Anh thúc đẩy Apple và Google thay đổi hệ sinh thái di động để hạn chế sức mạnh thị trường

Hôm thứ Tư (23/7), cơ quan quản lý của Anh đã nhắm vào hệ sinh thái di động của Apple và Google trong động thái thúc đẩy hai công ty công nghệ này thực hiện những thay đổi đối với các lĩnh vực như cửa hàng ứng dụng.

Theo đó, Cơ quan Quản lý Cạnh tranh và Thị trường của Anh (CMA) đã đề xuất chỉ định các tập đoàn công nghệ của Mỹ là có "vị thế thị trường chiến lược" (SMS) sau khi mở một cuộc điều tra về vấn đề này vào tháng 1.

Danh hiệu SMS được trao cho một công ty lớn có "sức mạnh thị trường đáng kể và cố hữu" và "vị thế có ý nghĩa chiến lược" đối với hoạt động kỹ thuật số tại Anh.

CMA có thể buộc các công ty được dán nhãn SMS phải thay đổi hoặc ngừng các hành vi hoặc hoạt động cụ thể để giải quyết các lo ngại về cạnh tranh.

Trong khi đó, Apple và Google đều phản đối các đề xuất của CMA vì cho rằng chúng sẽ gây tổn hại cho tính bảo mật của người dùng và người tiêu dùng nói chung.

CMA đã phản đối điều gì?

CMA tập trung vào việc điều tra hệ điều hành di động, cửa hàng ứng dụng và trình duyệt của Apple và Google. Một trong những khía cạnh của cuộc điều tra là xem xét liệu có những rào cản nào có thể ngăn cản các đối thủ cạnh tranh khác cung cấp sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh trên nền tảng di động của các tập đoàn công nghệ Mỹ hay không.

Một phần khác của cuộc điều tra xem xét liệu Apple và Google có lợi dụng vị thế của họ trong hệ điều hành, phân phối ứng dụng hay trình duyệt để ưu tiên cho các ứng dụng và dịch vụ của riêng mình hay không.

Và khía cạnh cuối cùng của cuộc điều tra là liệu Apple và Google có yêu cầu các nhà phát triển phải ký kết "các điều khoản và điều kiện không công bằng" để phân phối ứng dụng thông qua các cửa hàng ứng dụng tương ứng hay không.

Hôm thứ Tư (23/7), CMA cho biết người tiêu dùng và doanh nghiệp đã nêu lên những lo ngại về các vấn đề khác nhau trên hệ sinh thái di động của Apple và Google. Một số trong số đó bao gồm "quy trình đánh giá ứng dụng không nhất quán và khó lường" và "thứ hạng tìm kiếm trên cửa hàng ứng dụng không nhất quán" có thể ưu tiên cho các ứng dụng của chính các công ty công nghệ.

CMA cho biết, trong quá trình đánh giá của Google và Apple để cho phép ứng dụng xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng của mình, các nhà phát triển đã bày tỏ lo ngại rằng các công ty công nghệ này có thể truy cập vào dữ liệu nhạy cảm về mặt thương mại của các đối thủ cạnh tranh.

Theo dữ liệu của Kantar, hệ điều hành Android của Google chiếm hơn 61% thị phần tại Anh, trong khi hệ điều hành iOS của Apple chỉ chiếm hơn 38%. Google điều hành cửa hàng ứng dụng Google Play và trình duyệt Chrome, còn Apple có cửa hàng ứng dụng App Store và trình duyệt Safari.

CMA mong muốn những thay đổi nào?

CMA muốn Apple xem xét các ứng dụng để phân phối một cách "công bằng, khách quan và minh bạch". Điều này có thể bao gồm các biện pháp khắc phục như Apple giải thích về sự chậm trễ hoặc từ chối và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nêu lên những lo ngại về quy trình này.

Apple cũng có thể bị buộc phải công bố phương pháp xếp hạng ứng dụng trên App Store. CMA đã vạch ra các biện pháp khắc phục tương tự cho Google.

