Xúc cảm vẹn nguyên
Từ những ngày đầu tháng 11, cao điểm các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) được diễn ra khắp nơi trong tỉnh Cà Mau. Ðối với những người trong cuộc - chứng nhân của dấu mốc lịch sử ấy lại ùa về bao cảm xúc bồi hồi, nôn nao ngày họp mặt để sống lại hồi ức cách nay 70 năm, ngày lên tàu rời quê hương với niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng mà Ðảng và Bác Hồ đã chọn.
Ra đi với niềm tin, khát vọng thống nhất
Những ngày này, ông Dương Thanh Toàn (Phường 5, TP Cà Mau) lại mang chiếc hộp đựng các huân, huy chương ra lau chùi, rồi sắp xếp ngay ngắn theo thứ tự thời gian, để chuẩn bị đeo lên ngực áo ngày họp mặt trọng đại Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, tại thị trấn Sông Ðốc. Nâng niu báu vật đời binh nghiệp, ông Toàn tự hào kể, ông được 4 vị Chủ tịch nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tôn Ðức Thắng, Trường Chinh và Trần Ðức Lương ký tặng huân, huy chương; Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng Huân chương Chiến thắng hạng Ba; đồng chí Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ, ký tặng Huy hiệu Kháng chiến Nam Bộ.
Miền ký ức thời thanh xuân hiện về qua mái đầu bạc trắng và giọng nói run run. Quê ông Toàn ở Mương Ðiều, huyện Ðầm Dơi, 17 tuổi xung phong vào bộ đội, nhận nhiệm vụ sửa chữa vũ khí. Năm 22 tuổi, ông được lệnh tập kết ra Bắc ở bến Chắc Băng (xã Trí Phải, huyện Thới Bình), để ra tàu Liên Xô đang neo đậu cửa sông Cần Thơ, bắt đầu một chuyến đi dài. “Cán bộ, chiến sĩ, học sinh lên tàu đều được quán triệt đưa 2 ngón tay vẫy chào tạm biệt người thân, đồng bào, với ý nghĩa hẹn 2 năm trở về, ai ngờ mãi tới 21 năm”, ông Toàn nhắc nhớ.
Mỗi năm, cứ đến ngày 12/11 - ngày ông Toàn đặt chân lên con tàu tập kết, ông đều tập hợp các con, cháu lại để kể về những ngày ông sinh sống, học tập và công tác trên đất Bắc, được bà con nơi đây đùm bọc, yêu thương để ông nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Nơi đây cũng là mảnh đất duyên lành để ông Toàn kết vợ chồng cùng cô gái Bắc, có với nhau 5 mặt con.
Ban đầu ông Toàn được học cải cách ruộng đất, nhận nhiệm vụ ở Quân giới Z63 đóng trong rừng tỉnh Tuyên Quang, sau đó đến Công trường 12 để xây dựng Nhà máy Quân giới Z1 tỉnh Yên Bái, ông Toàn được đề bạt làm Tổ trưởng sản xuất, rồi Phó quản đốc Phân xưởng Cơ điện. Ông Toàn nhớ lại, lúc bấy giờ miền Bắc là hậu phương lớn, mọi hoạt động đều hướng về miền Nam thân yêu, ngày làm việc bằng hai, trắng đêm chế tạo vũ khí để viện trợ cho chiến trường miền Nam.
Sau ngày giải phóng, ông Toàn trở về Nam, tiếp quản Lục quân Công xưởng ở Gò Vấp, và được thăm lại quê nhà sau hơn 20 năm xa cách.
Ở tuổi 92, cuộc đời ông Toàn đã đi qua bao thăng trầm thời cuộc, song có lẽ dấu ấn đậm sâu vẫn là ngày lên tàu rời Nam và thời gian hoạt động trên đất Bắc với niềm tin, khát vọng thống nhất đất nước. Tất cả được dệt nên qua bài thơ “Người đi - người ở” do ông Toàn sáng tác vào năm 2004, nhân Kỷ niệm 50 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, như một hồi ký đời mình: “Không chỉ hai năm mà hai mươi năm/Bến Hải dòng sông tạm cách ngăn/Niềm tin, ý chí không tàn lụi/Làm việc bằng hai đã góp phần.../Xúc cảm trùng phùng khôn kể xiết/Cao cả nghĩa tình phải nặng mang”.
