"Tình trạng nhiều xe tăng Nga 'gục ngã' tại chiến trường Ukraine một phần do chúng chưa trang bị giáp phản ứng nổ (ERA)", Bộ Quốc phòng Anh nhận định trong báo cáo tình hình chiến trường Ukraine ngày 18/8.
Nga đã tung số lượng lớn xe tăng vào chiến trường Ukraine, có thể nói là gần như mọi chủng loại, từ dòng xe tăng cổ lỗ T-62M cho tới dòng hiện đại nhất tT-90M đều đã tham chiến tại đây.
Song, bằng hỏa lực chống tăng được phương Tây viện trợ, Ukraine đã gây tổn thất lớn cho lực lượng tăng thiết giáp Nga.
Phía Ukraine cho biết, họ đã loại của Nga khoảng hơn 1.750 xe tăng với đủ chủng loại khác nhau. Hiện phía Moscow chưa lên tiếng thừa nhận con số này.
Ở chiều ngược lại, phía Nga cũng cho biết họ đã bắn hạ khoảng hơn 2.500 xe tăng của Ukraine, tuy nhiên Kiev cũng không lên tiếng bình luận về thông tin này.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết nếu xe tăng Nga được trang bị giáp phản ứng nổ đúng cách, chúng sẽ chống đỡ các loại đạn chống tăng hiệu quả hơn.
Bộ Quốc phòng Anh cho rằng lực lượng Nga "chưa chấn chỉnh nền văn hóa ít sử dụng ERA", vốn tồn tại từ xung đột Chechnya lần thứ nhất vào năm 1994.
"Rất có thể nhiều kíp xe tăng Nga chưa được huấn luyện cách bảo dưỡng ERA, dẫn tới lắp đặt giáp phản ứng nổ kém hoặc không lắp", Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
"Những thiếu sót này có thể góp phần vào sự cố nổ bay tháp pháo xe tăng, vốn được ghi lại trong nhiều video tại Ukraine".
Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về đánh giá của Anh.
Sau hơn 5 tháng chiến sự, lực lượng Nga được cho đã mất hàng ngàn xe tăng, chủ yếu là T-72, với thiết kế chứa đạn bên trong tháp pháo.
Đây được nhận định là điểm yếu lớn nhất của mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực này.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định bất cứ đòn tấn công nào của tên lửa phía trên tháp pháo, nơi có giáp mỏng nhất, sẽ nhanh chóng đốt cháy những quả đạn bên trong, gây ra vụ nổ lớn và thổi tung tháp pháo.
Tuy nhiên, thiết kế chứa đạn bên trong tháp pháo của T-72 cùng hệ thống nạp đạn tự động lại giúp tiết kiệm không gian, cho phép kíp xe mang được nhiều đạn hơn và tạo mật độ hỏa lực lớn.
Để khắc phục nhược điểm về thiết kế của T-72, Nga từ những năm 1990 phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M với kho đạn đưa ra bên ngoài tháp pháo.
Nga từng hy vọng với việc nâng cấp sâu rộng, T90M sẽ tạo ra bước đột phá trên chiến trường Ukraine, vì thế họ chỉ tung dòng siêu tăng này vào khi tất cả các chủng loại xe tăng đang tham chiến đã bị thiệt hại.
Tuy nhiên T-90M vẫn gặp tổn thất trên chiến trường, phía Ukraine thậm chí còn cho biết 1/3 số xe tăng T-90M của Nga đã bị loại.
Vẫn chưa có thông tin độc lập kiểm chứng về tuyên bố của Ukraine, rất có thể Kiev đã phóng đại tuyên bố trong cuộc chiến thông tin.
Nhưng hình ảnh xe tăng T-90M của Nga bị bắn hạ ngay chỉ khi được tung vào tham chiến chưa lâu cho thấy chúng vẫn không thể "bất bại" trước vũ khí chống tăng hiện đại.
Hiện chỉ còn dòng xe tăng T-14 Armata với thiết kế mang tính cách mạng, được quảng cáo là "sự lột xác hoàn toàn so với các dòng xe tăng trước đây....
Tuy nhiên Nga vẫn chưa biên chế và cho chúng thực chiến, vì vậy cần thời gian để dòng xe tăng này chứng minh tính hiệu quả trong chiến đấu
Việt Hùng