Ánh thép U Minh
Tôi thực sự ngỡ ngàng, xúc động và cảm phục khi lần đầu tiên đến Khu Du lịch sinh thái Làng rừng Cà Mau (ECO), ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Làng rừng là sự kiện độc đáo của Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau trước ngày Ðồng khởi 1960, thế kỷ XX. Làng rừng thể hiện tinh thần quật khởi, là thái độ bất khuất trước quân thù tàn bạo với ý chí 'Thà hy sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!'. Nơi đây đã được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
Trên 60 năm, Làng rừng được phục dựng một cách kỳ công. Nếu Ðịa đạo Củ Chi là sự kiện oai hùng của quân, dân Củ Chi thì Làng rừng Cà Mau là ánh thép quật khởi của quân, dân Cà Mau kiên cường.
Bước vào Khu Du lịch sinh thái Làng rừng Vồ Dơi, mọi người có thể hình dung một Cà Mau thu nhỏ từ thời xa xưa bởi một số hiện vật trưng bày như nông cụ cầm tay gồm: cuốc, thuổng, vá, phảng, cù nèo, nọc cấy, lưỡi cày, vòng gặt và dụng cụ dệt chiếu, dệt vải, quay tơ, chằm nón, cối xay lúa, cối giã gạo, thúng, rổ, sàng, giần, nia, sịa, quạt, gào múc nước bằng cà bắp...
Phía sau những gian nhà hàng là một hồ nước rộng, tiếp theo là hệ thống kênh mương và rừng tràm. Hình ảnh đầu tiên tác động đến người xem là 2 chiếc xuồng chèo có mui. Du khách có thể xuống xuồng, chèo dọc theo con kênh hai bên rợp bóng dừa. Vào đầu năm 1955 đến đầu năm 1957, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy ở lại chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam thường di chuyển trên những chiếc xuồng có mui như thế này. Nơi cơ quan Xứ ủy đứng chân chỉ đạo từ các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước, Ngọc Hiển.
Bước qua cây cầu đặc trưng khi tiến đến Làng rừng, du khách trông thấy bức ảnh khu vực rừng tràm. Thời xa xưa, đại ngàn U Minh là “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Nơi đây lớp lớp cây rừng phủ kín mặt đất như mốp, bời lời, cây trâm, bí bái, tai tượng; đặc biệt là cây mật cật, lá xanh như muôn vạn cây dù, che kín mặt trời, giữa trưa âm u mà như chiều tối, dân gian thường gọi u u, minh minh. Có lẽ địa danh U Minh cũng xuất phát từ đó. Quân thù không thể càn vào rừng vì nó quá hiểm trở.
Trước mắt du khách trước khi vào làng rừng là hình ảnh máy chém của thời Ngô Ðình Diệm. Năm 1955, sau khi tiếp quản miền Nam, Mỹ - Diệm tuyên bố không có hiệp thương tổng tuyển cử, chúng xây dựng chính quyền, quân đội và hệ thống đồn bót khắp nơi nhằm khống chế, kềm kẹp và trấn áp phong trào cách mạng của quân, dân ta. Bộ máy cai trị của chúng ngày càng độc tài, phát xít. Khi bị Nhân dân ta chống lại, chúng càng đàn áp man rợ. Chúng lê máy khắp nơi, chặt đầu và hành huyết, tế cờ, mổ mật, moi gan, thủ tiêu và tra trấn, tù đày bất kỳ ai bị chúng quy là cộng sản. Chúng tiến hành các chiến dịch tố cộng, diệt cộng, tuyên bố chiến tranh đơn phương, chuẩn bị tiến công miền Bắc Việt Nam. Ngày 6/5/1959, Mỹ - Diệm ban hành Luật 10/59, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, quyết tiêu diệt bằng được lực lượng ta. Ác độc hơn, chúng buộc gia đình có người thân làm cán bộ phải dời nhà ra ở xung quanh đồn bót để làm hàng rào thịt cho chúng nếu bị ta tiến công. Chúng xây dựng các khu dinh điền, trù mật là những trại tập trung khổng lồ nhằm tách dân ra khỏi Ðảng...
Ðồng chí Lê Duẩn kể rằng, khi Mỹ - Diệm lê máy chém khắp miền Nam, nhiều người ở Cà Mau nói với đồng chí: Nếu Ðảng không lãnh đạo khởi nghĩa thì họ tự khởi nghĩa, không chờ sự lãnh đạo của Ðảng. Ðây là tiền đề để đồng chí khởi thảo Ðề cương cách mạng miền Nam.
Bắt đầu vào Làng rừng, du khách thấy bức ảnh của Bác sĩ Phạm Lai, lúc thanh niên được Chi bộ xã Nguyễn Phích tổ chức đưa vào lực lượng xung kích của địch tại đồn Vàm Cái Tàu để làm nội tuyến. Ngày 26/8/1959, Phạm Lai phối hợp với lực lượng Ðinh Tiên Hoàng tiến công đồn Vàm Cái Tàu. Ta tiêu diệt 7 tên địch, bắt sống 12 tên, thu 57 súng. Ðặc biệt giải thoát hơn 200 gia đình bị địch bắt quy khu, đưa vào rừng, thành lập làng rừng, sống bất hợp pháp với địch và chế tạo vũ khí chống lại chúng. Các nơi khác trong tỉnh cũng lần lượt thành lập các làng rừng trực tiếp chống địch. Hàng chục làng rừng hình thành khắp tỉnh Cà Mau.