CMA đang xem xét cách Apple và Google có thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng được các nhà phát triển bên ngoài ứng dụng điều hướng để thanh toán cho các dịch vụ và sản phẩm, từ đó tránh được phí mua hàng trong ứng dụng tương ứng. CMA cũng đang tìm cách giúp người dùng dễ dàng chuyển dữ liệu giữa iOS của Apple và Android của Google để việc chuyển đổi trở nên dễ dàng hơn.

Trong năm tới, CMA cho biết họ vẫn đang xem xét liệu có nên yêu cầu Apple cho phép các cửa hàng ứng dụng thay thế trong iOS và phần mềm iPad hay không. Cơ quan quản lý cũng cho biết họ đang xem xét liệu có nên buộc Apple cho phép người dùng tải xuống ứng dụng trực tiếp từ trang web của nhà phát triển (sideloading - tải ứng dụng từ bên ngoài).

Apple cho biết rằng các đề xuất từ cơ quan quản lý của Anh "sẽ làm suy yếu các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật mà người dùng của chúng tôi mong đợi, cản trở khả năng đổi mới của chúng tôi và buộc chúng tôi phải cung cấp công nghệ miễn phí cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài…Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan quản lý để đảm bảo họ hiểu đầy đủ những rủi ro này”.

Giám đốc Cạnh tranh cấp cao của Google, Oliver Bethell lưu ý rằng cả trình duyệt Google Chrome và hệ điều hành Android đều được xây dựng trên mã nguồn mở. “Những dịch vụ này mang lại sự lựa chọn tuyệt vời, bảo mật và đổi mới cho người dùng. Đó là lý do tại sao thông báo hôm nay vừa đáng thất vọng vừa không cần thiết”, ông cho biết.

Các công ty công nghệ lớn của Mỹ phải đối mặt với sự giám sát của châu Âu

Các vấn đề về quy định của Apple và Google tại châu Âu đang tiếp tục trở nên trầm trọng hơn.

Vào tháng 4, các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu đã phạt Apple 500 triệu euro (587 USD) vì vi phạm Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) - đạo luật giải quyết các vấn đề cạnh tranh công nghệ.

Năm nay, Apple đã buộc phải thực hiện một số thay đổi trong cách thức hoạt động tại EU. Những thay đổi bao gồm việc cho phép các nhà phát triển thông báo cho người dùng về các lựa chọn thay thế rẻ hơn và bỏ qua hệ thống thanh toán trong ứng dụng của Apple.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý của EU vẫn chưa làm hài lòng với một số thay đổi. Vào tháng 6, Apple đã tiết lộ một hệ thống phí App Store phức tạp nhằm tuân thủ DMA và tránh khoản tiền phạt 500 triệu euro. Apple dự định sẽ kháng cáo khoản tiền phạt này.

Mặt khác, Apple từ lâu đã lập luận rằng những thay đổi bắt buộc do cơ quan quản lý đưa ra đối với hoạt động của họ có thể dẫn đến các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật cho người dùng, đồng thời gây nhầm lẫn về các điều khoản kinh doanh cho các nhà phát triển.

Vào tháng 3, Alphabet cũng bị EU cáo buộc không tuân thủ DMA. Ủy ban Châu Âu cho biết Google đang đối xử với các dịch vụ tìm kiếm của họ một cách ưu đãi hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Ủy ban cho biết thêm rằng cửa hàng ứng dụng của Google đang ngăn cản các nhà phát triển dẫn dắt người dùng sang các kênh khác để có được những ưu đãi tốt hơn.

Google cũng đang tìm cách kháng cáo khoản tiền phạt 4,1 tỷ euro liên quan tới một vụ kiện chống độc quyền của EU từ năm 2018.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/anh-thuc-day-apple-va-google-thay-doi-he-sinh-thai-di-dong-de-han-che-suc-manh-thi-truong-post373606.html