Anh về, dân bản nhớ anh lắm!

Trung tá Lê Văn Đức đã 34 năm làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị. Ở địa bàn nào anh cũng tận tụy phục vụ và luôn được nhân dân yêu quý

Sau 34 năm công tác ở địa bàn biên giới, những ngày sát Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, y sĩ - trung tá Lê Văn Đức, phụ trách Phòng khám Quân dân y kết hợp Sa Trầm của Đồn Biên phòng Ba Nang - Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị, nhận quyết định nghỉ hưu.

Mối ân tình rất đặc biệt

Hôm anh chuẩn bị về quê cùng gia đình ở dưới xuôi, đại diện chính quyền xã Ba Nang (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) và rất nhiều người dân trong xã đã đến để chia tay, có người không cầm được nước mắt.

Y sĩ - trung tá Lê Văn Đức khám bệnh cho dân ở xã Ba Nang

Y sĩ - trung tá Lê Văn Đức khám bệnh cho dân ở xã Ba Nang

"Thấy cán bộ được về nghỉ hưu bên gia đình cũng vui nhưng dân bản cũng nhớ anh ấy lắm!" - anh Hồ Văn Viên, 35 tuổi, người dân xã Ba Nang, xúc động.

Qua câu chuyện mới biết gia đình anh Hồ Văn Viên và cán bộ quân y Biên phòng có mối ân tình rất đặc biệt. Quay mặt nhìn vợ và các con đứng bên cạnh, anh Viên nói: "Gia đình mang ơn BĐBP nhiều lắm, tôi đặt tên cho con trai là Hồ Văn Đức là để tri ân cán bộ quân y Biên phòng".

Anh Viên nhớ lại chuyện của năm 1995, y sĩ Lê Văn Đức lên Ba Nang nhận công tác. Từ trung tâm huyện Đakrông vào xã Ba Nang phải đi bộ gần 2 ngày mới đến nơi.

Không chỉ đường sá khó khăn, cuộc sống người dân còn thiếu thốn, lạc hậu, nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe. Khi ốm đau, các gia đình thường chỉ tìm mời thầy cúng về "đuổi ma" hoặc sử dụng lá rừng để chữa trị.

Sự có mặt của y sĩ Lê Văn Đức tại Phòng khám Quân dân y kết hợp Sa Trầm của Đồn Biên phòng Ba Nang đã góp sức làm cho cuộc sống đồng bào dân tộc Vân Kiều thay đổi, khởi sắc.

Trung tá Lê Văn Đức (đứng giữa) phổ biến kỹ năng phòng chống dịch cho lực lượng chốt chặn trên biên giới

Trung tá Lê Văn Đức (đứng giữa) phổ biến kỹ năng phòng chống dịch cho lực lượng chốt chặn trên biên giới

Sau khi nhận nhiệm vụ, cán bộ quân y Biên phòng cùng đồng đội thực hiện chủ trương bám bản làng, vận động nhân dân ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh nhà cửa; tham mưu để chính quyền địa phương tuyên truyền cho bà con từng bước chuyển gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn. Bất kể mọi lúc, ngày hay đêm, y sĩ Lê Văn Đức và đồng đội đều sẵn lòng chạy đến để thăm khám, chữa trị khi người dân ốm đau, gặp tai nạn lao động.

Người dân không còn tin vào ma quỷ nữa mà dần dần tin vào lời nói và thuốc của cán bộ quân y Biên phòng cho.

"Năm 2001, trong quá trình chặt gỗ làm nhà trong rừng sâu, tôi bị ngã rồi đá cắt khiến tinh hoàn bị lòi ra ngoài. Mọi người không biết phải làm sao nên vội vàng về gọi y sĩ Đức vào cứu chữa. Ngày mới bị tai nạn, nhiều người nói rằng tôi không thể có con được, hoang mang lắm. Biết được lo lắng của tôi, y sĩ Đức vừa tận tình chữa vết thương và khẳng định điều người dân nói là không đúng. Từ đó tôi xem Đức như người trong gia đình" - anh Viên khẳng định.

Cũng qua câu chuyện, anh Viên nói thêm rằng ở trong xã còn một số gia đình khác cũng lấy tên Đức để đặt cho con như một cách tỏ lòng tri ân đối với cán bộ quân y Biên phòng.

Tận tụy phục vụ đồng bào

Không chỉ khám chữa bệnh cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn mà đơn vị đóng quân còn là địa chỉ tin cậy chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Lào sinh sống ở các bản làng phía biên giới đối diện.

Trong nhiều năm công tác ở đây, y sĩ Đức đã trực tiếp điều trị cho hàng ngàn người dân Lào. Chính vì thế, họ luôn dành sự kính trọng đặc biệt cho cán bộ quân y Biên phòng Việt Nam. Có trường hợp người dân Lào sau khi được chữa khỏi bệnh còn nhờ người thân mang cả con bò sang tặng quân y Biên phòng để cảm ơn.