Căn chòi đầu tiên được phục dựng là hình ảnh đồng bào ta ăn ở, sinh hoạt tại Làng rừng cách xóm làng cũ hàng chục cây số. Chúng ta có thể thấy bếp nấu cơm rất đơn giản, chỉ đắp đất làm vuông bếp, bên trên cắm 3 khúc tràm nhỏ làm đầu ông táo, 1 thanh tràm kê trên 2 khúc nạng để kho cá, nấu nước. Một cái khạp nhỏ đựng gạo, vài keo nhỏ đựng mắm, muối. Chung quanh là những vật dụng như mùng, chiếu, nóp, vải che mưa...
Căn chòi thứ hai được tái hiện gồm dây choại, sậy bện đăng xây nò, đọt mật cật, dầm, chèo... Ðây là những thứ đồng bào ta tự lao động cải hoạt để có thể bán, lấy tiền mua gạo. Bởi lúc đầu, khi lực lượng còn ít, ta có thể nhờ sự chi viện bên ngoài, nhưng khi người vào ngày càng đông, chi bộ hướng dẫn đồng bào tự túc, tự cấp. Bà con đặt lọp, đặt lờ, đặt trúm, cắm câu, giăng lưới, nhổ bồn bồn, hái rau muống, rau ngổ, đốn chuối nước, hái đọt choại... làm thực phẩm và làm nhiều thứ khác đem bán lấy tiền. Rừng U Minh quá dồi dào rau, cá và rùa, rắn, trăn, trúc (tê tê), cần đước, kỳ đà, chồn, nai, heo rừng, cùng rất nhiều loài chim như giang sen, bồ nông, chàng bè, cò, diệc, vạc, le le, cúm núm, còng cọc... Lung Ngọc Hoàng là nơi lưu trữ hàng ngàn tấn cá vào những mùa khô.
Căn chòi thứ ba có treo tấm bảng viết phấn trắng là lớp học bình dân dành cho các em thiếu nhi và người lớn tuổi chưa biết chữ. Nơi đây còn là nơi hội họp, vui ca, hát hò, nhảy múa. Nhiều người lúc mới vào Làng rừng chưa biết chữ, nhưng sau đó có thể thành cán bộ với trình độ tương đối khá. Làng rừng là chiếc nôi cách mạng, nhiều người được vào các đoàn thể như nông dân, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi... được đào tạo, rèn luyện trở thành cán bộ, chiến sĩ, nhiều người trở thành đoàn viên, đảng viên, chiến sĩ thi đua, anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân...
Căn chòi tiếp theo là trạm y tế. Lúc thành lập Làng rừng, ta chỉ có cứu thương và y tá. Dụng cụ nhìn thấy là xoong nấu y cụ (dao, kéo, pel, ống chích...). Những lọ Penicillin đựng mật ong hấp chín, dùng để thoa lên vết thương trước khi băng, có tác dụng tiệt trùng rất tốt. Ngoài ra, còn có trái dừa non. Nước dừa dùng thay nước biển vì không có đủ nước biển trong điều trị bệnh. Ông Phạm Lai được đào tạo làm y tá, rồi y sĩ, bác sĩ. Ông đã cứu chữa rất nhiều bệnh nhân trong huyện Trần Văn Thời thời kháng chiến.
Một căn chòi rộng, tái hiện các loại công trường sản xuất vũ khí trong Làng rừng. Ðầu tiên chỉ là dao găm, mã tấu; tiếp theo là sạc đạn, chế tạo súng độc lập theo kiểu súng mút của Pháp, Anh, Ðức, Nga và súng ngựa trời, hỏa lôi công, đạp lôi, lựu đạn gài, mìn gạt. Mọi người hết sức khâm phục đồng chí Ba Lò Rèn (Nguyễn Trung Thành), sau này là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Ðồng chí chỉ đạo nghiên cứu chế tạo thành công rất nhiều đạn pháo. Tháng 6/1961, địch cho 3 tàu, trong đó có 2 tàu sắt (tàu mặt dựng) chi viện cho đồn Dinh Ðiền, xã Khánh Lâm, ta dùng đạn pháo SSAL do xưởng đồng chí sản xuất bắn 1 quả, thủng một bên tàu, tàu tắt máy. Chiếc thứ hai cách chiếc thứ nhất 20 m, địch hốt hoảng tắt máy, đầu hàng. Ta thu được 2 tàu địch và rất nhiều vũ khí còn nguyên vẹn...
Lịch sử đã bước sang trang mới, dân tộc ta đã làm nên biết bao chiến công lừng lẫy, trong đó Làng rừng là biểu tượng của tinh thần quật khởi, không biết quỳ gối, cúi đầu trước quân thù có sức mạnh hơn ta gấp vạn lần.
Phía cuối khu Làng rừng xuất hiện hai câu thơ của Truy Phong, khẳng định chân lý tất yếu của tinh thần quyết chiến, quyết thắng:
Sắt thép tinh ròng, binh tướng dữ
Không sao thắng nổi trái tim người!
Trở lại nơi hơn 60 năm trước, quân dân ta đã sống và chiến đấu vô cùng oanh liệt, làm cho chúng ta hết sức tự hào, cảm phục và kính trọng.
Chúng ta quyết xứng đáng hơn nữa đối với những người đã ngã xuống cho hôm nay. Puskin, nhà thơ Nga vĩ đại, có câu nói rất nổi tiếng: “Biết kính trọng quá khứ là đặc điểm phân biệt văn minh với dã man!”.
Ðến nơi đây, không những chúng ta được thưởng ngoạn vùng đất trù phú và con người hiền hòa Cà Mau, chúng ta còn có dịp trở lại quá khứ hào hùng của cha ông mà Làng rừng là biểu tượng sống động nhất, độc đáo nhất của một thời oanh liệt!
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/anh-thep-u-minh-a33438.html