Anh triển khai biện pháp mạnh tay ngăn chặn dòng người di cư qua eo biển Manche
Truyền thông Anh ngày 9/9 đưa tin cơ quan chức năng nước này sắp tới có thể cưỡng chế tàu chở người di cư phi pháp vượt eo biển Manche quay trở lại Pháp theo chiến lược mới vừa được Bộ trưởng Nội vụ nước này Priti Patel phê chuẩn.
Việc làm này được cho sẽ khoét sâu mối quan hệ rạn nứt giữa Anh và Pháp liên quan các biện pháp ứng phó với nạn vượt biên trái phép qua eo biển giữa hai nước.
Một quan chức Chính phủ Anh giấu tên cho biết theo chiến lược mới, lực lượng biên phòng của Anh sẽ được huấn luyện để cưỡng chế tàu chở người di cư phi pháp quay đầu. Tuy nhiên, mọi biện pháp cưỡng chế này chỉ được thực hiện khi đảm bảo các yếu tố về an toàn. Quan chức này cho biết thêm quyền Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Ellis sẽ chịu trách nhiệm xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể để lực lượng biên phòng triển khai chiến lược mới này.
Truyền thông Anh cũng đã trích dẫn nội dung một bức thư bị rò rỉ cho biết Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin đã phản đối chiến lược nói trên, cho rằng việc cưỡng chế các tàu chở người di cư quay trở lại Pháp sẽ rất nguy hiểm. Ông Darmanin nhấn mạnh vấn đề ưu tiên hàng đầu là bảo vệ mạng sống của con người trên biển, bất kể quốc tịch, địa vị, chính sách di cư.
Eo biển Manche là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Từ đầu năm đến nay, hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ chở người di cư bất hợp pháp đã tìm cách vượt biên từ Pháp tới England (Anh) qua tuyến đường này. Lợi dụng điều kiện thời tiết thuận lợi của mùa Hè, cuối tháng 8 vừa qua, có ngày Anh ghi nhận số người di cư kỷ lục từ Pháp và Anh qua eo biển Manche lên tới 828 người.
Trong tuyên bố ngày 8/9 trước Quốc hội Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho rằng nước này cần sử dụng mọi biện pháp để chấm dứt tình trạng vượt biên trái phép qua eo biển Manche. Ông hoan nghênh những nỗ lực của Bộ trưởng Nội vụ Patel trong ứng phó với vấn nạn này.
Để hợp tác với Anh trong việc ngăn chặn dòng người vượt biên qua eo biển Manche, Pháp đã tăng gấp 2 lần số cảnh sát tuần tra trên các bãi biển, ngăn chặn hơn 10.000 nỗ lực vượt biên. Tuy nhiên, ông Johnson cho rằng nạn vượt biên vẫn tiếp diễn cho đến hiện tại.