảnh sát Anh phạt tiền ông Johnson vì tham gia một cuộc tụ họp ở phố Downing trong thời gian nước Anh phong tỏa vì Covid-19. Sự việc khiến ông Johnson trở thành Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Anh bị kết tội vi phạm pháp luật. Sau khi vụ việc bị phanh phui, ông Johnson nhận nhiều chỉ trích. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ông từ chức Thủ tướng Anh vào tháng 7.2022.

Liệu có khả năng bầu cử sớm?

Hiện nay, theo giới phân tích, mặc dù Thủ tướng Rishi Sunak có thể yêu cầu Nhà vua giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử, song ông khó có thể làm như vậy, trừ khi tin rằng điều đó sẽ giúp củng cố vị trí của mình hoặc giúp ích cho đảng Bảo thủ. Đảng Bảo thủ đang tụt lại phía sau trong các cuộc thăm dò, nên rất khó có khả năng ông Sunak sẽ chọn kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trước năm 2024, vì ông sẽ thu được rất ít lợi ích từ việc làm đó. Nhiều nhà quan sát dự đoán, Công đảng có khả năng trở thành đảng lớn nhất và có thể giành được đa số tổng thể khi cuộc bầu cử tiếp theo được tổ chức.

Một cuộc bỏ phiếu sớm cũng có thể được kích hoạt nếu các nghị sĩ thông qua kiến nghị bất tín nhiệm đối với Chính phủ theo đa số đơn giản, mặc dù vậy điều này khó xảy ra vì đảng Bảo thủ đang chiếm đa số trong Hạ viện và ngay cả những đảng viên bất bình nhất của phe bảo thủ cũng không muốn hạ bệ toàn bộ Chính phủ. Ngoài ra, về mặt lý thuyết, Nhà Vua cũng có thể giải tán Quốc hội và kêu gọi tổng tuyển cử mà không cần sự cho phép của Thủ tướng, nhưng hiếm khi quyền lực đó được sử dụng. Chưa hết, cuộc chiến công khai giữa các phe phái trong đảng Bảo thủ cũng bất lợi cho việc tiến hành chiến dịch bầu cử. Phố Downing đặt hy vọng vào khả lạm phát chững lại và sự phục hồi kinh tế rộng hơn vào tháng 10 tới để nắm trong tay lợi thế, do vậy khả năng kêu gọi bầu cử sớm lại càng nhỏ.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/anh-se-to-chuc-tong-tuyen-cu-som-i332306/