Rèn luyện để trở về cống hiến
Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Cà Mau là điểm tập kết lớn nhất Nam Bộ với 200 ngày và Sông Ðốc là bến tiễn đưa cán bộ, chiến sĩ cách mạng và học sinh miền Nam ra Bắc. Trong dòng người náo nức lên đường, có những cô bé, cậu bé chỉ hơn 10 tuổi phải rời xa vòng tay gia đình để học tập, rèn luyện trên đất Bắc, sau này trở về quê hương Cà Mau cống hiến.
Ông Phạm Hữu Liêm, nguyên Giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh, hồi nhớ: “Lúc đó tôi 13 tuổi, đang học lớp 1, chưa hiểu nhiều về ý nghĩa của chuyến tập kết. Dù tôi là con trai một trong nhà nhưng cha tôi, lúc bấy giờ là Chủ tịch xã Tân Hưng (huyện Cái Nước) vẫn nhất quyết cho đi. Qua bao khó khăn, vất vả, tôi vẫn nhớ mãi lời cha dặn phải ráng học để sau này phụng sự cho quê hương, đất nước”.
Còn vợ ông Liêm, bà Lê Thị Liễu (quê tỉnh Quảng Ngãi), năm 1954 cũng tập kết ra Bắc theo diện học sinh miền Nam, khi ấy bà chỉ 10 tuổi. Họ học cùng nhau tại Học viện Nông Lâm Hà Nội và kết hôn năm 1970, sinh được 2 người con ở miền Bắc. Năm 1973, khi chiến tranh còn diễn ra quyết liệt, ông Liêm vượt Trường Sơn, xuyên rừng miền Ðông về Cà Mau. Ông kể, lúc đó chủ yếu đi bộ, ngày nghỉ, đêm luồn rừng theo hướng dẫn của giao liên. Từ Tây Ninh về Cà Mau mất 3 tháng 20 ngày.
Kỹ sư Phạm Hữu Liêm và Kỹ sư Lê Thị Liễu là người khởi xướng ý tưởng xây dựng công trình Lâm viên 19/5, với ý tưởng một Cà Mau thu nhỏ, để phục vụ tham quan, nghiên cứu khoa học. Ngôi nhà sàn của Bác Hồ trong Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay cũng xuất phát từ ý tưởng và sự chịu khó, quyết tâm của đôi vợ chồng kỹ sư này. Khi nhiều lần bôn ba ra Bắc, vào Trung mời thợ, xin bản thiết kế, chọn cây mới có được kiến trúc nguyên bản như nhà sàn của Bác ở Thủ đô Hà Nội.
Mỗi năm cứ đến kỷ niệm sự kiện tập kết ra Bắc, vợ chồng ông Liêm, bà Liễu lại mang ra những tấm ảnh kỷ niệm họp lớp, 2 chiếc nón kè thường đội đi học ngày xưa, rồi điện thoại thăm hỏi sức khỏe, điều kiện cuộc sống từng người. Hơn hết là nhắc nhớ về những nghĩa tình người dân miền Bắc đã chăm sóc, cưu mang để những cán bộ, học sinh miền Nam như ông, bà được học tập, trưởng thành.
Dù 70 năm trôi qua nhưng ký ức về chuyến tàu tập kết ra Bắc, những ngày sinh sống, chiến đấu, lao động, học tập, cùng với tình quân, dân Bắc - Nam vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam. Họ là những nhân chứng sống, là tấm gương để thế hệ trẻ tiếp nối niềm tự hào, ra sức cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Nhà ông Phạm Hữu Liêm và bà Lê Thị Liễu ở ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, những ngày qua đông khách tới lui. Như chúng tôi, ai nấy mong muốn được nghe câu chuyện tập kết dạt dào cảm xúc, được nhìn thấy những hiện vật năm xưa để hiểu hơn về sự hy sinh của cha ông đi trước và tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước, đồng thời là minh chứng vững chắc về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự thống nhất, tình cảm Nam - Bắc sắt son mãi mãi không thể nào chia cắt.
Ông Phạm Hữu Liêm xúc động: “Mấy ngày qua xem trên báo, đài thấy Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc ở Sông Ðốc hoàn thành và địa điểm tập kết ra Bắc sẽ được xếp hạng Di tích Quốc gia, ký ức 70 năm hiện về mồn một. Tôi như thấy hình ảnh Nhân dân bơi xuồng đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh lên tàu, vẫy tay chào hẹn ngày thống nhất non sông”.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xuc-cam-ven-nguyen-a35594.html