Anh và Australia xoa dịu căng thẳng với Pháp
Ngày 20/9, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan tuyên bố sẽ tìm kiếm một cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp để xoa dịu căng thẳng liên quan quyết định của Canberra hủy thỏa thuận tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD với tập đoàn Naval Group (Pháp).
Bộ trưởng Tehan bày tỏ tin tưởng tranh cãi nêu trên sẽ không gây ảnh hưởng tới quan hệ thương mại song phương và mong muốn trao đổi về vấn đề này với người đồng cấp Pháp bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào tháng 10 tới. Australia tin tưởng vào triển vọng của tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Canberra và Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ tiếp tục diễn ra, dù Pháp đang yêu cầu các quốc gia châu Âu xem xét lại thỏa thuận này.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang tìm cách xoa dịu tình trạng căng thẳng trong quan hệ với Pháp sau khi Anh và Mỹ ký hợp đồng sản xuất tàu ngầm với Australia khiến Paris mất đi hợp đồng tương tự đã ký của mình. Pháp đã đình chỉ cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly với người đồng cấp Anh Ben Wallace, vốn được lên kế hoạch diễn ra trong tuần này.
Trước đó, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal thông báo Tổng thống Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ tiến hành điện đàm trong vài ngày tới liên quan hợp đồng mua bán tàu ngầm. Một quan chức Nhà trắng cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ làm việc với Pháp để giải quyết những bất đồng.
Liên quan căng thẳng giữa Pháp với Mỹ và Australia, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hạ thấp nguy cơ xảy ra tranh chấp trong liên minh và cho rằng vụ việc này không có khả năng ảnh hưởng đến hợp tác quân sự trong khối. Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer khẳng định có nhiều thỏa thuận giữa các quốc gia có thể ảnh hưởng đến NATO về mặt chính trị. Tuy nhiên hiện tại, điều này sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác quân sự trong NATO.