Ảnh vệ tinh tiết lộ đàn chim cánh cụt cực hiếm
Chim cánh cụt hoàng đế thuộc giống loài lớn nhất nhưng ít phổ biến ở Nam Cực. Hiện tại, môi trường sống của chúng đang bị đe dọa do băng tan.
Theo The Guardian, 4 đàn chim cánh cụt hoàng đế đã được tìm thấy ở Nam Cực sau khi các nhà khoa học phát hiện phân của chúng trong một số bức ảnh chụp từ thiết bị ngoài không gian. Giới nghiên cứu tin rằng đây là một bức tranh gần đầy đủ về quần thể của loài động vật này khi môi trường sống của chúng bị đe dọa do tình trạng băng tan.
Một nghiên cứu vào năm 2023 cho thấy lượng băng nổi ở biển Bellingshausen (Nam Cực) đã giảm kỷ lục vào cuối năm 2022. Điều này có thể khiến hàng nghìn con chim cánh cụt hoàng đế non gặp nguy hiểm.
Tiến sĩ Peter Fretwell, nhà khoa học về không gian địa lý thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để khám phá cũng như theo dõi các hoạt động của đàn chim cánh cụt trên băng trắng và tuyết. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Nam Cực cho thấy số lượng đàn chim cánh cụt hoàng đế được biết đến có thể lên đến con số 66.
“Những địa điểm mới được xác định đã mô tả các khoảng trống trong sự phân bố của loài chim mang tính biểu tượng này. Đa phần đàn chim cánh cụt đều có ít hơn 1.000 cá thể, vì vậy việc tìm ra những đàn mới này cũng không tạo ra sự khác biệt đối với quy mô quần thể nói chung”, Tiến sĩ Peter Fretwell nói.
Chim cánh cụt hoàng đế là loài rất hiếm gặp ở Nam Cực. Hiện tại, các nhà khoa học ước tính số cá thể của giống loài này vào khoảng 600.000 con.
Trong đó, chúng phụ thuộc phần lớn vào băng biển để sinh sản. Ngoài ra, chim cánh cụt hoàng đế thường đẻ trứng vào tháng 5 và tháng 6. Con non sẽ nở sau khoảng 65 ngày và cần thêm nửa năm để mọc đủ lông.
Tuy nhiên, chu kỳ này đang bị đe dọa bởi sự suy giảm mạnh về phạm vi của các khối băng biển. Tiến sĩ Fretwell cho biết khoảng 30% đàn chim cánh cụt hoàng đế có thể bị ảnh hưởng nặng nề do băng tan trên biển kể từ năm 2018.
Nguồn Znews: https://znews.vn/xuat-hien-dan-chim-canh-cut-hiem-gap-o-nam-cuc-post1457061.html