Anh và EU đạt thỏa thuận mới, tháo gỡ bế tắc trong Brexit
Sau nhiều tháng đàm phán, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 17-10 thông báo, Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận Brexit. Thỏa thuận mới đã loại bỏ điều khoản 'chốt chặn' gây tranh cãi.
Thông qua tài khoản Twitter cá nhân, Thủ tướng Anh cho biết: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận mới tuyệt vời và giành lại quyền kiểm soát. Giờ đây, Quốc hội nên thông qua thỏa thuận Brexit vào ngày thứ bảy tới (19-10) để chúng ta có thể chuyển sang thảo luận về các ưu tiên khác như chi phí sinh hoạt, dịch vụ y tế, tội phạm bạo lực và môi trường”.
Ông Johnson khẳng định, điều khoản “chốt chặn” trong thỏa thuận do người tiền nhiệm Theresa May đàm phán với giới chức EU đã được loại bỏ. Điều khoản này là một trong những lý do khiến Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận của bà May ba lần. Điều khoản “chốt chặn” là “chính sách bảo đảm” nhằm tránh “đường biên giới cứng” giữa Bắc Ireland và Ireland nếu cho đến khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc, London và Brussels vẫn không tìm được giải pháp thay thế. Điều đó có nghĩa là Anh sẽ vẫn thuộc liên minh thuế quan của EU tới lúc hai bên ký kết một thỏa thuận thương mại.
Trong khi đó, cũng trên tài khoản Twitter cá nhân, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker viết: “Nơi nào có ý chí, nơi đó có thỏa thuận - chúng tôi có một thỏa thuận! Đó là thỏa thuận công bằng và cân bằng đối với EU và Anh và đó là bằng chứng cho cam kết của chúng tôi về tìm ra các giải pháp. Tôi tin rằng Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ thông qua thỏa thuận này”.
Ngay sau khi ông Johnson và ông Juncker cùng công bố thông tin nêu trên, hai đảng đối lập chính tại Anh đã lập tức bày tỏ phản đối thỏa thuận Brexit mới. Ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng cho rằng: “Thủ tướng Johnson đã thương lượng một thỏa thuận tồi tệ hơn thỏa thuận từng bị phản đối mạnh mẽ của bà Theresa May”. Đảng Dân chủ Tự do vốn có quan điểm ngăn chặn Brexit xảy ra cũng phản đối thỏa thuận của ông Johnson. Như vậy, chắc chắn Thủ tướng Anh sẽ phải đối mặt với thách thức lớn tại Quốc hội nước này trong vài ngày tới. Nếu không thể thuyết phục Quốc hội ủng hộ thỏa thuận Brexit mới thì ông Johnson sẽ phải đề nghị EU gia hạn Brexit đến ngày 31-1-2020.
Sau khi thông tin về thỏa thuận Brexit mới được công bố, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU đã chủ trì một cuộc họp báo. Ông Barnier cho biết, bản thỏa thuận dài 64 trang đã được công bố. Ông Barnier cho rằng, cuộc gặp riêng giữa ông Johnson và người đồng cấp Ireland Leo Varadkar hai tuần trước đã mở đường cho thỏa thuận hôm nay. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU tin tưởng thỏa thuận mới sẽ được ủng hộ và phê chuẩn từ nay cho đến ngày 31-10-2019, tức là trước hạn chót Brexit. Trong cuộc gặp ông Juncker sáng nay, Thủ tướng Johnson cũng nói rằng, ông tin tưởng các nghị sĩ Anh sẽ thông qua thỏa thuận mới này.
Ông Barnier nêu rõ, giải pháp cho vấn đề biên giới Bắc Ireland và Ireland dựa vào bốn yếu tố chính: thứ nhất, Bắc Ireland vẫn tuân thủ quy định của EU, trong đó có quy định về hàng hóa; thứ hai, Bắc Ireland vừa nằm trong khu vực thuế quan của Anh, vừa là “điểm vào” thị trường đơn nhất của EU; về thuế mua bán hàng hóa, thỏa thuận Brexit sẽ duy trì tính toàn vẹn của thị trường đơn nhất; thứ tư, cứ sau mỗi giai đoạn kéo dài bốn năm, Bắc Ireland có thể quyết định có tiếp tục áp dụng nguyên tắc của liên minh thuế quan hay không.
Bước đột phá trong tiến trình Brexit nhanh chóng đẩy giá của đồng bảng Anh lên hơn 1% với tỷ giá một đồng bảng Anh đổi 1,29 USD.
H.H
Guardian, Reuters, CNN