Anh tìm thủ tướng mới

Việc Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ phần nào giúp chấm dứt bế tắc chính trị thời gian qua

Sau khi gần 60 quan chức từ chức, bao gồm trong nội các và trong đảng Bảo thủ, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 7-7 đã đồng ý ra đi.

Phát biểu bên ngoài dinh thủ tướng ở số 10 phố Downing, Thủ tướng Johnson cho biết ông rất buồn vì phải từ bỏ "công việc tốt nhất trên thế giới" và cho rằng chính phủ còn nhiều việc phải làm. Ông thừa nhận mong muốn của đảng Bảo thủ là có lãnh đạo mới và nước Anh có thủ tướng mới. Thời gian diễn ra cuộc bầu chọn người kế nhiệm sẽ được công bố vào tuần tới.

Đáng chú ý, ông Johnson nói ông có ý định tiếp tục giữ chức thủ tướng cho tới khi đảng Bảo thủ bầu được lãnh đạo mới. Ngay trước tuyên bố của ông Johnson, 2 cựu bộ trưởng Anh giấu tên nói với tờ Guardian rằng ông nên rời đi ngay và để Phó Thủ tướng Dominic Raab tiếp quản.

Làn sóng từ chức trong chính quyền ông Johnson được châm ngòi vào tối 5-7 với sự ra đi của Bộ trưởng Y tế Sajid Javid và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak.

Sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Johnson dường như biến mất trong 24 giờ hỗn loạn nhất lịch sử chính trị Anh khi tân Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi, người vừa được ông Johnson bổ nhiệm hôm 6-7, kêu gọi ông từ chức ngay sau đó.

Ông Boris Johnson phát biểu trước Dinh Thủ tướng Anh ngày 7-7. Ảnh: REUTERS

Ông Boris Johnson phát biểu trước Dinh Thủ tướng Anh ngày 7-7. Ảnh: REUTERS

Ngay sau khi ông Johnson tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, đảng này khởi động cuộc tìm kiếm người kế nhiệm. Theo quy trình của Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ, các ứng viên phải được đề cử bởi 2 nhà lập pháp của đảng Bảo thủ và không giới hạn số ứng viên.

Các nhà lập pháp đảng Bảo thủ sau đó tổ chức nhiều vòng bỏ phiếu kín cho đến khi chọn ra 2 ứng viên cuối cùng, những người sẽ trải qua cuộc bỏ phiếu qua bưu điện với sự bầu chọn của nhiều thành viên đảng Bảo thủ hơn. Người chiến thắng sẽ trở thành lãnh đạo đảng này.

Lãnh đạo của đảng chiếm thế đa số tại Hạ viện Anh hiển nhiên trở thành chủ nhân ở số 10 phố Downing. Đứng đầu danh sách ứng viên sáng giá hiện là Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss, nhân vật được yêu thích tại đảng Bảo thủ và thường xuyên đứng đầu các cuộc thăm dò trong đảng.

Theo sau là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt, 55 tuổi, người có phong cách lãnh đạo được đánh giá là sẽ ít gây tranh cãi hơn nhiệm kỳ đầy sóng gió của ông Johnson. Đáng chú ý, theo Reuters, trong danh sách này còn có 2 bộ trưởng mới từ chức là Rishi Sunak và Sajid Javid.

Cũng theo Reuters, khoảng thời gian chọn ra lãnh đạo mới tùy thuộc vào số ứng viên. Năm 2016, cựu Thủ tướng Theresa May trở thành lãnh đạo chưa đầy 3 tuần sau khi người tiền nhiệm David Cameron từ chức. Đến năm 2019, ông Johnson nhậm chức 2 tháng sau khi bà May tuyên bố ý định từ chức. Khi đó, ông vượt qua ông Jeremy Hunt.

Trước mắt, ông Johnson còn đối mặt với kịch bản bỏ phiếu bất tín nhiệm lần thứ 2 ngay trong tuần tới. Khoảng 1 tháng trước, Thủ tướng Anh đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của các nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Hạ viện.

Theo quy định của đảng này, sẽ không có cuộc bỏ phiếu tương tự nhằm vào ông Johnson trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp đang tìm cách thay đổi quy định giữa lúc ông Johnson bị điều tra việc có nói dối Quốc hội về các vi phạm lệnh phong tỏa trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát hay không.

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thu-tuong-anh-tu-chuc-20220707204008286.htm