Anh 'tiến thoái lưỡng nan' trước Trung Quốc
Nước Anh đang tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, với một bên là thách thức địa chính trị, bên còn lại là cơ hội hợp tác kinh tế hấp dẫn.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan, với cơ hội thách thức đan xen khiến các nước, dù lớn hay nhỏ, đều phải cân nhắc hết sức kỹ càng về chính sách. Nước Anh không phải là ngoại lệ.
Tiềm năng lớn
Hiện London đang nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ đồng minh truyền thống với Washington, mà không đánh mất cơ hội hợp tác đầy hấp dẫn đến từ Bắc Kinh. Điều này được thể hiện qua Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư toàn cầu được tổ chức tại London ngày 19/10 nhằm khuyến khích đầu tư vào Anh sau Brexit.
Nhà quan sát Adriel Kasonta, người từng tham gia tích cực vào quá trình hoạch định chính sách của xứ sở sương mù, nhận định Trung Quốc có vai trò quan trọng trong sự thịnh vượng của Anh. Bắc Kinh đã đầu tư 4,4 tỷ USD vào London năm 2019, chiếm 0,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Anh và chiếm khoảng 7,5% tổng kim ngạch thương mại của quốc gia châu Âu.
Theo Bộ Thương mại Quốc tế Anh, tổng thương mại hàng hóa, dịch vụ giữa nước này và Trung Quốc trong năm tính đến cuối quý II/2021 ước đạt 125,57 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện thâm hụt thương mại của London với Bắc Kinh đạt 63,39 tỷ USD, so với 25.49 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Đổi lại, thặng dư thương mại Anh-Trung Quốc về dịch vụ là 6,47 tỷ USD, giảm từ 9,04 tỷ bảng vào cuối quý II/2020.
Những con số về hợp tác kinh tế trên hoàn toàn có thể cải thiện và tăng trưởng nếu Anh duy trì, thậm chí mở rộng môi trường thương mại thuận lợi với Trung Quốc.
Nghi kỵ nhiều
Tuy vậy, tận dụng cơ hội kinh tế từ Trung Quốc ra sao là nhiệm vụ không đơn giản.
Trong nội bộ đảng Bảo thủ, sự trỗi dậy của tâm lý bài Trung Quốc thậm chí đang dần thay thế chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh.
Minh chứng rõ nét là Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư vừa được London ban hành. Nó chỉ được thảo luận khi Anh cấm công ty Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng 5G và tiếp cận các dự án năng lượng hạt nhân. Thêm vào đó, Anh cũng nhận thức rõ thách thức về địa chính trị đến từ Trung Quốc.
Tháng 3 vừa qua, London đã công bố tài liệu “Nước Anh toàn cầu trong thời đại cạnh tranh: Đánh giá tổng hợp về chính sách an ninh, quốc phòng, phát triển và đối ngoại”. Tài liệu mô tả tầm nhìn của Anh về vị thế của mình trong thập niên tới, đặc biệt là kế hoạch tham gia sâu hơn vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngày 10/9, Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Hạ viện cũng công bố báo cáo “Mối quan hệ an ninh và thương mại giữa Anh và Trung Quốc: Khoảng trống chiến lược”. Có nhận định cho rằng việc Anh cử Nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới tuần tra tại châu Á-Thái Binh Dương gợi nhớ “ngoại giao pháo hạm” thuở nào.
Hàng loạt động thái trên được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo thông thương cho các thỏa thuận thương mại lớn tại châu Á-Thái Bình Dương, khu vực chiếm tới 10% vốn đầu tư nước ngoài của Anh và là động lực tăng trưởng của thế giới. Đồng thời, nó gửi tín hiệu cho thấy London sẵn sàng cứng rắn khi cần thiết với Bắc Kinh.
Những con số về hợp tác kinh tế trên hoàn toàn có thể cải thiện và tăng trưởng nếu Anh duy trì, thậm chí mở rộng môi trường thương mại thuận lợi với Trung Quốc.
Nhiệm vụ không dễ dàng
Vị thế kinh tế và thương mại của Trung Quốc ngày càng được khẳng định. Các số liệu của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương vào năm 2017 và về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030.
Tuy nhiên, Anh lại không thể “đi nước đôi” với Trung Quốc, bởi nhiều lúc phát ngôn và hành động của London không nhất quán với nhau. Báo cáo của Hạ viện Anh nhận định thiếu vắng một chiến lược rõ ràng với Trung Quốc đang cản trở sự phát triển về thương mại và đầu tư của xứ sở sương mù. Văn bản này thậm chí còn gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh có thệ thống."
Đã đến lúc sự mơ hồ trong quan hệ Anh-Trung chấm dứt. London cần xây dựng một cách tiếp cận chính sách nghiêm túc, rõ ràng hơn, bởi như Thủ tướng Boris Johnson từng nhận định, Trung Quốc “là một phần quan trọng trong đời sống kinh tế của chúng ta và sẽ tồn tại lâu dài, thậm chí suốt cuộc đời chúng ta”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/anh-tien-thoai-luong-nan-truoc-trung-quoc-163927.html