Anh và Việt Nam thảo luận về năng lực nghiên cứu hệ gen để ứng phó với đại dịch Covid-19
Ngày 26/3, tại Hà Nội, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Tầm quan trọng của nghiên cứu hệ gen trong ứng phó với đại dịch Covid-19.
Hội thảo Tầm quan trọng của nghiên cứu hệ gen trong ứng phó với đại dịch Covid-19 có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ.
Đặc biệt, sự kiện có sự tham dự của các chuyên gia đến từ những cơ quan nghiên cứu y tế công cộng, sinh học phân tử và phát triển vaccine trên khắp Việt Nam, như Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang.
Mục tiêu chính của Hội thảo là nhìn nhận tầm quan trọng của năng lực kỹ thuật giải trình tự và phân tích hệ gen để phục vụ việc ra chính sách ứng phó với đại dịch, cụ thể là đánh giá năng lực và quy trình hiện có và chia sẻ kinh nghiệm từ các nước phát triển như Anh, Mỹ.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận những cơ hội để nâng cao năng lực chuyên môn và củng cố vai trò của Việt Nam trong việc chia sẻ dữ liệu trình tự gen SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Hội thảo cũng nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu và chính sách; đồng thời phát hiện và đánh giá các cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết: “Vaccine mới chỉ là một nửa công việc. Việc phát hiện và giám sát các biến chủng virus cũng quan trọng không kém để chúng ta có thể kịp thời ứng phó với đại dịch. Một ưu tiên của cộng đồng quốc tế là chia sẻ và minh bạch dữ liệu với nhau. Vương quốc Anh có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và sẵn sàng chia sẻ với các đối tác”.
Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford cũng chia sẻ: “Hiện nay, nhiều quốc gia còn hạn chế về chuyên môn khoa học để giải trình tự toàn bộ hệ gen của virus và sau đó, chia sẻ dữ liệu này với cộng đồng quốc tế. Các thiết bị phục vụ cho hoạt động này tuy không quá đắt, nhưng việc vận hành chúng lại đòi hỏi nhiều kỹ năng đặc biệt cần tích lũy trong thời gian”.
Tại Hội thảo, GS. Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng đã có bài trình bày về việc áp dụng nghiên cứu hệ gen để phân tích đặc điểm SARS-CoV-2, trong khi TS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasreur TP. Hồ Chí Minh trình bày về ý nghĩa của việc giải trình tự gen trong phòng chống dịch Covid-19.
Các diễn giả đều khẳng định Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh việc theo dõi các biến chủng mới của virus trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo hiệu quả của vaccine cũng như quá trình xét nghiệm và điều trị.