Chuyện này được người dân kể lại và trung tá Lê Văn Đức khẳng định đó hoàn toàn thật. Người tặng bò là bà Y Rê, ngụ bản A Ho, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào), nay vẫn đang sống khỏe mạnh cùng con cháu.

Rồi trung tá Đức kể lại một chuyện của 20 năm trước. Lúc đó, sau thời gian dài ốm nằm liệt giường, bà Y Rê được các con dùng võng gánh sang Phòng khám Quân dân y kết hợp Sa Trầm để nhờ BĐBP Việt Nam điều trị. Qua thăm khám, anh Đức chẩn đoán bà Y Rê mắc bệnh lao hạch.

Anh Đức cam đoan sẽ chữa khỏi bệnh cho bà với điều kiện bà phải ở lại một thời gian dài tại phòng khám. Tin lời quân y Biên phòng Việt Nam, các con của bà đã đồng ý cử một người trong gia đình ở lại chăm sóc để bà Y Rê yên tâm chữa bệnh.

"Tôi nắm rất rõ phác đồ điều trị của bệnh lao nên báo cáo cấp trên được mua thuốc ở dưới xuôi mang lên điều trị cho bệnh nhân. Sau 2 tháng tiêm tấn công tại phòng khám, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng.

Cán bộ quân y Biên phòng và y tế địa phương tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cho nhân dân địa bàn

Cán bộ quân y Biên phòng và y tế địa phương tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cho nhân dân địa bàn

Tôi kê thêm thuốc để bà Y Rê về nhà uống duy trì thêm 6 tháng nữa thì khỏi hẳn. Sau khi khỏe mạnh bình thường, bà Y Rê cùng con cháu dắt sang một con bò để tặng. Tôi từ chối sao cũng không được nên đành nhận, sau đó bán để lấy tiền mua thuốc bổ sung giúp điều trị cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khác" - trung tá Đức cho biết.

Trung tá Lê Văn Đức đã có 34 năm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị, trong đó có 13 năm gắn bó với Phòng khám Quân dân y kết hợp Sa Trầm. Dù công tác ở địa bàn nào, anh cũng tận tụy phục vụ đồng bào và luôn được nhân dân yêu quý.

Nghỉ hưu, không nghỉ việc

Cho đến thời điểm nhận quyết định nghỉ hưu, nhiều tháng liền trung tá Lê Văn Đức đã không về thăm gia đình. Anh luôn thường trực tại đơn vị, cùng y, bác sĩ ngành y tế địa phương triển khai các biện pháp, kiên quyết không để dịch Covid-19 lây lan vào địa bàn phụ trách. Trung tá Đức còn lên các chốt chặn trên biên giới phổ biến kỹ năng phòng chống dịch để cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử trí khi phát hiện người nhập cảnh trái phép.

"Nếu để dịch Covid-19 lây lan vào địa bàn biên giới, nơi cuộc sống, nhận thức của người dân cũng như điều kiện y tế còn hạn chế thì sẽ rất nguy hiểm. Chính vì thế mà công tác phòng ngừa phải luôn được chú trọng. Muốn làm được điều đó thì đòi hỏi sự hy sinh, khắc phục khó khăn của mọi người. Tôi cũng không là ngoại lệ" - trung tá Lê Văn Đức khẳng định.

Khi được hỏi về dự định sau khi nghỉ hưu, trung tá Lê Văn Đức bộc bạch rằng anh nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, sẵn sàng mang kiến thức chuyên môn phục vụ nhân dân.

Dự định của anh là sẽ cùng những cán bộ quân y Biên phòng đã nghỉ hưu trên địa bàn gây quỹ, tổ chức các chuyến khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo trên khu vực biên giới và sẵn sàng tham gia phòng chống dịch Covid-19 khi được ngành y tế địa phương điều động.

Luôn tận tụy, khắc phục khó khăn

Đại tá Nguyễn Nam Trung, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Suốt quá trình công tác trong quân ngũ, trung tá Lê Văn Đức luôn tận tụy, khắc phục mọi khó khăn để góp phần chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân biên giới.

Thông qua hoạt động khám chữa bệnh, anh còn góp sức tuyên truyền để người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, chính quyền địa phương. Ở bất kỳ nơi đâu, anh cũng được người dân địa phương tin yêu, kính trọng".

"Nhiều gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã biên giới Ba Nang lấy tên của y sĩ - trung tá Lê Văn Đức để đặt cho con. Họ xem đây là cách tri ân đặc biệt đối với những đóng góp của Bộ đội Biên phòng trong suốt cả thời gian dài công tác tại vùng đất biên giới còn nhiều khó khăn.

CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ

Bài và ảnh: Viết Lam

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/anh-ve-dan-ban-nho-anh-lam-20220126200525986.htm